Khách du lịch đến Hà Nội dịp lễ 30.4- 1.5 chỉ tăng 4%

NGUYỄN ANH

VHO - Trong 5 ngày nghỉ lễ (từ ngày 27.4 đến hết ngày 1.5), Thủ đô Hà Nội ước đón 737,9 nghìn lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023 (năm 2023, Hà Nội đón gần 710 nghìn lượt khách). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 2,5 nghìn tỉ đồng, tăng xấp xỉ 10% so với cùng kỳ năm trước.

Khách du lịch đến Hà Nội dịp lễ 30.4- 1.5 chỉ tăng 4% - ảnh 1

Khách du lịch đến Hà Nội dịp lễ 30.4- 1.5 chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước

Trong đó, có 87,9 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước và 650 nghìn lượt khách du lịch nội địa, tương đương so với cùng kỳ 2023. Lý do khách tăng thấp là do kỳ nghỉ lễ năm nay thời tiết nắng nóng đã ảnh hưởng đến lượng khách tại các khu đim du lịch trên địa bàn.

Dịp nghỉ lễ 30.4- 1.5 năm nay được nghỉ 5 ngày nên nhu cầu nghỉ ngơi, đi du lịch tăng cao. Ước tính kỳ nghỉ lễ này công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 60,4%, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Các khu nghỉ dưỡng ngoại thành và các khu căn hộ cao cấp, khối khách sạn 3-5 sao công suất sử dụng phòng khá cao như: khách sạn Glory Sơn Tây đạt 95%; khách sạn Silkpath Boutique đạt 94%, khách sạn Melia Ba Vì đạt 90%, khách sạn InterContinental Tây Hồ đạt 77%, khách sạn Hilton Garden Inn đạt 77%, khách sạn Lacasa HN đạt 78,6%;….

Đối với các trung tâm thương mại dịch vụ mua sắm và ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trong 5 ngày nghỉ lễ lượng khách và doanh thu đều tăng cao, ước đạt khoảng 62%; tăng 5% so với cùng kỳ, trong đó chủ yếu là dịch vụ ăn uống.

Nhìn chung các đơn vị kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện công tác an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và chế độ báo cáo, khai báo tạm trú, tạm vắng được các đơn vị lưu trú - dịch vụ chấp hành đầy đủ theo quy định.

Khách du lịch đến Hà Nội dịp lễ 30.4- 1.5 chỉ tăng 4% - ảnh 2
Dịp này, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kích cầu du lịch nội địa

Dịp này, Hà Nội triển khai nhiều hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024, hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” do Bộ VHTTDL phát động, đồng thời để chuẩn bị tốt nhất đón và phục vụ khách du lịch đến với Thủ đô Hà Nội dịp nghỉ lễ 30.4- 1.5.

Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố thực hiện rà soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, xây dựng các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu, thị hiếu, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Vào tháng 3 vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức thành công sự kiện “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024”, kích hoạt chuỗi hoạt động trên 50 sự kiện, du lịch trong đầu năm 2024.

Thành phố Hà Nội cũng vừa phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội chợ Du lịch quốc tế - VITM Hà Nội 2024, trong đó ngành Du lịch Thủ đô với sự tham gia của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã tập trung quảng bá hình ảnh điểm đến thân thiện, hấp dẫn.

Cũng trong dịp này, Sở Du lịch Hà Nội đã tổ chức khai trương sản phẩm du lịch mới “Con đường di sản Nam Thăng Long - Điểm về nguồn cội”; Công bố Điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì.

Cuối tháng 4, toàn Thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện tại các khu, điểm du lịch như: Lễ hội Du lịch Hà Nội 2024 từ ngày 25- 28.4 với chủ đề “Thăng Long Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” tại Công Viên Thống Nhất, trong đó giới thiệu rất nhiều sản phẩm du lịch kích cầu, chất lượng dịch vụ tốt tới du khách khi đến Hà Nội.

Lễ công bố Quyết định công nhận điểm du lịch Lệ Mật và khai mạc tuần văn hóa - thương mại - làng nghề gắn với lễ hội truyền thống Lệ Mật, quận Long Biên từ ngày 26.4- 2.5.

Chuỗi hoạt động sự kiện ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba năm 2024 tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khai mạc chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa năm 2024 với chủ đề “Giữ nghề xưa trên phố” tại Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội.

Tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử Thế giới” tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Tái hiện tục Cúng vía của dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình và tái hiện lễ hội Cầu mưa dân tộc Lô Lô, tỉnh Cao Bằng tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Tổ chức không gian chợ quê, trưng bày nghệ thuật và các chương trình văn nghệ để phục vụ du khách tại điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm…

Bên cạnh đó, Hà Nội đã có nhiều sản phẩm du lịch xanh được ra mắt trong thời gian qua như trải nghiệm xe điện trong lòng phố cổ, tour xe đạp... và khu vực ngoại thành với sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cũng đang là dòng sản phẩm được đẩy mạnh rất thu hút khách du lịch vào dịp nghỉ lễ này.

Theo số liệu thống kê của các điểm đến du lịch ước tính trong 5 ngày nghỉ lễ, do ảnh hưởng của thời tiết năng nóng, lượng khách du lịch đến một số khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng có sự tăng nhẹ và giảm nhẹ tại các điểm đến di tích, di sản.

Khách du lịch đến Hà Nội dịp lễ 30.4- 1.5 chỉ tăng 4% - ảnh 3
Khách chỉ tăng nhẹ, thậm chí giảm nhẹ ở một số điểm do nắng nóng

Trong đó, Vườn thú Hà Nội đón 39.188 lượt khách; Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón 20.697; công viên Thiên đường Bảo Sơn đón 20.200 lượt khách; khu du lịch Ao Vua đón 18.000 lượt khách; khu vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội đón 7.700 lượt khách; điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm đón hơn 6.000 lượt khách; Vườn Quốc gia Ba Vì đón 10.241 lượt khách; Di tích Nhà tù Hỏa Lò đón 13.054 lượt khách; Bảo tàng Dân tộc học đón 5.000 lượt khách; điểm du lịch Hồng Vân đón 12.000 lượt khách; điểm du lịch Dương Xá đón 4.250 lượt khách...

Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội về việc phối hợp Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Sở Du lịch sẽ tổ chức hỗ trợ nước uống, sữa và bánh mì phục vụ nhân dân và du khách đến viếng Lăng Bác năm 2024.

Sở dự kiến sẽ tặng 80.000 suất quà gồm nước, sữa, bánh mì cho du khách đến viếng Lăng Bác vào các dịp lễ lớn như: Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4); Ngày Quốc tế Lao động (1.5); Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9).

Đây là một trong những sự kiện thường niên, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm của Hà Nội đối với người dân cả nước và du khách đến thăm Thủ đô. Đồng thời, cũng là hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch, góp phần tiếp tục xây dựng hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội là điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn” đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Dịp nghỉ lễ, đoàn kiểm tra của Sở đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, vận chuyển khách du lịch gắn với việc đảm bảo trật tự đô thị, trật tự công cộng, lòng đường, hè phố; xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá, bắt chẹt khách du lịch, tình trạng người ăn xin,… tại các điểm đến du lịch.

Qua kiểm tra, rà soát tại một số điểm đến du lịch tập trung đông khách du lịch trên địa bàn Thành phố, gồm: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; khu vực Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh; Trung tâm bảo tồn Di sản Hoàng Thành Thăng Long; khu vực Đền Ngọc Sơn và xung quanh hồ Hoàn Kiếm…, phần lớn đều đảm bảo công tác tổ chức đón tiếp khách du lịch chu đáo; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.

Việc trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp ở các điểm trên được bố trí tại khu vực riêng, giảm thiểu tối đa việc gây cản trở giao thông, không xuất hiện hàng rong, ăn xin, chèo kéo khách du lịch.

Qua công tác nắm tình hình, chiều ngày 28.4 tại khu vực ngã tư Hàng Buồm, Hàng Đường, quận Hoàn Kiếm xảy ra vụ việc người bán hàng rong có dấu hiệu “chặt chém” khi bán 3 quả dứa với giá 500.000 đồng cho nhóm khách du lịch nước ngoài.

Nhóm khách này sau đó phản ứng rất gay gắt với người bán hàng. Khi có nhiều người xung quanh vào can ngăn và yêu cầu người bán hàng trả lại tiền cho nhóm khách du lịch thì người bán hành rong mới chịu trả lại tiền.

Chiều ngày 29.4, người bán hàng rong nêu trên đã đến trình diện tại cơ quan công an. Hiện nay, công an phường Hàng Đào đang lập hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật. Những vụ việc như trên, dù nhỏ nhưng ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh du lịch Thủ đô Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trong mắt du khách nước ngoài.

Ý kiến bạn đọc