Tuyên truyền tiết kiệm điện và phòng chống tai nạn điện trong trường học:

Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường

ĐỖ HUYỀN

VHO - Những ngày hè sôi nổi chờ đón triệu triệu học sinh cả nước với những hoạt động vui tươi, bổ ích đang đến gần. Tuy nhiên, đi cùng niềm vui háo hức của các em là những băn khoăn, trăn trở của cha mẹ, thầy cô để làm sao cho con em mình biết cách sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, an toàn ngay tại nhà cũng như trong trường học…

Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường - ảnh 1

Chương trình Tuyên truyền tiết kiệm điện và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn điệnđã giúp các em học sinh nắm vững được kỹ năng sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả

Năng lượng điện vô cùng quý giá, nhất là trong bối cảnh nắng nóng ngày càng gia tăng, nếu chúng ta sử dụng điện đúng cách thì sẽ có nhiều người dân trên cả nước được dùng điện.

Những năm qua, tình hình tiêu thụ điện ở nước ta luôn ở mức rất cao, làm tăng nguy cơ quá tải, sự cố mất điện, thậm chí cháy nổ, gây mất an toàn và nguy hiểm đến tính mạng con người.

Với mục đích hướng dẫn cho các “công dân nhí” có kĩ năng cần thiết để phòng tránh tai nạn liên quan quan đến điện, đồng thời giúp các em nhận thức được việc sử dụng tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức chương trình tập huấn nhằm giúp học sinh nắm vững cách thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đề phòng cháy nổ, tai nạn thương tích xảy ra.

Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường - ảnh 2

Buổi sinh hoạt được học sinh hưởng ứng nhiệt tình…

Ghi nhận tại Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (quận Đống Đa, Hà Nội), sáng qua 22.4, cùng với Đoàn thanh niên Trung tâm điều độ hệ thống điện TP và Đoàn thanh niên Công ty Điện lực Đống Đa, nhà trường đã tổ chức chương trình Tuyên truyền tiết kiệm điện và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn điện cho các em học sinh.

Bằng những hình ảnh trực quan, câu hỏi dễ nhớ, dễ thuộc, các cô chú tuyên truyền viên đã giúp học sinh trang bị thêm kiến thức, hiểu và biết cách sử dụng điện hằng ngày ở gia đình cũng như trong nhà trường hiệu quả, an toàn thông qua các câu hỏi vui nhộn và hành động liên hệ thật sinh động.

Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường - ảnh 3

…qua đó các em nắm được một số kiến thức cơ bản để có thể trở thành những tuyên truyền viên tích cực phổ biến cho người thân cũng như bà con nơi khu phố

Buổi sinh hoạt được học sinh hưởng ứng nhiệt tình, qua đó các em nắm được một số kiến thức cơ bản để có thể trở thành tuyên truyền viên tích cực phổ biến cho người thân cũng như bà con nơi khu phố, góp phần tiết kiệm chi phí cho gia đình, xã hội cũng như bảo vệ môi trường sống. 

Cô giáo Hà Ngọc Lan, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với gần 1.000 học sinh và 25 lớp học, để đảm bảo an toàn về điện trong quá trình dạy và học, thường vào dịp đầu hè là nhà trường tiến hành rà soát lại toàn bộ hệ thống lưới điện, sửa chữa, thay thế kịp thời những thiết bị không đảm bảo an toàn.

Học sinh lại đang ở độ tuổi hiếu động, thích khám phá, do đó, để đảm bảo an toàn khi các em đến trường, nhất là an toàn về điện, thầy cô giáo và cán bộ, nhân viên trong trường thường xuyên nhắc nhở và trang bị kiến thức cơ bản cho các em về sử dụng điện thông qua các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động ngoại khóa, dán poster, khẩu hiệu, lời nhắc trên các thiết bị, bảng tin...

Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường - ảnh 4

Bằng những hình ảnh trực quan, dễ nhớ, dễ thuộc, các cô chú tuyên truyền viên đã giúp học sinh trang bị thêm kiến thức, hiểu và biết cách sử dụng điện

 
Để nhận thức thay đổi ngay từ trên ghế nhà trường - ảnh 5

Các “tuyên truyền viên nhí” sẽ trở về vận động người thân của mình thực hiện tiết kiệm điện hiệu quả, an toàn, hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngoài ra, hằng ngày sau giờ tan trường, cán bộ, nhân viên sẽ đi từng phòng học để kiểm tra các thiết bị điện.

