Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
28 Tháng Ba 2024

Thanh Hóa: Khơi dậy tiềm năng, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Thứ Năm 16/07/2020 | 14:43 GMT+7

VHO-Với quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng các điểm du lịch theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ diện mạo du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC, các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa.

Cùng với đó là việc bảo tồn, khai thác và phát huy những giá trị của hệ thống di tích, thắng cảnh... được tỉnh Thanh Hóa chú trọng chính vì thế ngành du lịch xứ Thanh đã có nền tảng và chỗ dựa cơ bản để từng bước phát triển một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Theo số liệu của ngành VHTTDL, Thanh Hoá hiện có tới trên 1.500 di tích lịch sử, văn hoá với nhiều loại hình khác nhau, nhiều di tích lịch sử, văn hoá đặc sắc, ghi đậm dấu ấn lịch sử của các thời đại, trong đó có 851 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 5 di tích quốc gia đặc biệt, 139 di tích quốc gia, còn lại là di tích cấp tỉnh. Điển hình như như Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu Di sản văn hoá thế gới Thành nhà Hồ, quần thể di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, di tích Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích lịch sử Hàm Rồng... Song hành với các di tích lịch sử, văn hoá, thì Thanh Hóa còn có một nguồn tài nguyên rất quý giá đó là vốn văn hoá phi vật thể gồm các điệu hò, các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống, phong tục tập quán... tồn tại và phát triển ở các địa phương khá phong phú và đặc sắc.

Thanh Hóa có hơn 100 km bờ biển đẹp và thơ mộng mà thiên nhiên đã ban tặng như: bãi biển Sầm Sơn, khu bờ biển xã Hải Hoà, Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn), Hải Tiến (Hoằng Hoá)... Cùng với hệ sinh thái biển, Thanh Hóa còn là nơi có nhiều hang động và các địa danh, di sản thiên nhiên độc đáo như hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, hang Từ Thức, thác Mahao, thác Bảy tầng, vườn quốc gia Bến En, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên..., trong đó suối cá thần Cẩm Lương là một di sản thiên nhiên “độc nhất vô nhị”. Cùng với đó, Thanh Hoá còn có hệ thống di tích lịch sử văn hoá không những có giá trị đặc trưng mà còn phong phú về số lượng và thể loại. 

Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn thay đổi diện mạo du lịch Thanh Hóa

Phát huy lợi thế tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, trong nhiều năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó hạ tầng các điểm du lịch được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại; nhiều công trình có quy mô lớn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi mạnh mẽ du lịch của tỉnh, như: Khu đô thị du lịch sinh thái FLC (GĐ 1), các dự án khu nghỉ dưỡng, khách sạn tại Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa. Du lịch sinh thái ở khu vực miền núi được quan tâm đầu tư, khai thác.

Công tác kiểm soát giá, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh trật tự được tăng cường; chất lượng dịch vụ du lịch, văn hóa du lịch có chuyển biến tích cực, diện mạo và vị thế du lịch của Thanh Hóa được nâng cao, sức hấp dẫn du khách ngày càng tăng. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, ngành du lịch đón 42,58 triệu lượt khách, vượt 0,7% kế hoạch (khách quốc tế 1,28 triệu lượt người, vượt 1,6% kế hoạch); tổng doanh thu đạt 59.946 tỷ đồng, vượt 0,2% kế hoạch.

Nổi bật là năm 2019, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa đón được 9.655.000 lượt khách, tăng 17,0% so với năm 2018, đạt 101,6% kế hoạch năm 2019. Tổng thu du lịch đạt 14.526 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018; phục vụ 17.905.000 ngày khách, tăng 19,2% so với năm 2018.

Điểm nhấn ấn tượng của du lịch Thanh Hóa trong năm qua đó là lượng du khách quốc tế tăng mạnh với 300.450 lượt khách, tăng 30,5% so với năm 2018. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 90.350.000 USD; phục vụ 898.100 ngày khách, tăng 34,9% so với cùng kỳ.

