Chăm sóc trẻ 1.000 ngày đầu đời vì sự phát triển toàn diện

VH- 1.000 ngày đầu đời được tính từ lúc thai nghén trong bụng mẹ cho đến khi bé tròn 2 tuổi. Đây là giai đoạn cửa sổ quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong 5 năm đầu tiên và cả cuộc đời sau này. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu tâm là nhiều trẻ trong bụng mẹ lại không được quan tâm đúng mức.

Kết quả nghiên cứu tại Hà Nam được công bố tại hội thảo “Chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ trong 1.000 ngày đầu đời – Từ nghiên cứu đến vận động chính sách” cho thấy, 33% bà mẹ mang thai ở ba tháng cuối và 2 tháng đầu sau sinh bị chứng rối nhiễu tâm trí thường gặp; 32% thường xuyên lo lắng về an ninh lương thực trong gia đình; 20% phụ nữ mang thai ở ba tháng cuối có chỉ số cân nặng thấp hơn so với chiều cao chuẩn; 80% phụ nữ thiếu i-ốt và 19% từng bị bạo hành gia đình… Trẻ sinh thiếu tháng chiếm 14%, cao gấp đôi so với các nước phát triển, và những đứa trẻ sinh ra từ các bà mẹ có nguy cơ đều có sự phát triển trí não, vận động và kỹ năng xã hội lúc 6 tháng tuổi kém hơn các trẻ khác.
Các đại biểu tại hội thảo cho rằng, ở Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác, cho đến nay chưa có chính sách hoặc chương trình can thiệp trên diện rộng tác động đến các yếu tố nguy cơ kể trên làm ảnh hướng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Do đó cần phải có những chính sách, mô hình can thiệp phù hợp, hiệu quả để hướng đến sự thay đổi hành vi tích cực ở người phụ nữ mang thai, người mẹ, người chồng và gia đình.


Việt Thanh

Ý kiến bạn đọc