Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Khách Nhật chuyển hướng đến Phú Quốc...

Thứ Hai 20/05/2019 | 10:23 GMT+7

VHO- “Đã không còn hào hứng với các điểm đến quen thuộc Singapore, Thái Lan, Hawaii, khách du lịch Nhật Bản đang có xu hướng chuyển hướng đến Phú Quốc và các điểm đến mới của Việt Nam”.

  Du khách Nhật lựa chọn Phú Quốc là điểm đến yêu thích

Đây là thông tin được các doanh nghiệp chuyên đón khách Nhật Bản cho biết tại tọa đàm Tăng cường thu hút khách Nhật Bản do Tổng cục Du lịch (TCDL) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Nguồn nhân lực phục vụ khách Nhật đang rất thiếu

Theo Vụ Thị trường du lịch (TCDL), Nhật Bản là thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam ở khu vực Đông Bắc Á. Liên tục đứng thứ 3 trong các thị trường khách quốc tế đến Việt Nam đông nhất, sau Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường này rất ổn định, tuy nhiên mức tăng lại không cao, chỉ khoảng 6-8%, cao là 10%. Lượng khách Nhật đến Việt Nam liên tục tăng những năm qua, dự kiến năm 2020, với tốc độ tăng trưởng hiện nay, Việt Nam sẽ đón được 1 triệu khách Nhật. Trong khi đó, lượng khách outbound (người Nhật đi du lịch nước ngoài) của Nhật Bản năm 2018 đạt 19 triệu lượt. Các điểm đến mà người Nhật Bản yêu thích gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Hawaii (Mỹ).

Khách Nhật đến Việt Nam thường lựa chọn các điểm đến như TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình; cụm các điểm Huế - Đà Nẵng - Hội An; Nha Trang; đồng bằng sông Cửu Long với các sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa, di sản thế giới và nghỉ dưỡng biển. Việc thu hút khách Nhật đến Việt Nam hiện nay vẫn còn một số hạn chế do các kênh, công cụ xúc tiến du lịch vào thị trường này vẫn theo kiểu truyền thống (hội chợ, roadshow, famtrip, presstrip…) mà hầu như chưa được triển khai e-marketing.

Số lượng khách du lịch Nhật đến Việt Nam ngày càng tăng nhưng số lượng và chất lượng hướng dẫn viên (HDV) tiếng Nhật cũng như nguồn nhân lực phục vụ khách Nhật (nhà hàng, khách sạn, vận chuyển) còn thiếu và yếu; chất lượng dịch vụ chưa đồng đều giữa các điểm đến; thiếu các sản phẩm mới hấp dẫn; các vấn đề về nhà vệ sinh công cộng, biển chỉ dẫn tiếng Nhật, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường tự nhiên… cũng ảnh hưởng đến việc thu hút khách Nhật Bản quay trở lại Việt Nam.

Muốn đón khách Nhật phải hiểu họ cần gì

Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch cho rằng, thời gian tới để tăng cường thu hút khách du lịch Nhật cần tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá hướng đến thu hút phân khúc khách cao tuổi, có khả năng chi trả cao; phân khúc khách nữ và phân khúc khác về du lịch học đường. Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng biển, di sản và du lịch thành phố với các điểm đến được khách Nhật yêu thích cũng như đảm bảo điều kiện tiếp đón, phục vụ.

Đồng thời tăng cường hoạt động e-marketing, xúc tiến quảng bá qua các trang mạng xã hội bằng tiếng Nhật và các chiến dịch quảng bá trực tuyến dựa trên hình thức xã hội hóa; thuê đại diện marketing tại Nhật; hợp tác với các hãng hàng không tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến tại các thành phố lớn của Nhật Bản…

Là người có nhiều tâm huyết với ngành Du lịch và doanh nghiệp đón khách Nhật hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch JTB- TNT cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn tiếp cận thị trường Nhật. Phải làm sao để các doanh nghiệp nhỏ cũng làm được, tính chuyên nghiệp phải tăng lên vì thị trường này nhu cầu vẫn rất lớn. Các cơ sở dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, vận chuyển cũng phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng thì mới phục vụ khách Nhật tốt được.

