Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Cao Bằng là tỉnh nghèo, nhà đầu tư đã ký cam kết là phải làm

Thứ Ba 27/11/2018 | 17:30 GMT+7

VHO- Hoan nghênh các nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 với chủ đề “Cao Bằng- cơ hội đầu tư, phát triển bền vững” đã không quản ngại đường xa và những khó khăn để đến với Cao Bằng nhưng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, tỉnh nghèo, nhà đầu tư đã ký cam kết là phải thực hiện.

Thủ tướng và nhiều lãnh đạo Ban, Bộ, ngành Trung ương, Quốc hội, đại diện các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư, khách mời quốc tế đã tham gia Hội nghị.

Thủ tướng Chính phủ chúc mừng các doanh nghiệp nhận quyết định chủ trương đầu tư vào Cao Bằng

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh vui mừng thông báo tại cuộc làm việc ngày 24.11 với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương đầu tư xây dựng dự án tuyến cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn (tuyến Trà Lĩnh- Đồng Đăng).

“Trong tương lai gần, người dân các dân tộc trong tỉnh chúng tôi đã có thể hiện thực hóa giấc mơ về con đường cao tốc, nối Cao Bằng gần hơn bao giờ hết với những trung tâm kinh tế lớn của cả nước và còn mở ra cơ hội để tỉnh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa kết nối thị trường Việt Nam với thị trường Trung Quốc, ASEAN, thậm chí hướng đến thị trường Châu Âu bằng cao tốc và đường sắt xuyên Á”, ông Hoàng Xuân Ánh nói.

Thể hiện rõ quyết tâm thay đổi trong điều hành ở các cơ quan đầu não, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi nhất, tỉnh Cao Bằng mong muốn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, hậu cần; dịch vụ, thương mại, du lịch, kết nối giao thông quốc gia và quốc tế. Chính quyền tỉnh cam kết luôn duy trì ba ổn định, bao gồm: Ổn định về chính trị- an ninh; ổn định chính sách thu hút, hỗ trợ nhà đầu tư; ổn định trong tư duy nhất quán phục vụ tốt hơn nữa doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018

Trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chính quyền phải cùng tham gia giải bài toán chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp khi đầu tư vào Cao Bằng, chứ không nên xem đó là việc của doanh nghiệp. Nếu thắng thì tất cả đều thắng, lợi là tất cả cùng lợi.

Thủ tướng hoan nghênh các nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị lần này đã không quản ngại đường xa và những khó khăn để đến với Cao Bằng, giúp nhau lúc khó mới đáng quý.

Nói đi nói lại về những tiềm năng, thế mạnh của Cao Bằng và lịch sử hào hùng của mảnh đất này, Thủ tướng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin chính trị vào nơi đây, khởi đầu cho sự nghiệp kháng chiến hào hùng và cách mạng đã thành công. Ngày nay, chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những đòn bẩy chiến lược để phát triển kinh tế của Cao Bằng để khai thác một thị trường lớn liền kề là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và thúc đẩy khả năng kết nối với các tỉnh, thành trong nước, khối ASEAN, với thuận lợi là 333 km đường biên giới, với 1 cửa khẩu quốc tế và 3 cửa khẩu quốc gia”.

Có 3 mũi nhọn, hướng đi chính mà Cao Bằng cần tập trung phát triển là: dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến công nghệ cao và kinh tế biên mậu.

Thủ tướng cho rằng, du lịch cần trở thành ngành mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng như du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, địa hình,… được khai thác dựa trên yếu tố bền vững, độc đáo riêng có của Cao Bằng, phát huy giá trị Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng mới được công nhận. Chính quyền địa phương hãy cùng với nhà đầu tư và các chuyên gia bàn cách để những di sản này phục vụ cho quốc kế dân sinh. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Cao Bằng phát triển thương hiệu du lịch miền núi của Việt Nam.

