“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch

VH- LTS: Hàng loạt dự án liên quan đến phát triển dịch vụ du lịch ở nhiều tỉnh miền Trung được khởi công hoành tráng, với tổng mức đầu tư lên đến hàng chục triệu USD, nhưng sau đó thì “án binh bất động”, hoặc để hoang khiến người dân bức xúc và tài nguyên bị lãng phí.

Bài 1 :“Thùng rỗng kêu to”?

 Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec do Công ty CP Xây dựng và Phát triển công nghệ Việt Nam là chủ đầu tư, nằm ven biển xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008, với kinh phí được công bố hơn 600 tỉ đồng (tương đương hơn 30 triệu USD).

“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch - Anh 1

 Dự án Nha Trang Sao (Khánh Hoà) bị thu hồi, bỏ hoang thành bãi tập kết rác

Thời điểm được cấp dự án, chủ đầu tư mạnh miệng rằng đây sẽ là dự án nghỉ dưỡng cao cấp với hệ thống các biệt thự 5 sao trải dài trên diện tích gần 70ha nằm sát bờ biển thơ mộng. Thế nhưng, thi công được khung sườn của 8 căn biệt thự (trong tổng số 54 biệt thự) thì đột nhiên dừng lại. Hơn 6 năm bỏ hoang, các công trình mọc rêu xanh, xuống cấp trầm trọng.

Theo tìm hiểu, hơn 60 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất cho dự án hoặc bị ảnh hưởng vẫn chưa được chủ đầu tư chi trả tiền đền bù. Chưa hết, một số chủ thầu nhận san ủi mặt bằng, công thợ cũng lâm cảnh nợ nần vì không được chủ đầu tư thanh toán tiền. Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, đã rất nhiều lần xã kiến nghị bằng văn bản lên huyện, tỉnh và cả chủ đầu tư ở Hà Nội, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. “Dự án bỏ hoang như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, họ rất bức xúc”, ông Tùy nói. Vùng biển Lăng Cô (huyện Phú Lộc) là điểm du lịch ven biển nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế. Thế nên không ít dự án đầu tư về du lịch biển cũng được đổ về đây. Theo đại diện UBND huyện Phú Lộc, trong hơn chục năm qua, có 9 dự án đã cấp phép với tổng đầu tư hơn 1 tỉ USD, thì hiện chỉ có 3 dự án được thực hiện và hoạt động. Số còn lại, sau khi khởi công thì “án binh bất động”. Trong khi đó, để chuẩn bị mặt bằng cho các dự án nghỉ dưỡng này, hàng trăm hộ dân ở địa phương đã phải di chuyển đến nơi ở khác.

Biển Cửa Lò được đánh giá là tài nguyên du lịch vô giá của tỉnh Nghệ An. Hơn chục năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã rải thảm đỏ kêu gọi các nhà đầu tư “rót” tiền xây dựng các dự án du lịch. Cách đây hơn 10 năm, hàng loạt đại gia bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng ồ ạt đổ về Cửa Lò để đầu tư dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Các nhà đầu tư “vẽ” ra hàng loạt dự án với tổng mức đầu tư đăng ký lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Hàng loạt nhà hàng, khách sạn, khu đô thị, biệt thự liền kề được khởi công. Tuy nhiên, sau nhiều năm động thổ, chính những dự án nằm tại các vị trí đắc địa nhất của khu đô thị ven biển này hiện bỏ hoang, xuống cấp, cỏ mọc um tùm. Đơn cử như dự án Khu liên hợp kinh tế, thương mại, khách sạn, thể thao, chung cư, biệt thự, do Cty liên doanh Hồng Thái - SIT Việt Nam làm chủ đầu tư. Đây là dự án có mức đầu tư “khủng” lên đến 50 triệu USD (khoảng 1.000 tỉ đồng), được khởi công cuối năm 2003. Tuy nhiên tháng 8.2005, sau khi phát hiện liên doanh này không đủ năng lực tài chính, trong quá trình thi công để xảy ra nhiều sai phạm, Bộ KH-ĐT đã thu hồi giấy phép đầu tư. Hiện gần 100 căn biệt thự xây dang dở tại dự án “khủng” này rêu mốc, nhếch nhác mất mỹ quan đô thị.

“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch - Anh 2

Dự án Khu nghỉ dưỡng Vinconstec ở ven biển Phú Thuận (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) bị bỏ hoang hơn 6 năm nay Ảnh: SƠN THÙY

Còn ở Khánh Hòa, mới đây đoàn khảo sát của HĐND tỉnh đã đi thực địa một số dự án du lịch có sai phạm hoặc chậm tiến độ. Có thể lấy một vài ví dụ như dự án khách sạn Vavisal (xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh). Đây đang là nơi giữ kỷ lục về chậm tiến độ với thời gian 20 năm. Một dự án điển hình khác ở Nha Trang hiện trở thành “vệt đen” nằm giữa lòng thành phố biển - Dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang Sao, có tổng mức đầu tư 33 triệu USD này nằm ngay cạnh danh lam thắng cảnh Hòn Chồng - Hòn Đỏ và vịnh Nha Trang. Sau rất nhiều sai phạm và bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, dự án bỏ hoang nhiều năm nay. Hiện khu đất thành bãi tập kết rác, đất đai bị đào xới nhìn rất mất mỹ quan.

Theo ông Doãn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò, Nghệ An có rất nhiều nguyên nhân các dự án dang dở. Tuy nhiên, phần lớn trong đó là do chủ đầu tư không có năng lực về tài chính, thiếu vốn. Một số ít do sự trầm lắng của thị trường bất động sản. “Việc thu hồi các dự án “treo” gặp khó khăn do chủ đầu tư không muốn trả đất, nên liên tục tìm cách xin gia hạn. Khi được gia hạn lại tiếp tục “treo””, ông Dũng cho biết. Còn ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Muốn cải thiện vấn đề này, trước khi cấp dự án phải xem xét kỹ năng lực chủ đầu tư, nhất là về tài chính. Ngoài ra, cũng phải xem lại từ khâu quản lý, giám sát của các Sở, ban, ngành liên quan trong quá trình dự án được cấp và thực hiện”.

 ​Muốn cải thiện vấn đề này, trước khi cấp dự án phải xem xét kỹ năng lực chủ đầu tư, nhất là về tài chính. Ngoài ra, cũng phải xem lại từ khâu quản lý, giám sát của các sở, ban ngành liên quan trong quá trình dự án được cấp phép và thực hiện.

(Ông Lê Xuân Thân, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa)

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

 

Ý kiến bạn đọc