Mẹ hiền của trẻ khiếm thính

VH- Dạy trẻ đã là điều không dễ dàng, dạy trẻ khiếm thính lại càng khó khăn, đặc biệt là với những giáo viên trẻ mới ra trường. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu đã kiên trì theo đuổi sự nghiệp của mình từ năm 24 tuổi, cho đến nay đã được 15 năm, cô chưa bao giờ có cảm giác “thất bại” trước những đứa trẻ sinh ra vốn đã không được may mắn.

Mẹ hiền của trẻ khiếm thính - Anh 1

 Cô giáo Thu (đứng giữa) vinh dự nhận giải thưởng Võ Trường Toản - giáo viên có nhiều cống hiến cho giáo dục Đà Nẵng Ảnh: Đoàn Nhạn

Khi chọn con đường đồng hành cùng trẻ khiếm khuyết, khiếm thính, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu, trường Chuyên biệt Tương lai Đà Nẵng đã hỗ trợ nhiều trẻ em vượt qua mặc cảm, hòa nhập với cộng đồng. “Người thân cũng sợ công việc của tôi ảnh hưởng đến tương lai nên cũng khuyên can, nhưng từ khi có ý nghĩ sẽ dạy các em nhỏ thiệt thòi, tôi luôn đau đáu với quyết tâm của mình, lúc nào cũng chỉ mong các em được hưởng những gì tốt đẹp nhất, muốn bù đắp cho các em những kỹ năng mà khi sinh ra các em đã thiếu may mắn bị mất đi”, cô Thu tâm sự.

Cô chia sẻ về phương pháp dạy trẻ khiếm thính bằng “song ngữ”: Nếu dạy trẻ bình thường mất một giờ thì dạy trẻ khiếm thính mất gấp đôi, thậm chí gấp ba thời gian đó. Lúc đầu chỉ dạy bằng phương pháp nghe - nói dựa vào sự hỗ trợ của máy trợ thính thì việc học rất chậm và phụ thuộc nhiều vào máy trợ thính, hiện tại nhà trường vừa áp dụng phương pháp nghe - nói, vừa kết hợp ngôn ngữ ký hiệu, sự kết hợp đó giúp các em khắc sâu và mở rộng kiến thức, nhớ bài lâu. Sau một năm áp dụng phương pháp “song ngữ”, nhiều em tiến bộ rõ rệt. Có em vốn tính toán chậm, giờ đã thành thạo; có em đọc yếu, giờ đọc nhanh hơn. Phương pháp mới này còn tạo sự hứng thú cho học sinh và vốn từ, ký hiệu của các em tăng lên rất nhiều - cô Thu hào hứng cho biết.

Nhờ sự nhanh chóng và thuần thục trong việc áp dụng ngôn ngữ và ký hiệu, cô Thu đã “giao tiếp” hiệu quả với các em khiếm thính. Các em khuyết tật thấy lần đầu có một giáo viên học ngôn ngữ ký hiệu của mình, lại càng hứng thú trao đổi, công việc của cô lẫn trò trở nên dễ dàng hơn.

Không những thế, cô giáo trẻ đã nghĩ ra nhiều cách cho các em nhớ, cho các em thực hành nhiều hơn và thay đổi phương pháp giảng dạy. Không chỉ dạy các em kiến thức, cô còn học thêm kỹ năng múa, vẽ… để dạy cho các em ngoài giờ. “Các em cũng chính là giáo viên của tôi, tôi học được rất nhiều điều từ các em, sự kiên nhẫn, sự hồn nhiên trải qua những thiệt thòi, khó khăn khi không được hòa nhập dễ dàng. Chúng tôi học tập lẫn nhau, hòa nhập không còn khoảng cách”.

Là một giáo viên, cô Thu hiểu sự quan trọng của những hoạt động ngoại khóa đối với con trẻ, với học sinh khuyết tật, điều đó càng quan trọng, bởi chính những giờ ngoại khóa là khi các em mở lòng nhất, các giác quan được cảm thụ, bồi đắp một cách hoàn hảo nhất. Cô phát hiện ra rằng những em nhỏ mất đi khả năng nghe, nói thì lại có năng khiếu nhìn, cảm thụ rất tốt. Cô Thu cho biết, có thời gian, các nhóm truyền đạo lợi dụng hàng chục em khiếm thính ở Đà Nẵng để truyền bá tư tưởng xấu, chính cô Thu là người giúp đỡ lực lượng công an trong việc xử trí, uốn nắn các em những suy nghĩ đúng đắn, tích cực để không bị nhóm người xấu tác động. Với tấm lòng yêu nghề, nhân hậu của mình, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thu là một trong 30 gương mặt tiêu biểu vừa được thành phố Đà Nẵng vinh danh, tri ân về những cống hiến thầm lặng mà to lớn. 

Mình Châu

 

Ý kiến bạn đọc