Giữ nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer

VHO - Trong các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer Trà Vinh có loại hình chế tác mão, mặt nạ rất độc đáo và các loại nhạc cụ phục vụ trong các dịp lễ hội của dân tộc, được chế tác và sản xuất theo phương pháp thủ công mang tính đặc trưng đã phục vụ đắc lực cho việc sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer.

Giữ nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer - Anh 1

 Biểu diễn múa chằn, khỉ của đồng bào Khmer

 Thực hiện Quyết định số 2896/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL, nhằm triển khai hiệu quả Dự án số 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lớp truyền dạy bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer tại huyện Châu Thành, với sự tham gia của 54 học viên là đồng bào dân tộc Khmer đến từ huyện Châu Thành, TP Trà Vinh và sinh viên Trường Đại học Trà Vinh, dưới sự hướng dẫn, đào tạo của Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phen ấp Ba Se A, xã Lương Hòa và Nghệ nhân Ưu tú Thạch Sang ấp Giồng Lức, xã Đa Lộc (huyện Châu Thành).

Chế tác mũ mão, mặt nạ đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế vì đó có nét độc đáo riêng góp phần không nhỏ cho sự thành công bài biểu diễn. Nghệ nhân Ưu tú dân tộc Khmer Lâm Phen, ấp Ba Se A, xã Lương Hòa là một trong những người có đôi bàn tay khéo léo trong việc chế tác mũ mão, mặt nạ góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Sản phẩm của ông phục vụ đắc lực cho việc sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Khmer Trà Vinh.

Giữ nghề thủ công truyền thống của đồng bào Khmer - Anh 2

 Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phen đang hoàn chỉnh những chiếc mão, mặt nạ

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phen cho biết: “Trước đây, các nghệ nhân phải mất nhiều công sức và thời gian để tìm nguyên vật liệu cũng như thực hiện các công đoạn chế tác. Nhưng ngày nay, việc chế tác mũ mão, mặt nạ đã đơn giản hơn vì có thể dùng keo dán và sơn công nghiệp, một số công đoạn cũng có nhiều cải tiến, như thay vì đắp vải, một số nghệ nhân chuyển sang tận dụng giấy vé số, giấy ít thấm nước độ bền cao hơn. Khuôn đất cũng được thay bằng khuôn xi măng để sử dụng được nhiều lần. Sau công đoạn lấy mũ mão, mặt nạ từ khuôn ra tiếp tục quét thêm một lớp sơn dầu để chống thấm, chống mối mọt và sau đó sơn thêm một lớp sơn để mũ mão có độ dày và trơn bóng dễ vẽ hoa văn. “Màu của từng chiếc mũ mão, mặt nạ nhằm thể hiện tính cách của từng nhân vật, do đó màu sắc và đặc điểm của mũ mão, mặt nạ cũng khác nhau. Trước đây, nghệ nhân tự sáng tạo màu các loại cây trái thiên nhiên, ngày nay màu vẽ, màu công nghiệp đa dạng, nhưng đòi hỏi nghệ nhân cần phải có kiến thức và am hiểu mới pha chế, phối trộn cho ra sản phẩm phù hợp”, Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phen chia sẻ.

Em Thạch Ly Na học viên lớp học chia sẻ: “Lúc còn bé, mỗi khi trong phum sóc có đoàn nghệ thuật ca kịch Rô băm, Dù kê về biểu diễn hay lễ Kathina em rất thích hình ảnh múa chằn, khỉ rất vui nhộn. Giờ em được tham gia lớp truyền dạy bảo tồn nghề thủ công truyền thống chế tác mão, mặt nạ của đồng bào Khmer, em rất mừng và vui, em cố gắng học hỏi để góp phần bảo tồn giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Nếu du khách có dịp đến tham quan khu du lịch Ao Bà Om (TP Trà Vinh) sẽ được gặp nghệ nhân Lâm Phen. Ông được Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh mời về và cho mượn một khu đất ở khu du lịch Ao Bà Om để làm nơi chế tạo, phục chế lại những hiện vật Khmer. Khách đến đây, ngoài tận mắt thấy những cây cổ thụ thân to cao chót vót trồi bộ rễ lên khỏi mặt đất, tham quan chùa Âng, Bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, còn được thích thú khi tận mắt thấy nghệ nhân Lâm Phen chế tác những sản phẩm văn hóa. Nghệ nhân Ưu tú Lâm Phen bộc bạch: “Hơn 20 năm sống với nghề, tôi luôn tìm tòi học hỏi và sáng tạo, giờ thì bất cứ hiện vật nào của dân tộc Khmer tôi đều làm được. Nhờ sự quan tâm của Nhà nước, trong thời gian qua, tôi sống được với nghề và có nhiều khách hàng”. 

 PHƯƠNG NGHI

Ý kiến bạn đọc