Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Đầu tư 253 tỉ đồng quản lý di sản khu phố cổ Hội An

Thứ Sáu 21/02/2020 | 11:20 GMT+7

VHO-  UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định phê duyệt Kế hoạch quản lý Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 ( từ đây gọi tắt Kế hoạch), tập trung vào 7 nhóm giải pháp chính nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ tính toàn vẹn, tính xác thực, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản…

 Du khách tham quan phố cổ

Kinh phí triển khai dự kiến là 253 tỉ đồng thực hiện theo Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản thế giới Khu phố cổ Hội An gắn với phát triển TP Hội An và Du lịch giai đoạn 2012-2025 (gọi tắt Quy hoạch tổng thể ) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 1.2012. Trong đó dành khoảng 200 tỉ đồng cho nội dung tu bổ công trình, ưu tiên công trình loại đặc biệt loại I, công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nhà cổ; phục hồi thích nghi một số điểm sinh hoạt cộng đồng; diện mạo tuyến phố, cảnh quan ven sông,… Bên cạnh đó sẽ huy động, sử dụng các nguồn lực khác cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cổ Hội An bao gồm nguồn thu từ vé tham quan, nguồn tài trợ và các nguồn vận động xã hội hóa,…

Theo đó, Kế hoạch được triển khai thành hai giai đoạn. Ở giai đoạn 2020-2025 sẽ tập trung vào 7 nhóm giải pháp chính với những ưu tiên cụ thể, hướng đến mục tiêu bảo vệ tính toàn vẹn, tính xác thực, giá trị nổi bật toàn cầu của di sản. Đảm bảo tính thống nhất, hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển toàn bộ khu vực di sản thế giới, vùng đệm và khu vực xung quanh khu phố cổ Hội An. Gắn kết khu phố cổ Hội An với cuộc sống cộng đồng dân cư tại địa phương, tạo điều kiện mang lại lợi ích kinh tế cho người dân địa phương thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản.

Trong các nhóm giải pháp, đáng chú ý là nhóm giải pháp về phát triển không gian cảnh quan tuyến phố hướng tới phát triển bền vững. Cụ thể, đối với khu vực khu phố cổ sẽ tập trung bảo vệ, bảo tồn nguyên trạng hình thái kiến trúc, cấu trúc của phố cổ và các di tích; nghiên cứu bảo tồn, khôi phục lại hình ảnh thành phố cảng thị sầm uất Hội An xưa; hạn chế thương mại hóa phố cổ. Nghiên cứu mở rộng thêm các tuyến phố đi bộ còn bảo lưu được giá trị cảnh quan, kiến trúc. Ổn định dân số trong khu phố cổ ở mức phù hợp, đảm bảo dân số ở khu vực I từ 9.700-10.000 người; mật độ dân số trung bình không vượt quá 150 người/ha đất xây dựng; khu vực II A dự kiến phân bổ 9.000 dân, mật độ 135 người/ha; khu vực vùng đệm giãn dân dự kiến khoảng 32.000 dân, mật độ 345 người/ha.

Nghiên cứu cấm các loại xe ô tô ra vào khu phố cổ, quy định đường 1 chiều cho xe đạp và xe máy trên một số tuyến phố chính. Khơi thông lạch chảy, làm vệ sinh môi trường và cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần sử dụng một số kênh làm đường giao thông mặt nước. Đối với khu vực ngoại vi bao quanh khu phố cổ sẽ tập trung thiết lập một khu đệm an toàn cho phố cổ, tạo nên vành đai xanh sinh thái, bảo vệ gìn giữ các cánh đồng, rừng dừa nước, cồn nổi, bãi ven sông, ven biển. Đồng thời nghiên cứu phát triển thêm những trung tâm mua sắm ở bên ngoài và khu vực vùng đệm để giảm sức ép cho khu phố cổ.

Trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến tu bổ khẩn cấp khoảng 25 nhà, công trình ưu tiên, di tích đặc biệt và loại I; bảo tồn 200 nhà thuộc di tích loại II và loại III; một số công trình tôn giáo, tín ngưỡng, một số nhà để phục vụ cộng đồng… Dự kiến tu bổ, tôn tạo, khoanh vùng bảo vệ khoảng 30 các di tích, di chỉ khảo cổ học vùng ven như di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh; di tích Chiêm cảng thời vương quốc Champa,... Tu bổ tôn tạo một số bến thuyền ở vị trí thương cảng cũ, phục chế một số thuyền cổ,… làm cơ sở dịch vụ du lịch, nhằm tái tạo hình ảnh về một cảng thị Hội An sầm uất xưa.

Giải pháp cho việc chống ngập lụt Khu phố cổ sẽ ưu tiên đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước tại khu vực này kịp thời, hữu hiệu nhất nhưng không ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc trong đó. Thực hiện phương án bảo tồn, tôn tạo các công trình kiến trúc trong khu phố cổ thích ứng với bão lũ…

KHÁNH CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top