Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

28 Tháng Ba 2024

Bị bạo lực gia đình nhưng 20 năm vẫn... hoà giải

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:11 GMT+7

VHO- Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội thảo khoa học “10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình - thực trạng và giải pháp” do Bộ VHTTDL tổ chức ngày 28.11, nhiều đại biểu đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập khiến cho nhiều đối tượng gây ra BLGĐ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

 Toàn cảnh hội thảo

 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực thi hành từ 1.7.2008 đã tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, góp phần củng cố và xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Có thể nói, từ khi Luật PCBLGĐ được triển khai thực hiện đến nay đã thực sự ngăn chặn có hiệu quả nạn bạo lực gia đình...

Vì sao nạn nhân BLGĐ phải ra khỏi nhà?

Tuy nhiên sau 10 năm thực thi cũng đã nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. TS Trần Tuyết Ánh, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) cho rằng: “Các văn bản có liên quan và nhất là văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCBLGĐ chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi pháp luật về PCBLGĐ. Một số điều, khoản quy định trong Luật PCBLGĐ chưa thống nhất, chưa rõ hoặc có những thủ tục hành chính không phù hợp làm giảm tính thực thi”. Bà Ánh cũng dẫn ra những bất cập khác như Nghị định 08/2009/NĐ-CP chưa quy định rõ chính sách xã hội hoá công tác PCBLGĐ, chính sách đối với người trực tiếp tham gia PCBLGĐ. Quy trình thực hiện quyết định cấm tiếp xúc còn mang nặng thủ tục hành chính và chưa rõ đối tượng. Việc quy định nạn nhân BLGĐ tự nguyện đến ở được ngầm hiểu rằng khi xảy ra bạo lực thì nạn nhân sẽ phải là người ra khỏi nhà. Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chưa bao quát hết hành vi cũng như biện pháp xử lý. Hình thức xử phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo, ngoài ra biện pháp xử phạt bổ sung như buộc xin lỗi công khai, tiêu huỷ phương tiện hỗ trợ gây bạo lực… chưa thực sự đảm bảo tính răn đe, giáo dục. Người có hành vi trái pháp luật buộc thành viên khác ra khỏi nhà chỉ bị xử phạt mà không có chế tài nào để nạn nhân, người bị BLGĐ có thể trở lại nhà.

Nhiều ý kiến khác cũng thẳng thắn cho biết, số liệu thống kê về BLGĐ không đáng tin cậy, chưa phản ánh đầy đủ thực trạng BLGĐ. Việc phạt tiền đối với đối tượng gây ra bạo lực khó thực hiện, chỉ tập trung vào hòa giải. Tại sao đối tượng gây ra bạo lực gia đình không bị buộc ở nhà tạm lánh mà lại chính là nạn nhân? Ngân sách cấp cho công tác gia đình, PCBLGĐ chưa được quy định rõ ràng, các hoạt động truyền thông chỉ rộ lên theo thời điểm, sự kiện phát động mà không có sự duy trì thường xuyên.

Ngân sách cho PCBLGĐ quá thấp

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Thị Nguyệt cho hay, qua công tác giám sát thì thấy, việc giải quyết các vụ án hình sự liên quan đến BLGĐ có thực tế là một số trường hợp người làm chứng không khai đầy đủ, cố ý bao che hoặc người bị bạo hành xin bảo lãnh, tại ngoại, giảm án cho người có hành vi BLGĐ. Đối với các tranh chấp về tài sản trong quá trình giải quyết các vụ án hôn nhân gia đình liên quan đến BLGĐ thường phức tạp. Việc điều tra xác minh tài sản chung vợ chồng rất khó khăn nên cơ quan công an, Viện Kiểm sát, Toà án không thể bảo vệ triệt để quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân BLGĐ. Về nguồn lực cho công tác PCBLGĐ, địa phương nào người đứng đầu quan tâm thì bố trí ngân sách cho công tác này nhưng vẫn ở mức thấp, chủ yếu chỉ đủ thực hiện một số nội dung tuyên truyền.

GS. TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới cho rằng ngay cả cán bộ có trách nhiệm giải quyết BLGĐ còn chưa nhận thức đầy đủ và coi BLGĐ là chuyện riêng của từng gia đình, không có kỹ năng phát hiện và giải quyết BLGĐ. Kết quả là, người có hành vi BLGĐ không sợ pháp luật, các hành vi BLGĐ tái diễn nhiều lần, mức độ và tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Nạn nhân chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời, phần lớn người gây BLGĐ vẫn chưa bị xử lý đúng tội theo quy định của pháp luật. Ngay như lực lượng công an chưa phân công cán bộ chuyên trách theo dõi xử lý các hành vi BLGĐ, các hành vi BLGĐ thường bị xử lý về hành vi gây rối, mất an ninh trật tự xã hội hơn là xử lý về hành vi gây BLGĐ.

Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA, bà Hà Quỳnh Anh đề nghị không nên sử dụng biện pháp hoà giải để giải quyết BLGĐ. Nếu vẫn giữ các điều khoản hoà giải trong Luật PCBLGĐ thì Nhà nước phải đảm bảo có đầy đủ năng lực để đảm bảo hoà giải được coi như là một quá trình dài hạn. Hiện nay đa phần với các vụ việc BLGĐ các cơ quan có trách nhiệm đều thiên về xử lý mang tính hoà giải. Nhưng thực tế có những trường hợp đã tiến hành hoà giải 20 năm qua nhưng người phụ nữ vẫn cứ chịu BLGĐ từ năm này sang năm khác.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhìn nhận trên cơ sở các ý kiến đóng góp cho thấy việc sửa đổi Luật PCBLGĐ nói riêng và các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ đã trở nên cần thiết. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp để có những kiến nghị về giải pháp có tính khoa học trong việc sửa đổi, bổ sung Luật PCBLGĐ.

Theo Thứ trưởng, các ý kiến đã gợi mở nhiều vấn đề cần giải quyết về cơ chế chính sách, trách nhiệm của các Bộ, ban, ngành, địa phương cùng các biện pháp tháo gỡ về tài chính... Sắp tới, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật PCBLGĐ trên phạm vi toàn quốc, do vậy ý kiến từ Hội thảo này sẽ được tập hợp để đưa vào Báo cáo tổng kết của Hội nghị. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ đưa ra những đề xuất giải pháp triển khai thi hành Luật trong thời gian tới; cung cấp những bằng chứng cơ sở khoa học và thực tiễn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật về PCBLGĐ để Luật PCBLGĐ phù hợp, hiệu quả và sát thực với thực tiễn. 

Công tác PCBLGĐ ngày càng được quan tâm song vẫn còn những tồn tại và bất cập giống như “gánh nặng, đường xa”. Để ngăn chặn BLGĐ không chỉ là trách nhiệm của một ngành, một Bộ mà của cả toàn xã hội phải chung tay để thay đổi ngay từ nhận thức cho tới việc xử lý các hành vi BLGĐ.

(Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ)

 Hiện nay đa phần với các vụ việc BLGĐ các cơ quan có trách nhiệm đều thiên về xử lý mang tính hoà giải. Nhưng thực tế có những trường hợp đã tiến hành hoà giải 20 năm qua nhưng người phụ nữ vẫn cứ chịu BLGĐ từ năm này sang năm khác.

(Bà Hà Quỳnh Anh, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc UNFPA)

 THUÝ HIỀN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top