Cứ thế này, khách quốc tế có còn muốn quay lại?

VH- Vụ việc du khách Australia mua tour tham quan, nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) nhưng chất lượng dịch vụ, điểm tham quan không như trong quảng cáo hiện vẫn đang được cơ quan chức năng của các địa phương làm rõ, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về môi trường du lịch Việt Nam. Một câu hỏi được đặt ra là, các địa phương đã làm hết trách nhiệm trong việc quản lý điểm đến, quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn?

Cứ thế này, khách quốc tế có còn muốn quay lại? - Anh 1

 Bài viết của Anna "Tại sao tôi sẽ không đến Hà Nội nữa?"

 Dù không nhiều, dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng những vụ việc như đối với nhóm du khách Australia vừa qua, họ “bị lừa” khi mua tour 2 ngày 1 đêm tham quan, ngủ đêm trên du thuyền ở vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) với giá 1,6 triệu đồng/ người nhưng lại bị đưa lên tàu ngủ đêm trên quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), đã để lại những ấn tượng xấu về hình ảnh du lịch Việt Nam trong mắt du khách. Sẽ vô cùng tệ hại khi những vị khách này về nước nói lại với bạn bè, người thân của mình về những trải nghiệm mà họ cho là “cơn ác mộng” ở một điểm đến được coi là hình ảnh du lịch quốc gia, vốn đã nổi tiếng từ rất lâu - vịnh Hạ Long và tour du lịch đó được mua tại một văn phòng du lịch ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội - nơi lẽ ra phải đáng tin cậy nhất. Một văn phòng du lịch ở giữa phố cổ Hà Nội bán tour cho khách quốc tế nhưng nhận tour từ nhà tổ chức bằng miệng, không hợp đồng đại lý. Một tàu du lịch có đến 8 phòng lưu trú đưa khách nước ngoài du lịch trên biển mấy tháng mà không tỉnh/ thành nào nhận trách nhiệm. May mà không có chuyện gì chứ nếu cháy nhà, chết người thì nhóm du khách Australia kia biết kêu ai?

Anna, một du khách người Ba Lan chia sẻ trên Anna Everywhere rằng cô luôn ấp ủ giấc mơ đặt chân tới Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội. Trước khi lên đường, cô tìm hiểu rất kỹ về Việt Nam. Nhưng hóa ra không phải cái gì cũng tính toán trước được và nhiều chuyện không nằm trong tầm kiểm soát của cô. Anna kể rằng ở Ba Lan cô đã rất thích các quán ăn Việt Nam, đồ ăn rẻ và ngon đến nỗi cô và gia đình thường đi ăn quán Việt ít nhất 1 tuần một lần nhưng đến Việt Nam cô lại không khỏi thất vọng. Trước khi đi, cô mường tượng ra cảnh “Thức ăn được chế biến ngay trên vỉa hè, khách ngồi trên những chiếc ghế nhựa xanh để dùng bữa” như được viết trong nhiều bài viết của các blogger nổi tiếng. Nhưng cô không ngờ thức ăn được nấu ngay cạnh chỗ một đứa trẻ đang ngồi “giải quyết” hay bát đĩa rửa kế bên đống rác. Bất kể cô gọi món gì, những chiếc đĩa luôn cáu bẩn. Cô bị ốm liên miên mỗi khi ăn bất cứ thứ gì. Quán bún chả nổi tiếng trong phố cổ mà cô được bạn bè từng đến Hà Nội giới thiệu thì rau sống toàn cát.

Cứ thế này, khách quốc tế có còn muốn quay lại? - Anh 2

 Nữ du khách nước ngoài òa khóc khi bị giật túi xách tại TP.HCM

Anna còn cho rằng bất cứ du khách nước ngoài nào tại Hà Nội cũng từng gặp cảnh “chặt chém”, chỉ là họ không biết hoặc không muốn biết điều đó. Anna kể lại chuyện cô bị lừa mua tour giá đắt: “Bạn không thể tin ai dù họ có vẻ tử tế ngay từ đầu. Tôi quyết định tour Sa Pa của họ khi mới nhận phòng khách sạn. Dù rất niềm nở với chúng tôi nhưng họ cũng không hề ngại hét giá”. Anna không ngạc nhiên khi tỉ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam ít hơn so với các quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan. “Người Việt Nam không hiểu rằng ngành du lịch của họ không thể tăng trưởng nếu cứ lừa lọc khách và cười đùa về chuyện đó trước mặt họ. Trong suốt chuyến đi châu Á năm 2015, tôi gặp rất nhiều phượt thủ khác, họ chia sẻ quan điểm về Việt Nam. Cuối cùng, tôi kết thúc chuyến đi tại mảnh đất này sớm hơn dự kiến”, Anna viết. Nhưng Anna cho biết, cô cũng có ấn tượng tốt khi tới vịnh Hạ Long và dự kiến sẽ quay lại Việt Nam để thăm TP.HCM.

Tháng 3.2016, trên mạng xã hội cũng tràn lan hình ảnh một cô gái người nước ngoài ngồi khóc nức nở sau khi bị hai tên cướp chạy xe máy ngược chiều giật túi xách ngay giữa phố Lương Hữu Khánh (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM). Lúc bị giật túi xách, hai du khách đang xem bản đồ để tìm đường. Nữ du khách sau đó hoảng loạn và đã ngất xỉu. Toàn bộ giấy tờ tùy thân, thị thực, hộ chiếu, tài khoản ngân hàng và 200 USD tiền mặt bị cướp sạch.

Cuối tháng 1.2018, mạng xã hội xuất hiện clip hình ảnh 2 khách du lịch người nước ngoài bị một người dân bán hàng ở gần hồ Tuyệt Tình Cốc (xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) xua đuổi bằng những hành động và lời nói rất phản cảm. Mặc dù chính quyền địa phương đã cấm không cho người dân và khách du lịch đến gần khu vực này để đảm bảo an toàn, nhưng nhiều khách du lịch và người dân vẫn bất chấp nguy hiểm đến đây tham quan và kinh doanh trái phép.

Rõ ràng, những vụ việc “chặt chém”, lừa đảo, bán tour du lịch không đúng với quảng cáo, chèo kéo khách mua hàng, ứng xử thiếu văn minh với khách du lịch nước ngoài… là rất hiếm, rất cá biệt nhưng đã để lại những ấn tượng rất xấu trong mắt du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam đón 13 triệu khách du lịch quốc tế, cũng có nghĩa có ít nhất 13 triệu câu chuyện về đất nước Việt Nam lan tỏa khắp thế giới. Nhưng nghiệt ngã là chỉ cần một vài câu chuyện không hay, có thể khiến hơn 12 triệu câu chuyện còn lại trở nên rất dở.

Hằng năm, ngành Du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn phải đổ rất nhiều công sức, tiền của đi xúc tiến du lịch ở nước ngoài, nhưng chỉ cần vài vụ việc tai tiếng như đã nói ở trên, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc mời gọi khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Điều đáng nói là để giải quyết những việc chèo kéo khách du lịch, bán hàng kém chất lượng, taxi lừa, “chặt chém” khách du lịch… không thể một mình ngành Du lịch mà phải có sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. 

 THÚY HÀ

 

Ý kiến bạn đọc