Du lịch của Cao Bằng phải là sự cộng hưởng, tương tác giữa các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực, đặc sản địa phương... để tạo ra sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc để du khách một lần đi, nhiều lần nhớ. Muốn thế, du lịch Cao Bằng cần trả lời được các câu hỏi: Làm sao để du khách đến đông hơn, ở lâu hơn, tiêu tiền nhiều hơn, gia tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch?

Làm thế nào để du khách hiểu được những giá trị và kể những câu chuyện về Thác Bản Giốc, hang Pác Bó, núi Các Mác, suối Lê Nin, rừng Trần Hưng Đạo và những điều thú vị khác ở Cao Bằng. Để từ đó du khách mong muốn quay trở lại Cao Bằng sớm nhất có thể? Và để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân địa phương được hưởng lợi từ văn hóa, nghệ thuật, từ du lịch nhiều nhất.

Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gien phong phú như lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, hồi Thạch An, Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh…; giống bò và gà xương đen của đồng bào Mông, lợn đen Táp Ná, ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc.... Đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được.

Phát triển nông nghiệp Cao Bằng cần dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng, nâng cấp thương hiệu là phương cách hữu hiệu để nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Kinh tế cửa khẩu, mũi nhọn thứ 3 có vai trò chiến lược trong phát triển sản xuất, thương mại, kết nối với thị trường Trung Quốc rộng lớn và các thị trường quốc tế khác. “Chúng ta thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hoà bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Cần đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó”- Thủ tướng nói.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cùng đại diện các ngân hàng cam kết cấp tín dụng cho doanh nghiệp

Cao Bằng là nôi của cách mạng nhưng còn rất khó khăn. Đầu tư ở đây, ngoài việc đem lại lợi ích kinh tế cho tỉnh, cho doanh nghiệp, còn tạo ra được việc làm và thu nhập cho đồng bào còn đang rất nghèo. “Đó là lợi ích đặc biệt mà tôi muốn kêu gọi các nhà đầu tư quan tâm. Chính phủ và chính quyền địa phương rất trân trọng những nhà đầu tư đến với địa phương. Tôi đề nghị các nhà đầu tư thực hiện đúng cam kết đầu tư của mình, nói được làm được, đã ký là phải làm và đóng góp xứng đáng cho kinh tế địa phương, chia sẻ có trách nhiệm với sinh kế người dân. Với một tỉnh nghèo, xa xôi như Cao Bằng mà kêu gọi được dự án với tổng số vốn hơn 30.000 tỷ đồng không phải đơn giản. Cần phải để mọi miền của tổ quốc, mọi người dân nhận thấy, cảm nhận được bình minh của đất nước”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, Thủ tướng đề nghị nhà đầu tư cam kết không gây ô nhiễm môi trường, không phá vỡ các giá trị văn hóa truyền thống và lịch sử, không sử dụng lao động bất hợp pháp, không trốn thuế. Chúng ta cam kết đầu tư vì sự phát triển của Cao Bằng, trong đó có lợi ích lâu dài của chính chúng ta. Chúng ta tự hào là những nhà đầu tư chân chính.

Ai đã hiểu Cao Bằng thì đều rất cảm động với lòng hiếu khách, tính hào sảng, chân tình của người Cao Bằng. Lòng hào hiệp, chân tình này làm rất nhiều người yêu Cao Bằng. “Chân đi đá lại dùng dằng, nửa nhớ Cao Bằng nửa nhớ vợ con”, từ xa xưa đã có câu ca dao này và Cao Bằng tận dụng lợi thế của mình để phát triển du lịch, biến Cao Bằng thành một nơi du khách đã đến thì không muốn về mà về rồi sẽ muốn sớm quay trở lại.

 Trong dịp này, tỉnh Cao Bằng đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án với tổng số vốn hơn 3.581 tỷ đồng; đồng thời cùng các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao 16 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng; 4 ngân hàng cam kết tiếp tục cấp tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh Cao Bằng.

THUÝ HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top