Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh

VH- Ngày 27.9, Tổng cục Du lịch (TCDL) đã lấy ý kiến các Bộ, ngành và đơn vị liên quan để hoàn thiện đề án và dự thảo Quyết định Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng Công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018- 2020, định hướng đến năm 2030”.

Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh - Anh 1

Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh - Anh 2

  Ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng phổ biến trong hoạt động du lịch

 Chủ trì cuộc họp, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng TCDL cho rằng: Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, công nghệ thông tin bùng nổ, làm thay đổi một cách toàn diện và triệt để đời sống xã hội. Vì thế, ngành Du lịch phải bắt kịp xu hướng, đưa ra được những giải pháp khả thi, thiết thực, then chốt và có tính đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Phải xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch

Ông Nguyễn Văn Tuấn đánh giá: Đề án hướng tới là xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành Du lịch một cách đầy đủ, khoa học. Những thông tin này sẽ giới thiệu các điểm đến du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở lưu trú, hệ thống dịch vụ du lịch, doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên, các chính sách phát triển du lịch, chính sách thị thực, liên kết thông tin giữa các vùng miền... Từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh du lịch, hỗ trợ khách du lịch trong tìm kiếm thông tin, xây dựng kế hoạch du lịch phù hợp và giúp cơ quan quản lý nhà nước trong điều hành, định hướng phát triển du lịch.

Quan điểm đề án đưa ra là ứng dụng công nghệ thông tin là để nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị. Đồng thời, huy động sự tham gia rộng rãi của các chủ thể, phát triển hệ sinh thái thông minh, đóng góp tích cực vào hệ thống dữ liệu và các ứng dụng của quốc gia và các địa phương.

Mục tiêu chung của đề án là ứng dụng tổng thể công nghệ thông tin nhằm phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, chủ động cung cấp thông tin và đáp ứng nhu cầu của khách du lịch qua thiết bị di động thông minh; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước; hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh, kết nối thuận tiện với các chủ thể liên quan; huy động các nguồn lực của xã hội; tạo môi trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tham gia vào phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh theo hướng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Tránh những giải pháp viển vông

Cụ thể là đến năm 2020, số hoá toàn bộ các dữ liệu về hướng dẫn viên du lịch, doanh nghiệp lữ hành quốc tế, cơ sở lưu trú trong cả nước do Bộ VHTTDL, Sở Du lịch, Sở VHTTDL quản lý. Hình thành hệ thống thông tin số tích hợp về khách du lịch, cơ sở du lịch, hoạt động du lịch, các chủ trương, chính sách, quy định phục vụ quản lý nhà nước về du lịch, kết nối liên thông đến các tỉnh/ thành phố, doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, hoàn thành các nhiệm vụ của chương trình Chính phủ điện tử theo Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam.

Đồng thời, các điểm đến, doanh nghiệp du lịch, những người hưởng lợi từ chương trình này cũng sẽ tích hợp thông tin vào hệ thống thông tin chung, được cung cấp thông tin đồng bộ, phục vụ quản lý điểm đến và quản trị doanh nghiệp. Thực hiện đề án giai đoạn 2018- 2020 cũng nhằm cải thiện các chỉ số liên quan đến thông tin của ngành Du lịch trong đánh giá thường kỳ của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF). Theo đánh giá của WEF, hiện nay, trên toàn thế giới, nhu cầu tìm kiếm thông tin số về du lịch văn hoá và hoạt động vui chơi giải trí xếp hạng 17; nhu cầu tìm kiếm thông tin số về du lịch thiên nhiên xếp hạng 20, hiệu quả công tác marketing và phát triển thương hiệu thu hút khách du lịch xếp hạng 50.

Đại diện Tập đoàn Viettel nêu ý kiến: “Giải pháp kiến trúc du lịch thông minh cần thực hiện sớm để các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú biết cách triển khai kiến trúc du lịch thông minh như thế nào. Đồng thời phải có phương án chi tiết để đưa vào kiến trúc chung của Bộ về số hoá cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, hệ thống dữ liệu thông tin về du lịch cần có những giá trị riêng và được liên kết giữa các vùng miền; xây dựng hệ thống giám sát điều hành để hoạt động du lịch hay sự cố diễn ra ở các trung tâm lớn có thể kiểm soát được ngay”.

Đề án đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về công nghệ thông tin trong ngành Du lịch; phát triển hệ thống thông tin ngành Du lịch và các ứng dụng, kết hợp với Hệ tri thức Việt số hoá; đẩy mạnh marketing du lịch số hỗ trợ khách du lịch; nâng cao chất lượng trải nghiệm của khách du lịch tại điểm đến; phát triển hệ thống thông tin và các ứng dụng phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.

Ông Nguyễn Văn Tuấn yêu cầu tổ công tác xây dựng đề án tiếp thu ý kiến đóng góp của các cơ quan liên quan, hoàn thiện đề án, báo cáo Bộ trưởng, trình Thủ tướng Chính phủ. “Đề án định hướng đến năm 2030 nhưng cũng không lường hết được khi đó công nghệ thông tin sẽ phát triển đến đâu, vì thế giải pháp, nhiệm vụ đưa ra phải thật thiết thực, khả thi, tránh viển vông, chung chung, mờ nhạt. Sớm tập trung xây dựng bản đồ du lịch trong hệ thống bản đồ số Việt Nam, đồng thời với việc xây dựng bản đồ ngữ nghĩa, công cụ giao tiếp tiếng Việt và phải làm chủ được các tài sản số này”, ông Nguyễn Văn Tuấn nói.

Thuý Hà

 

Ý kiến bạn đọc