“Buổi tuyên truyền sẽ giúp học sinh xây dựng ý thức sử dụng điện văn minh, an toàn. Tôi hy vọng các em sẽ dần hình thành được phản xạ tự nhiên khi ra khỏi phòng thì tắt điện, biết lựa chọn những thiết bị tiết kiệm phục vụ sinh hoạt hằng ngày. Ở môi trường học đường, chúng tôi chú trọng giáo dục học sinh tiết kiệm điện, còn về nhà, việc sử dụng điện an toàn phải được đặt lên hàng đầu. Từ đó, các em sẽ thiết lập thói quen sử dụng điện “bốn đúng”: Đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”, cô Ngọc Lan chia sẻ.

Mỗi gia đình, mỗi cơ quan chỉ cần tắt bớt một bóng đèn vào giờ cao điểm (từ 8h - 22h) sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng. Tiết kiệm điện chính là tiết kiệm tiền cho bản thân, gia đình, nhà trường, xã hội; góp phần tiết kiệm lượng điện không cần thiết và hạn chế phần nào sự thiếu điện. 

Tiết kiệm điện chính là tiết kiệm tiền cho bản thân, gia đình, nhà trường và xã hội; góp phần tiết kiệm lượng điện không cần thiết và hạn chế phần nào sự thiếu điện tại khu vực sinh sống. Bên cạnh đó, tiết kiệm điện còn góp phần gìn giữ tài nguyên, môi trường cho thế hệ tương lai…

Hòa vào không khí sôi nổi, vui tươi cùng học sinh trong phần giao lưu tại lớp học, cô Hiệu phó Nguyễn Phi Nga tươi cười nói với Văn Hóa: “Thực sự chương trình này có quá nhiều điều bổ ích. Là một nhà giáo, tôi luôn ý thức gương mẫu trong sinh hoạt để tiết kiệm điện năng nhất có thể, nhưng qua buổi sinh hoạt này, tôi và các con đã vỡ ra thêm được nhiều kiến thức mới, bổ ích và có hệ thống, từ đó tôi quay lại tự ngẫm về cách sinh hoạt trong chính gia đình mình, mới thấy rằng có những điều mình tưởng hay, mà cũng chưa hẳn đã là hiệu quả. Hôm nay, tôi là một khán giả nhiệt tình tương tác và thu nhận được nhiều kiến thức từ các bạn tình nguyện viên, thật sự cảm ơn các bạn rất nhiều!”.

Hào hứng trả lời câu hỏi của các cô chú ngành điện, em Tùng An lớp 2A hớn hở cho biết, buổi sinh hoạt đã giúp em hiểu rõ hơn về cách sử dụng điện. Về nhà, em sẽ kể lại với bà và bố mẹ, nhắc mọi người chấp hành đầy đủ các quy định về sử dụng điện, để tất cả các bạn học sinh trên cả nước đều có điện dùng như em.

Có thể nói, chương trình Tuyên truyền tiết kiệm điện và hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tai nạn điện đã lan tỏa hiệu quả thông điệp “chung tay tiết kiệm điện vì lợi ích cộng đồng” một cách tự nhiên, gần gũi, không nặng về hình thức, giúp học sinh trở thành những “tuyên truyền viên nhí” trở về vận động người thân của mình thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả, an toàn, hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền cũng như đưa kỹ năng sử dụng điện vào trường học đã thực sự có tác động tích cực, giúp thế hệ trẻ nắm bắt và thực hành hiệu quả bài học tiết kiệm năng lượng.

Từ đó, hình thành nhận thức và kỹ năng phát triển toàn diện cho các em sau này. Đây cũng chính là hành trang các em mang theo để luôn có ý thức trách nhiệm trong mọi mặt của cuộc sống, đặc biệt trong việc tiết kiệm năng lượng, góp phần đưa kinh tế - xã hội của đất nước ngày càng phát triển.

Ý kiến bạn đọc