Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

29 Tháng Ba 2024

KHÁM PHÁ NÚI NGŨ ĐÀI-CHÍ LINH: Bài 2- Theo Ông Cóc lên Cổng Trời

Thứ Tư 17/10/2018 | 17:50 GMT+7

VHO- Tiếp tục hành trình chinh phục núi Ngũ Đài (Chí Linh- Hải Dương), chúng tôi háo hức đi về nơi tương truyền Ông Cóc đã qua đây lên kiện Trời.

Đường đi lúc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Giữa mênh mông của núi là bạt ngàn cỏ tranh như nguyên sinh ngập ngang người. Sẽ không ai đoán được phía dưới những trảng cỏ tranh dày đặc này là những gì. Không những nguy hiểm mà đường còn rất dốc. Mây gần như phủ kín đỉnh núi. Vậy nên, việc giữ cự ly và bám đuổi nhau là cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, thi thoảng có đoạn núi như nằm ngang ra, như giúp người ta lấy đà để lên dốc tiếp. Phải chăng, tạo hóa cố tạo ra những cung bậc kiểu này cho non cao Ngũ Đài để trêu ngươi hay là để cuốn hút những người ưa khám phá?

Đi mãi mà chưa tới nơi cần tới, ai cũng bảo hình như núi cao thêm. Núi như gối đầu vào mây để ngủ và phủ trên mình chiếc chăn mây bồng bềnh. Chúng tôi thoắt ẩn thoắt hiện, cứ vừa đi vừa dò tìm, vạch cỏ tranh để tạo đường lên núi an toàn nhất. Người trước làm lối cho người sau đi theo.

Đã hình thành một “đường mòn” sau khi chúng tôi đi qua để đánh dấu lối về. Biết đâu đó, đây có thể sẽ là con đường ghi dấu chân đầu tiên của những người chinh phục đỉnh núi Ngũ Đài. Và cũng biết đâu đấy, sau chuyến đi này của chúng tôi sẽ có một con đường đẹp được làm để nhiều người hơn có cơ hội lên núi, lên với chốn linh thiêng và ngoạn mục này!

Lên cao hơn, cả cánh rừng cỏ tranh bây giờ lại tiếp tục trải ra trước mắt mọi người, mênh mông, bát ngát. Nếu như có thể từ một vị trí cao hơn nhìn xuống nơi này, chắc người ta dễ nhầm đây là một cánh đồng lúa đang chín, hứa hẹn một mùa bội thu. Cũng có lúc, trời như vén bớt mây đi để chúng tôi dễ quan sát hơn. Giữa cái mênh mông của đất của trời ấy, chúng tôi đi như vô định trong một không gian vừa huyền ảo, vừa thanh thản lạ kỳ.

Ông Cóc trên đỉnh Ngũ Đài

Nơi những người địa phương không nói trước mà dẫn chúng tôi đến là một khối đá có hình thù rất lạ, xù xì. Ai cũng rất dễ hình dung đó là một chú cóc khổng lồ. Mọi người ai nấy đều trầm trồ trước bàn tay khéo léo của tạo hóa. Ông Nghị, người dẫn đường cho chúng tôi nói đây là Ông Cóc và lưu ý mọi người phải gọi theo ông như thế, bởi đây cũng là linh vật của vùng Ngũ Đài này. Và thế là, câu chuyện cổ về Ông Cóc đi kiện ông Trời như được sống lại trong mỗi chúng tôi, mà ở đây Ông Cóc đang hiện hữu.

Ông Nghị kể, từ nhiều đời truyền tụng đến nay câu chuyện về Ông Cóc này: Ngũ Đài Sơn là một đoạn đường trong hành trình Ông Cóc đi kiện Trời. Bãi đá nhấp nhô, thiên hình vạn trạng phía dưới rừng cỏ tranh kia được hình thành sau mỗi bước nhảy của Ông lên Trời. Sau khi lên Trời rồi thắng kiện, Ông Cóc trở lại vị trí này, ngay phía dưới Cổng Trời để có thể theo dõi thường xuyên, xem Ngọc Hoàng có thực hiện đúng cam kết là hàng năm đem mưa thuận gió hòa đến cho nhân gian. Và, Ông ngự ở trên cao, “trơ gan cùng tuế nguyệt”, giữa bao la đất trời đã ức vạn năm, để che chở cho mọi người, mọi nhà.

Không ai bảo ai, tất cả mọi người trong đoàn đều tới gần, chạm tay vào Ông Cóc, rồi thì thầm gì đó.

