“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch(Bài 2):  Vì đâu nên nỗi?

VH- Câu chuyện nhà đầu tư không đủ năng lực nhưng khi đã nắm trong tay “lá bùa” dự án thì tìm đủ mọi cách để chây ì, gia hạn, thậm chí sang nhượng bất hợp pháp diễn ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành.

“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch(Bài 2):  Vì đâu nên nỗi? - Anh 1

 Gần 10 năm qua, khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) vẫn là bãi đất hoang, cây cối mọc um tùm Ảnh: SƠN THÙY

Khổ vì dự án “treo”

Sở KHĐT tỉnh Thừa Thiên Huế, các ban ngành liên quan vừa làm việc với chủ đầu tư của một số dự án “treo” quá lâu để tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ. Qua đó, sẽ rà soát lại các thủ tục, nếu đủ yếu tố pháp lý sẽ thống nhất thu hồi dự án.

Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở KHĐT cho biết, toàn tỉnh hiện có 28 dự án du lịch ven biển đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, phần lớn dự án nằm trong Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Bên cạnh một số dự án đã được triển khai và hoạt động hiệu quả, vẫn có không ít dự án du lịch đang chậm tiến độ kéo dài, gây lãng phí tài nguyên và ảnh hưởng đến đời sống của cư dân địa phương. Theo ông Trung, việc chậm tiến độ kéo dài của các dự án du lịch nghỉ dưỡng ven biển trên địa bàn chủ yếu là do năng lực tài chính của nhà đầu tư. “Một số nhà đầu tư không đảm bảo đủ năng lực để triển khai dự án nhưng lại đang ký dự án để “giữ chỗ” hoặc chờ chuyển đổi dự án để kiếm lời. Khi làm việc, hầu hết chủ đầu tư đổ thừa cho việc khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhưng thực ra, chủ yếu là chủ đầu tư không quyết tâm, chứ nếu đã muốn triển khai thì làm nhanh lắm”, ông Trung thẳng thắn.

Một thực tế khác mà các cấp chính quyền ở những dự án “treo” quá lâu đang phải kiếm tìm giải pháp, đó là sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng. Năm 2008, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô do công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú- Lăng Cô làm chủ đầu tư được khởi công. Hai năm sau, công ty này xin điều chỉnh quy mô dự án lên đến hơn 5.230 tỉ đồng và diện tích đất sử dụng là 292 ha. Thế nhưng đã 10 năm, dự án vẫn chưa thực hiện xong việc giải phóng mặt bằng. Để nhường đất cho dự án, nhiều hộ dân ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh đã phải di dời hoặc sống “vật vờ” ngay chính mảnh đất ông cha.

Tương tự tại Đà Nẵng, gần một nửa trong số 37 dự án ven biển đang chậm tiến độ, thậm chí có dự án đã được sang nhượng vẫn chưa triển khai. Trong đó, 2 dự án gồm khu nghỉ dưỡng biệt thự cao cấp ven biển của Công ty TNHH khách sạn và biệt thự Nam Phát (quận Ngũ Hành Sơn) và dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ, chung cư cao cấp That, do Cty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ 55 đầu tư suốt 10 năm qua cũng chỉ xây được bờ tường rào, đất đai để hoang khiến nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch gặp khó khăn.

“Bánh vẽ” triệu đô và sự lãng phí tài nguyên du lịch(Bài 2):  Vì đâu nên nỗi? - Anh 2

 Dự án của Hoàng Anh Gia Lai tại TP Đà Nẵng được bán lại rồi “xẻ thịt” theo giá thị trường Ảnh: NGỌC HÀ

Thiếu năng lực, “xí phần” sang nhượng tràn lan

Theo đoàn giám sát HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sân golf Lăng Cô đã được gia hạn nhiều lần và cũng đã có nhiều bản cam kết về tiến độ thực hiện dự án, nhưng thực tế, chủ đầu tư chưa triển khai bất kỳ hạng mục xây dựng nào. Theo thông tin của phóng viên, Công ty CP Đầu tư phát triển Phong Phú - Lăng Cô vốn là một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực dệt may. Thế nhưng, công ty này lại dễ dàng “vẽ” ra một dự án du lịch với mức đầu tư “khủng”, khi dự án treo các cấp của tỉnh Thừa Thiên Huế lại không quyết liệt khiến tài nguyên du lịch, nghỉ dưỡng nơi đây bị lãng phí.

Năm 2013, UBND TP Đà Nẵng đã có cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Hoàng Anh Gia Lai về dự án tổ hợp Khu dân cư, thương mại - dịch vụ (đường 2.9, quận Hải Châu). Đây là vị trí đắc địa nằm ngay bên sông Hàn có diện tích hơn 8 ha và số vốn đầu tư 150 triệu USD. Thế nhưng, dự án này ngay sau đó được bán lại cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để “xẻ thịt” với giá thị trường. Đến nay, “dự án” vẫn chỉ là nơi hoang vu cỏ mọc. Tháng 8.2018, TP Đà Nẵng đã buộc phải ngừng giao dịch chuyển nhượng và thu hồi giấy phép xây dựng đối với dự án “đầu voi đuôi chuột” này.

Theo ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng: Bài học là phải sàng lọc kỹ nhà đầu tư trước khi thực hiện cấp phép. Nhiều trường hợp đã nhanh chóng tạo điều kiện, “rút gọn” về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không tuân thủ quy hoạch”, ông Trung phân tích. Cũng theo ông Trung, tình trạng một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu nhưng vẫn được giao đất thực hiện dự án có quy mô lớn nên dẫn đến tình trạng đầu cơ “chiếm chỗ”, rồi chuyển nhượng lại dự án để hưởng lợi chênh lệch.

Theo lãnh đạo Sở KHĐT Khánh Hòa, việc thẩm định, cấp dự án bao giờ cũng có nhiều sở, ngành tham gia. Tuy nhiên, việc làm này cũng chỉ ở mức độ quy mô dự án, tiến độ cam kết, còn về phần vốn thực hiện rất khó để thẩm tra. “Một thực tế khi doanh nghiệp nào đó muốn xin dự án họ đều thành lập một công ty, pháp nhân mới. Điều này vô hình trung tạo được vỏ bọc về tài chính, vì khi lập công ty họ sẽ đăng ý vốn điều lệ. Khi có “bình phong” này rồi thì qua mặt khâu thẩm định để cấp dự án không khó. Tỉnh chỉ đạo rà soát hết các dự án “treo”, dự án sai phạm, nếu đủ căn cứ pháp lý sẽ tiến hành thu hồi, không chấp nhận “treo” quá lâu hoặc sang nhượng trái pháp luật”, lãnh đạo Sở KHĐT Khánh Hòa khẳng định.

 ​Một số nhà đầu tư không đảm bảo đủ năng lực để triển khai dự án nhưng lại đang ký dự án để “giữ chỗ” hoặc chờ chuyển đổi dự án để kiếm lời. Khi làm việc, hầu hết chủ đầu tư đổ thừa cho việc khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng. Nhưng thực ra, chủ yếu là chủ đầu tư không quyết tâm, chứ nếu đã muốn triển khai thì làm nhanh lắm.  (Ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở KHĐT Thừa Thiên Huế)

Nhóm PHÓNG VIÊN

 

 

Ý kiến bạn đọc