Thay đổi y tế và an sinh xã hội để chăm sóc người cao tuổi

VH- Tại Hội nghị về chính sách chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng vừa tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày quốc tế người cao tuổi 1.10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Cần phải phát huy vai trò của các cụ trong gia đình, xã hội, phát huy mạnh mẽ hội người cao tuổi là một trong những chăm sóc tốt nhất. Nếu không chú ý được khía cạnh phát huy thì rất khó chăm sóc được người cao tuổi được tốt”.

Hiện người cao tuổi Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số, dự báo đến năm 2030 sẽ tăng lên 17% và năm 2050 là 25%. Điều này đặt ra những thách thức đối với toàn bộ hệ thống y tế nói riêng và an sinh xã hội nói chung vì đối tượng phục vụ thay đổi. Nếu như trước đây Việt Nam là quốc gia dân số trẻ thì với dân số già trong tương lai, thay vì phục vụ trẻ em sẽ là phục vụ người già.
GS.TS. Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho rằng, hiện nay hầu hết người già sống ở ngoài cộng đồng, chỉ những người bệnh nặng mới vào bệnh viện nên mấu chốt là nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở cho chăm sóc người già. Để thực hiện thì phải phát triển hệ thống dịch vụ hỗ trợ người già, dịch vụ phục hồi chức năng, dịch vụ đi chợ hộ... thì người già với những hạn chế nhất định sẽ sống ở cộng đồng càng lâu càng tốt. “Chúng ta có hệ thống y tế cơ sở tốt về dịch vụ tiêm chủng mở rộng, sinh đẻ kế hoạch... nhưng bây giờ đối tượng thay đổi thì từ nay và trong tương lai cần nâng cao năng lực y tế cơ sở để kiểm soát các bệnh mãn tính người già như bệnh tiểu đường, bệnh sa sút trí tuệ... để giảm tải cho các bệnh viện tuyến trung ương”, ông Thắng nói.


 Quỳnh Hoa

Ý kiến bạn đọc