Mang theo những sở nguyện chung- riêng, chúng tôi lại tiếp tục tìm đường đến Cổng Trời. Đường vẫn rất nguy hiểm. Có lẽ ông Trời vẫn như muốn thử thách quyết tâm của người đời nếu như muốn đến nơi này chăng? Tuy nhiên, những điều cầu khấn của mỗi người hình như ứng nghiệm, nên chúng tôi đi nhanh hơn, chân bước nhẹ nhàng hơn, cảm thấy Cổng Trời như gần lắm, bởi ẩn hiện trong mây là hình ảnh của Cổng Trời lung linh, huyền ảo. Mỗi người đều tự tìm cho mình một con đường gần nhất để chạy lên Cổng Trời.

 

Cổng Trời trên núi Ngũ Đài

Sau hành trình khá vất vả, Cổng Trời hiện ra trước mặt chúng tôi, như ở trong mơ. Điểm cao nhất của hành trình khám phá đã được chúng tôi chinh phục. Trên gương mặt rạng rỡ của mỗi người đều ánh lên niềm vui khôn tả và xen lẫn niềm tự hào. Trời lạnh hơn và gió cũng thổi mạnh hơn.

Cổng Trời ở đây được tạo thành bởi các khối đá xếp chồng lên nhau, như một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc kết hợp điêu khắc khổng lồ. Cổng có thể đủ hai người đi qua mỗi lượt. Và tất cả đủ chỗ cho 15- 20 người. Ở đây, người đời có thể thỏa sức tưởng tượng về miền cổ tích, giữa mây trời. Đẹp quá! Ai cũng phải thốt lên như vậy. Không thể diễn tả hết được cảnh đẹp nơi đây nếu như ai đó chưa một lần leo núi Ngũ Đài và lên Cổng Trời. Vẻ đẹp huyền diệu ấy càng được tôn thêm lên bởi không chỉ của trời đất, mà còn là cả sự linh thiêng của ngàn năm tụ lại nơi này.

Gần khu vực Cổng Trời có “Giếng Trời”. “Giếng” nằm ngay trên mặt của một phiến đá của Cổng Trời, chênh vênh, phía dưới là vực sâu thăm thẳm, như không cùng.

Không thể tưởng tưởng được đây lại là Giếng! Chỉ là một hõm trên bề mặt phiến đá mấy mét khối, khá độc lập, gác lên các phiến đá khác của Cổng Trời, vậy mà nước ở đâu cứ chắt ra mãi, trong vắt, chẳng bao giờ cạn. Chả thế mà cả đoàn chúng tôi hơn mười người chuyền tay nhau, mỗi người uống vài cốc, vậy mà nước vẫn lại ra đầy ngay tức khắc. Đặc biệt, nước rất ngọt, như tinh hoa của trời đất.

Niềm vui đã xua hết mệt nhọc trước đó, mọi người tranh thủ ghi lại những hình ảnh từ Cổng Trời như sợ khó có dịp quay lại hoặc nếu không nhanh mọi thứ sẽ tan biến mất như trong truyện cổ tích.

Cổng Trời chìm trong mây

Cách Cổng Trời vài trăm mét có một điểm rất đặc biệt- Nậm Rượu. Chỉ là một hõm đá độc lập và nhìn từ trên xuống, hình dáng giống như cái nậm nằm ngang và “rượu” thì giống như nước ở Giếng Trời, không bao giờ cạn. Xung quanh phiến đá có Nậm Rượu phong cảnh rất hữu tình, kỳ thú. Hàng trăm đời người dân vùng này truyền tụng nhau đã từng được uống nước ở Giếng Trời và Nậm Rượu để lại sức mỗi khi đi rừng và mong trường thọ.

Tại khu vực Cổng Trời, chúng tôi còn được những người địa phương dẫn tới một nơi linh thiêng nữa, đó là một phiến đá hiện còn khắc in hình một dấu chân lạ, lớn hơn bàn chân người thường. Theo những người địa phương, họ được các cụ truyền lại rằng đó là dấu tích bàn chân của Phật Hoàng. Ngài đã đặt chân trái ở Ngũ Đài, lấy đà để bước chân phải sang Yên Tử!

Chẳng biết có phải vậy không, hay chỉ là dân gian sáng tạo ra để ngợi ca quê hương mình. Nhưng quan sát khu vực này phong cảnh trở nên hữu tình, không những cỏ cây hoa lá tốt tươi, mà đá cũng nở hoa. Trên các phiến đá, có loài hoa đá sinh sôi, phát triển, như những bức gấm thêu hoa của những thợ thủ công khéo tay. Chắc chắn, bất kỳ ai, bất kỳ du khách nào đặt chân tới vùng địa linh này, sẽ đều cảm nhận được đầy đủ và trọn vẹn điều chúng tôi kể.

P.V

Bài cuối: Tới Hang Pheo, Khe Ổ Lợn và thác Bò Đái

 

Bài viết này có sự hợp tác với Trung tâm thông tin, xúc tiến du lịch Hải Dương

 

 

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top