Các điểm du lịch cộng đồng tại các huyện Bá Thước, Quan Hóa, Lang Chánh, Cẩm Thủy là những địa bàn thu hút lượng khách quốc tế nhiều nhất trên địa bàn tỉnh với nhiều sản phẩm, tour du lịch phong phú, đa dạng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa bàn các xã Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng (Bá Thước), bản Hang (xã Phú Lệ, Quan Hóa), bản Năng Cát (xã Trí Nang, Lang Chánh), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy)…

Ngoài ra, với vai trò là đô thị du lịch biển trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, năm 2019, TP Sầm Sơn đã đón được 4.950.000 lượt khách, tăng 15,5% so với cùng kỳ; phục vụ ăn nghỉ 9.750.000 ngày khách; doanh thu đạt 4.600 tỷ đồng, tăng 25,68% so với cùng kỳ, tăng 2,22% so với kế hoạch năm. TP Sầm Sơn cũng đã có nhiều nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện với tiêu chí nâng cao chất lượng, từng bước chuẩn hóa các dịch vụ du lịch trên địa bàn.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch toàn cầu nói chung và du lịch Việt Nam, du lịch Thanh Hóa nói riêng, cụ thể: 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách ước đạt 2.631.000 lượt, giảm 59% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế đạt 18.305 lượt khách, giảm 85,8%; tổng thu du lịch ước đạt 3.669 tỷ đồng, giảm 52,9% so với cùng kỳ 2019, trong đó, khách quốc tế đạt 6.770.000 USD, giảm 83,2%. 

Trước thực trạng đó, tỉnh Thanh Hóa đang triển khai các giải pháp hiệu quả để vực dậy ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong đó tập trung vào truyền thông và xúc tiến quảng bá về một hình ảnh “Du lịch Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”; chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ VHTTDL phát động. Đặc biệt, Thanh Hóa cũng xây dựng các chiến dịch kích cầu du lịch với phương châm “Tăng tối đa chất lượng và giảm tối đa giá thành sản phẩm”, đảm bảo tiêu chí an toàn, hấp dẫn khách du lịch và kêu gọi sự hưởng ứng của các doanh nghiệp. Trên địa bàn toàn tỉnh nhiều dịch vụ, điểm đến mới cũng sẽ được xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ và đưa vào hoạt động trong thời gian này.

Lễ hội Carnival Sầm Sơn năm 2020 là điểm nhấn độc đáo trong chuỗi sự kiện kích cầu du lịch hè 2020

Trong thời gian qua, ngành du lịch Thanh Hóa đã mời các địa phương trọng điểm du lịch tham gia khảo sát, đánh giá về điểm đến trên địa bàn tỉnh; công bố tour du lịch “Về miền di sản Ninh Bình - Thanh Hoá”,… Trong tháng 7, Thanh Hóa mở thêm nhiều đường bay mới đến các địa phương trọng điểm về du lịch do các hãng hàng không khai thác là điều kiện quan trọng nhất để thực hiện liên kết, trao đổi cũng như thu hút khách liên vùng, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để tạo ra các gói kích cầu du lịch thực sự hiệu quả.

Bà Vương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc SởVHTTDL Thanh Hóa cho biết, cùng với việc tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi ngành du lịch sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; trong những năm tiếp theo, Thanh Hóa sẽ tập trung khai thác và phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, để xây dựng ngành du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn trong kinh tế dịch vụ, thuộc nhóm các tỉnh có ngành du lịch phát triển của cả nước.

“Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch, làm cơ sở để đầu tư khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch; chú trọng thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên các dự án có sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của tỉnh; cơ cấu lại sản phẩm, thị trường khách du lịch; tập trung xây dựng và triển khai chiến lược thu hút khách qua đường hàng không; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng nguồn nhân lực du lịch có năng lực, tính chuyên nghiệp cao, chú trọng văn hóa ứng xử và phong cách phục vụ; xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, nâng cao sức hấp dẫn du khách. Phấn đấu năm 2025, đón 16 triệu lượt khách du lịch; trong đó khách quốc tế 850.000 lượt người”, bà Yến cho biết thêm.

MẠNH DŨNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top