Đừng đợi đến nghỉ lễ mới... “chữa lành” mối quan hệ gia đình

THẢO LAM

VHO - Không biết từ bao giờ, các chuyến du lịch gia đình đã chuyển thành chuyến đi “chữa lành”. Nói du lịch “chữa lành” phần nào cũng đúng, bởi cả nhà cùng rời xa công việc, học tập, cùng nghỉ ngơi để gần gũi, gắn kết với nhau hơn, qua đó xoa dịu những tổn thương quan hệ nội tại giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái…

 Đừng đợi đến nghỉ lễ mới... “chữa lành” mối quan hệ gia đình - ảnh 1

Đi du lịch “chữa lành” mà đông đúc như thế này thì không thể mang lại cảm giác thoải mái, vui vẻ cho các gia đình. Ảnh: VŨ HIỀN

 Nhưng vào đợt nghỉ lễ vừa qua, lành đâu chẳng thấy mà chỉ thấy nhiều người tỏ ra bức xúc vì tắc đường, dịch vụ tiện ích thiếu thốn và còn bị “chặt chém” không thương tiếc…

Nghìn lẻ một cảnh dở khóc dở cười

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi kỳ nghỉ lễ là nhà nhà, người người lại ùn ùn kéo đến các điểm du lịch như Sầm Sơn, Cát Bà, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Nẵng… khiến nơi nào cũng quá tải. Mỗi điểm chỉ có sức chứa nhất định, nhưng khi cả xã hội cùng đến một lúc thì không một địa phương, không một cơ sở nào có thể tiếp đón, phục vụ chu đáo để “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”. Và ngay lập tức, như thường lệ, rất nhiều phàn nàn được đưa ra, thậm chí tưng bừng “bóc phốt” nhau trên mạng xã hội chỉ vì chuyến đi “bão táp”…

Cách đây ít ngày, Facebook lan truyền clip cầu cứu do anh K.C (Hà Nội) thực hiện chỉ để được nhân viên đến dọn phòng khi nghỉ dưỡng ở một khách sạn 5 sao tại Mũi Né (Bình Thuận). “Em ở 2-3 ngày không được dọn phòng, nhắc nhân viên cũng không ăn thua. Đến lúc bực quá phải ra khu lễ tân “kêu gào” cũng không được ai tiếp chuyện. Mãi sau nói to quá, sợ ảnh hưởng xung quanh thì quản lý mới ra, nhưng không xin lỗi mà chỉ bảo: Anh nói nhỏ lại được không? Bên em quá tải, anh thông cảm”, anh K.C viết.

Kèm theo bài đăng là clip được quay tại khu vực lễ tân, lúc này có 2-3 nhân viên đang bận rộn ghi chép. Anh K.C hỏi nhưng không ai trả lời, dường như họ không nghe thấy khách nói gì, yêu cầu gì. Cũng theo anh C, khách sạn 5 sao nhưng thường xuyên mất điện, bãi xe lúc nào cũng tắc, phòng không được dọn, rác rơi vãi đầy các hành lang… “Khách sạn thu giá phòng 1,8 triệu/đêm cho ngày thường và 2,8 triệu/đêm cho ngày lễ mà chất lượng quá tồi tệ”, anh K.C bức xúc.

Không chỉ mình gia đình anh K.C mà rất nhiều gia đình khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi lưu trú tại đây, bằng chứng là họ đã đồng loạt đánh giá 1 sao trên trang web của khách sạn.

Để có một kỳ nghỉ lễ vui vẻ, nghỉ dưỡng đúng nghĩa, nhiều người có điều kiện đã chọn khách sạn 5 sao với chất lượng dịch vụ cao cấp, nhưng kỳ vọng của họ đã không đáp ứng. Còn với những khách sạn, nhà nghỉ bình dân thì… nghìn lẻ một cảnh dở khóc dở cười đã diễn ra.