Phân tích việc chỉ một lượng rất ít, khoảng 1-2% khách Nhật quay lại Việt Nam, đại diện Công ty TNHH Du lịch HIS Sông Hàn cho rằng Việt Nam thua xa Singapore, Thái Lan và Hawaii về dịch vụ du lịch và cung cách phục vụ khách Nhật. Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty du lịch và thương mại Tân Đông Dương (IT&T travel) nhấn mạnh, đặc điểm thị trường Nhật là họ yêu cầu chất lượng dịch vụ cao, thái độ nhiệt tình, nồng hậu. Từ đó, đòi hỏi nguồn nhân lực phục vụ đối tượng khách Nhật như HDV, nhân viên nhà hàng, khách sạn, nhà xe phải thường xuyên trau dồi kiến thức, liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ để thu hút khách Nhật đến Việt Nam đông hơn, quay lại nhiều hơn. Với trường hợp điểm đến Phú Quốc, hiện nay khách Nhật có xu hướng chuyển lựa chọn từ điểm đến Hawaii sang điểm đến Việt Nam, trong đó họ rất thích Đà Nẵng - Hội An và Phú Quốc. Tuy nhiên, Phú Quốc đang gặp vấn đề về bảo vệ môi trường, nếu không giải quyết, khó mà đẩy điểm đến này lên được.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh thủ tục lấy hành lý tại các sân bay quá lâu, gây tâm lý mệt mỏi, phiền hà cho du khách. Bay từ Nhật tới Việt Nam có khi chỉ mất 4-5 tiếng nhưng thời gian chờ lấy đồ ký gửi mất tới 2 tiếng. Người Nhật cũng rất nguyên tắc trong chuyện cung cấp dịch vụ. Muốn đón khách Nhật, phải hiểu thị trường Nhật cần gì, họ mong muốn được thấy gì, đón tiếp như thế nào ở Việt Nam. Theo các doanh nghiệp chuyên đón khách du lịch Nhật Bản, doanh nghiệp phía Nhật rất muốn sang Việt Nam khảo sát điểm đến mới, dịch vụ mới nhưng thường các chương trình khảo sát phía Việt Nam bố trí là những điểm cũ, tuyến cũ, dịch vụ cũng cũ hoặc đã làm rồi nên doanh nghiệp Nhật không mặn mà tham gia. Điều đó cho thấy, hai bên dường như chưa gặp nhau trong việc khai thác thị trường này...

Chủ trì buổi tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Thị Thanh Hương ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của các doanh nghiệp du lịch, các hãng hàng không và Hội đồng tư vấn du lịch. Bà Hương nhấn mạnh, để thu hút nhiều khách Nhật trong thời gian tới, TCDL rất cần sự đóng góp, gắn kết của các doanh nghiệp, các địa phương trong xúc tiến, quảng bá tại thị trường Nhật Bản. “TCDL sẽ có ý kiến tới lãnh đạo huyện Phú Quốc và Sở Du lịch Kiên Giang về việc tăng cường quản lý môi trường, quản lý điểm đến ở Kiên Giang, đồng thời đẩy mạnh quảng bá xúc tiến về điểm đến này. TCDL mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp ủng hộ ý tưởng thành lập nhóm chuyên nghiên cứu về thị trường Nhật Bản, để TCDL có những kế hoạch dài hạn và tập trung hơn về thị trường trọng điểm này…”, bà Hương cho biết. 

Nếu thực sự muốn đón ngày càng đông khách du lịch Nhật, cơ quan chức năng, địa phương là điểm đến tiềm năng, doanh nghiệp chuyên đón khách Nhật cần ngồi lại với nhau để xem thị trường Nhật cần gì ở Việt Nam. Chúng ta phải thay đổi gì để đón khách Nhật tốt hơn, xúc tiến vào thị trường Nhật như thế nào cho hiệu quả…

(Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc Công ty Du lịch JTB- TNT)

 

 THÚY HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top