Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Du lịch

19 Tháng Ba 2024

Tuần lễ Festival Huế 2022: Cơ hội “vàng” cho du lịch Thừa Thiên Huế

Thứ Hai 27/06/2022 | 10:43 GMT+7

VHO- Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc với sự tham gia biểu diễn của 20 đoàn nghệ thuật nổi tiếng trong nước và quốc tế, Tuần lễ Festival Huế 2022 (diễn ra từ 25 - 30.6) đã và đang mang đến cho cộng đồng du khách những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.

 Chương trình nghệ thuật khai màn Tuần lễ Festival Huế 2022

Đây được xem là cơ hội “vàng” để tỉnh Thừa Thiên Huế phục hồi du lịch sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đảm bảo đón khách chu đáo

Ngay sau chương trình nghệ thuật khai màn Tuần lễ Festival Huế 2022, các không gian của chuỗi những hoạt động văn hóa nghệ thuật dọc trung tâm thành phố Huế đã trở nên sôi động. Nhiều du khách trong nước và quốc tế đã đến tham quan, trải nghiệm dịch vụ ở lễ hội “Kinh đô ẩm thực - Huế với bốn phương” và lễ hội “Ẩm thực đường phố Huế 2022”; tham quan không gian triển lãm trang phục các nước ASEAN tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; không gian triển lãm “Hóa thạch - hành trình khám phá nguồn gốc sự sống trên Trái đất” do Bảo tàng Hóa thạch Hà Nội phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức; triển lãm “Nghệ thuật Phật giáo trên gốm cổ Satsuma Nhật Bản” tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu quán Huế; triển lãm “Kể chuyện sông Mê Kông qua ảnh” của nhiếp ảnh gia Lâm Đức Hiền tại Viện Pháp tại Huế; trải nghiệm bay khinh khí cầu “Cố đô Huế nhìn từ bầu trời”; đua thuyền SUP trên sông Hương… Hay lễ hội “Chợ quê ngày hội” tại di tích cầu ngói Thanh Toàn (thị xã Hương Thủy), cũng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm, mua sắm, thưởng thức ẩm thực và các trò chơi dân gian…

Theo ước tính của Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, có khoảng 200.000 lượt khách sẽ tham dự các sự kiện tại Tuần lễ Festival Huế 2022. Đây là cơ hội “vàng” để ngành du lịch địa phương phục hồi trở lại sau 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết: “Nhằm đảm bảo chu đáo việc đón khách du lịch đến Huế, Sở đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú chính trang, nâng cấp cơ sở vật chất, gia tăng các dịch vụ bổ trợ, cung cấp các thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi đến Huế. Sở cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá và niêm yết công khai giá các dịch vụ. Những đơn vị nào để xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép giá đối với du khách sẽ xử lý nghiêm. Nhiều đơn vị lữ hành cũng chủ động xây dựng các sản phẩm tour tuyến gắn với các hoạt động, sự kiện diễn ra trong Tuần lễ Festival Huế 2022”.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, chỉ tính riêng ngày 25.6 (ngày khai màn Tuần lễ Festival Huế 2022), đã có hơn 9.400 lượt khách vào tham quan các di sản Huế. Theo kế hoạch, để phục vụ nhu cầu khách tham quan và trải nghiệm các dịch vụ, chương trình nghệ thuật trong dịp này, Trung tâm sẽ mở cửa đón khách từ 7h đến 18h30 hằng ngày đồng thời sẽ mở cửa miễn phí khu di sản Đại Nội Huế vào các tối 28, 29 và 30.6.

Lễ hội của cộng đồng

Festival Huế 2022 là Festival đầu tiên được tổ chức theo định hướng bốn mùa, điểm nhấn là Tuần lễ văn hóa, nghệ thuật với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Tuần lễ Festival Huế 2022 với 8 sự kiện, lễ hội chính cùng hàng chục các hoạt động văn hóa nghệ thuật cộng động và nhiều sự kiện trưng bày, triển lãm hấp dẫn, qua đó cộng đồng du khách có cơ hội thưởng thức nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội đặc trưng mang thương hiệu của Festival Huế. Đó không chỉ sự giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, mà còn là nơi “gặp gỡ” những sắc màu văn hóa của các vùng miền Việt Nam và quốc tế.