Gia đình chị Nguyễn Ngọc Anh (quận Hà Đông, Hà Nội) lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khác, trước kỳ nghỉ lễ anh chị dự định đi Cát Bà (Hải Phòng), nhưng nghe trên mạng đồn là phải chờ phà 3-5 tiếng nên bảo nhau “thôi không đi nữa”. Đến ngày 27.4, lại xuất hiện thông tin phà Cát Bà vắng, chỉ phải chờ đợi 10-15 phút, thế là anh chị phấn khởi xách va ly lên đường. Không ngờ, sang ngày 28.4, có lẽ nhiều người cùng chung suy nghĩ đó nên… phà Cát Bà lại nghẽn mạch. Họ phải ngồi dãi nắng 3-4 tiếng đồng hồ dưới bầu không khí nóng như nung, không ít người đành ngậm ngùi “quay xe về vạch xuất phát”. Vậy là kế hoạch nghỉ dưỡng đổ bể, vợ chồng con cái cụt hứng, quay sang quạu nhau. Chữa lành đâu chưa thấy mà không khí gia đình trở nên “nóng” như thời tiết những ngày nghỉ lễ vừa qua.

 Đừng đợi đến nghỉ lễ mới... “chữa lành” mối quan hệ gia đình - ảnh 2

 Người dân cần chọn thời điểm thích hợp, lên kế hoạch kỹ càng để đi du lịch, tham quan, ngắm cảnh đẹp của đất nước, hưởng thụ những dịch vụ theo nhu cầu

Quan trọng là đi cùng nhau…

Đánh giá về kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5 năm nay, chị V.T.L, chủ một homestay ở thị xã Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, lượng khách tới chỗ chị có giảm hơn so với những ngày cuối tuần. “Nguyên nhân có thể do thời tiết nóng bức, người dân về quê hoặc đổ dồn về các bãi biển. Tuy nhiên, do hạ tầng của chúng ta chưa đủ đáp ứng một lượng khách lớn cục bộ nên nhiều người cảm thấy mệt mỏi thay vì nghỉ dưỡng, vui chơi”, chị L cho hay. Theo chị, những năm gần đây dường như xu hướng đi nghỉ mát vào ngày lễ đã giảm, nhưng do được nghỉ dài ngày nên nhu cầu du lịch vẫn trở nên quá tải. Ví dụ homestay của chị có 3-4 phòng thì chỉ đáp ứng được 3-4 gia đình, nếu hơn sẽ phục vụ không được tốt. “Do vậy, để có một chuyến du lịch nghỉ dưỡng đúng nghĩa, du khách cần tìm hiểu kỹ và lên kế hoạch chu đáo để không bị động, gặp phải những chuyện không vui”, chị L chia sẻ.

Trên thực tế, đi du lịch kiểu “không thở nổi nói gì đến tắm biển” khiến nhiều người hối hận “thà ở nhà còn hơn”. Điều này không có nghĩa là người dân không nên đi du lịch, tham quan, ngắm cảnh đẹp của đất nước, hưởng thụ những dịch vụ theo nhu cầu, mà cần chọn thời điểm thích hợp. Một mặt nào đó, chuyến du lịch còn có ý nghĩa kết nối các thành viên trong gia đình lại gần với nhau, vì thế, không nên chờ đến dịp lễ, Tết, nghỉ hè mới nghĩ đến điều này, mà chúng ta cần tạo thói quen tổ chức chuyến đi vào bất cứ thời điểm nào thích hợp. Quan trọng là đi cùng nhau chứ không phải đi đâu. Tuy nhiên, ngày thường ai cũng phải đi làm, con cái đi học, cuối tuần thì ít thời gian quá… nên vô tình chuyến du lịch “chữa lành” vào dịp nghỉ lễ đã thành chuyến đi “hành xác”.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ,TB&XH cũng cần trình Chính phủ về những ngày nghỉ lễ ngay từ đầu năm để người dân chủ động lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình. Chẳng hạn, còn 4 tháng nữa mới đến Quốc khánh 2.9, nhưng ngay sau khi Bộ LĐ,TB&XH trình, Chính phủ đã chấp thuận cho người lao động nghỉ 4 ngày vào dịp này. Các gia đình có thể lên kế hoạch từ bây giờ, đồng thời các điểm du lịch, homestay, điểm lưu trú cũng cần tăng cường các quảng bá chương trình, điểm đến quanh năm thay vì chờ đến trước ngày nghỉ lễ mới tung ra các gói khuyến mại…