Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam

VHO - Tại Hội nghị phổ biến các văn bản mới nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Việt Nam hiệu quả, bền vững, đại diện các địa phương cho biết đã đang triển khai nhiều kế hoạch, chương trình sau khi Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định liên quan đến phát triển du lịch được Bộ VHTTDL ban hành.

Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam - Anh 1

Sở Du lịch Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam

Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết: Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo có tính chất đột phá, có tác động lớn đến việc thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của ngành Du lịch nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung. Trong đó, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 15.8, đã khơi thông vấn đề liên quan đến visa, tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ thị trường khách du lịch quốc tế. Nghị quyết số 82 ngày 18.5.2023 của Chính phủ; Quyết định số 440 ngày 2.3.2023 của Bộ VHTTDL về chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1894 ngày 14.7.2023 của Bộ VHTTDL về việc ban hành Đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm… là những văn bản định hướng rất quan trọng để chúng tôi cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Hồng Minh, đến nay, Sở Du lịch Hà Nội đã trình UBND Thành phố xem xét, ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Kế hoạch gồm 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, được giao rất cụ thể, chi tiết trách nhiệm cho từng sở, ngành, quận, huyện, kèm theo đó là thời gian thực hiện các nhiệm vụ. Qua đó, có thể kiểm đếm, đánh giá về chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ theo từng giai đoạn.

Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam - Anh 2

Chuyển đổi số du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, là một xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch

Ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ mang tính đột phá trong giai đoạn tới như: Phát triển sản phẩm du lịch; phát triển sản phẩm du lịch đêm. Trong đó, Hà Nội sẽ tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội; cũng như các sản phẩm du lịch kết nối giữa Hà Nội và các địa phương. Trước mắt, hình thành tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đồng Tử.

Đề xuất phương án quy hoạch từ 1 – 2 mô hình Outlet có vị trí phù hợp, thuận lợi cho phát triển du lịch để thu hút nhà đầu tư triển khai xây dựng trong giai đoan từ nay đến 2025, qua đó xây dựng, hình thành sản phẩm: Du lịch mua sắm của Thủ đô.

Thúc đẩy thực hiện mô hình hợp tác công - tư trong đầu tư khai thác, vận hành một số điểm đến di tích, di sản, thiết chế văn hóa phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố.

Tiếp tục xây dựng các chiến dịch, chương trình quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội trên các kênh truyền thông quốc tế như CNN, CNBC, … để quảng bá giới thiệu cho du khách quốc tế biết đến Du lịch Việt Nam nói chung và Du lịch Hà Nội nói riêng.

Chuyển đổi số du lịch là một nhiệm vụ trọng tâm, là một xu hướng tất yếu đối với ngành Du lịch khi mang lại cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành Du lịch Thủ đô tập trung liên thông giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch với cơ quan quản lý du lịch các cấp phục vụ công tác quản lý chuyên ngành.

Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam - Anh 3

Sở đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với 4 nhiệm vụ triển khai ngay trong năm 2023

Liên quan đến phát triển sản phẩm du lịch đêm, ông Nguyễn Hồng Minh cho biết: Sở đã ban hành Kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội với 4 nhiệm vụ triển khai ngay trong năm 2023 là: Tổ chức Chương trình tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội trong tháng 9.2023; tổ chức lễ ra mắt và đưa vào hoạt động Không gian trải nghiệm nghệ thuật chiếu sáng “Đêm Hà Nội - Điểm chạm của những xúc cảm tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội trong tháng 9.2023; tổ chức cuộc thi review online “Đêm Hà Nội chào đón bạn” trong tháng 10.2023; xây dựng và quảng bá video clip “Motion Graphic quảng bá các sản phẩm du lịch đêm của Hà Nội” đến khách du lịch trong nước và quốc tế.

Trong dài hạn, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng và phát triển một số mô hình du lịch đêm tại một số địa phương có thế mạnh tiềm năng. Trong đó, tập trung theo 2 hướng: hoàn thiện và nâng cao chất lượng mô hình du lịch đêm tại các quận trung tâm (Hoàn Kiếm, Tây Hồ) và quy hoạch, xây dựng các tổ hợp du lịch đêm riêng biệt, chuyên nghiệp (dự kiến khu vực ngoại thành).

Để tạo điều kiện cho ngành Du lịch cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng phục hồi, phát triển hiệu quả, bền vững hơn nữa trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội đề xuất Bộ VHTTDL sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2045. Qua đó tạo cơ sở để các địa phương trong đó có Hà Nội triển khai công tác quy hoạch du lịch, thu hút đầu tư, phát triển các khu du lịch trọng điểm quốc gia. Thành phố Hà Nội đã đề xuất 3 khu du lịch quốc gia tại Quy hoạch mới lần này gồm: khu du lịch Ba Vì; khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam và hồ Đông Mô; khu di tích thắng cảnh du lịch Hương Sơn (chùa Hương).

Đề nghị xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam - Anh 4

Hà Nội đề xuất ban hành cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các địa phương được thí điểm triển khai mô hình hợp tác công- tư

Hiện nay, các địa phương trong đó có Thành phố Hà Nội gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng chính sách đặc thù để hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch thiết yếu (như: bãi đỗ xe, nhà vệ sinh, khu bán sản phẩm quà tặng du lịch …) tại các khu, điểm du lịch; các khu du lịch cộng đồng, nông nghiệp do chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, đề nghị Bộ VHTTDL sớm tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm, các khu du lịch cộng đồng, nông nghiệp nhằm cụ thể hóa điều 5 Luật Du lịch 2017, qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng để các địa phương có thể chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cũng cho biết: Các địa phương hiện nay đang triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch riêng lẻ trên các kênh truyền thông quốc tế, dẫn đến sự không thống nhất, tính hiệu quả chưa cao. Nhiều địa phương gặp khó trong việc triển khai do vướng các quy định của pháp luật. Đề nghị Bộ VHTTDL xây dựng một Chiến lược tổng thể về quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế mà Bộ là cơ quan chủ trì, kết nối tất cả các tỉnh thành. Trong đó tập trung vào các nội dung: Xây dựng kế hoạch hợp tác với một số đối tác truyền thông quốc tế lớn, uy tín (CNN, CNBC, BBC…) để xây dựng chương trình tuyên truyền, quảng bá tổng thể du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông này; Phối hợp với các thương hiệu quốc tế uy tín trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động du lịch (Michellin, WTA, Netflix…) để định vị thương hiệu dịch vụ du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng cao, phục vụ nhóm đối tượng khách có chi tiêu cao. Hà Nội sẵn sàng đóng góp kinh phí theo chương trình chung.

Trong giai đoạn Covid-19 (2020-2021), Chính phủ đã đồng ý áp dụng mức giá điện sản xuất đối với các cơ sở lưu trú, và tạo ra một hiệu ứng rất tích cực, hỗ trợ phục hồi du lịch. Tuy nhiên, chính sách này đã hết hiệu lực, do đó Sở Du lịch Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét quyết định chính thức việc áp dụng mức giá điện sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch ổn định lâu dài theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 16.1.2017 của Bộ Chính trị.

Nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các địa phương được thí điểm triển khai mô hình hợp tác công- tư (lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư) trong vận hành, khai thác, quản lý các di tích, di sản, thiết chế văn hóa gắn với phát triển du lịch.

VŨ AN; ảnh: TRẦN HUẤN, PHÙNG THẮNG

Ý kiến bạn đọc