Chiều ngày 26.6, lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” cũng đã khuấy động không gian các đường phố, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là lễ hội đã tạo được thương hiệu của các kỳ Festival Huế và luôn được sự đón chờ của người dân và du khách. Chương trình với không gian xuất phát từ tiền sảnh tòa nhà Vincom (ngã 6 Hùng Vương - Hà Nội - Lê Quý Đôn - Đống Đa - Bến Nghé) và di chuyển dọc đường Hùng Vương đến đầu cầu Trường Tiền, và biểu diễn dọc đường Lê Lợi đến Bia Quốc Học. Lễ hội đường phố với hình thức quảng diễn sôi động, đa dạng với các tiết mục của nhiều thể loại nghệ thuật như múa, cồng chiêng, xiếc đường phố, flamenco, hip hop… Chương trình với sự tham gia quảng diễn của các đoàn nghệ thuật: Đoàn múa Lân Sư Rồng Huế, Đoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai, đoàn ca múa Belogorie (Nga), Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắk Lắk, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, nhóm nhảy Unity Crew…

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2022 cho biết, lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa” sẽ tiếp tục được diễn ra vào các buổi chiều 27 và 28.6, với các hoạt động đặc sắc. Cụ thể, vào ngày 27.6 có diễu hành xe cổ “Huế bốn mùa hoa” quảng bá cho Festival Huế 2022 với các dòng xe cổ Volkswagen, Vespa được di chuyển từ TP.HCM và Hà Nội về Huế. Tiếp đó, chiều 28.6, lễ hội đường phố sẽ giới thiệu đến công chúng chương trình quảng diễn nghệ thuật dân gian đến từ các huyện trên địa bàn, như lễ cầu ngư (phường Thuận An, TP Huế); Hát bả trạo của huyện Quảng Điền; Hát sắc bùa và múa Thiên hạ thái bình của huyện Phong Điền; lễ hội Aza Koonh của đồng bào vùng cao A Lưới.

Trải qua 10 kỳ tổ chức, Festival Huế đã dần khẳng định thương hiệu của lễ hội văn hóa nghệ thuật đặc sắc mang tầm quốc gia và quốc tế. Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trưởng ban Tổ chức Festival Huế 2022 cho biết, nhằm tiếp tục phát huy thương hiệu Festival Huế, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức Festival Huế theo định hướng bốn mùa lễ hội, bao gồm các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại được trải dài trong năm, phù hợp với thực tế địa phương, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia. “Những không gian sân khấu biểu diễn nghệ thuật đều được xây dựng và thiết kế theo hướng mở, để công chúng và du khách dễ dàng tiếp cận, cùng trải nghiệm những chương trình văn hóa đặc sắc. Nhiều hoạt động, lễ hội mang tính chất cộng đồng cũng được tổ chức trong Tuần lễ Festival Huế, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của người dân”, ông Nguyễn Thanh Bình nói.

Chính vì hướng đến cộng đồng nên các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Tuần lễ Festival Huế 2022 không bán vé (trừ chương trình nghệ thuật khai màn). Trong tối 26.6, các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế đã có những màn biểu diễn tại các sân khấu dọc sông Hương và các di tích Huế, thu hút đông đảo khán giả như: Ban nhạc Gute Gute (Israel) biểu diễn tại Bia Quốc Học; ban nhạc Viet Bambas (Brazil) biểu diễn tại công viên 3/2; Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế biểu diễn tại di tích Quốc Tử Giám; Charm Band biểu diễn tại cồn Dã Viên; nghệ sĩ Mai Đình Tới biểu diễn tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu; nhóm Guitar Học viện Âm nhạc Huế, Đoàn ca múa nhạc Đắk Lắk, nhóm múa Lyricist… và đêm nhạc EDM tại di tích Cung An Định. 

 Sở Du lịch đã chỉ đạo và hướng dẫn các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, các cơ sở lưu trú chính trang, nâng cấp cơ sở vật chất, gia tăng các dịch vụ bổ trợ, cung cấp các thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho khách khi đến Huế. Sở cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, yêu cầu các doanh nghiệp đăng ký giá và niêm yết công khai giá các dịch vụ. Những đơn vị nào để xảy ra tình trạng tùy tiện tăng giá, ép giá đối với du khách sẽ xử lý nghiêm. Nhiều đơn vị lữ hành cũng chủ động xây dựng các sản phẩm tour tuyến gắn với các hoạt động, sự kiện diễn ra trong Tuần lễ Festival Huế 2022.

(Ông NGUYỄN VĂN PHÚC, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế)

 SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top