Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Gia đình

29 Tháng Ba 2024

Từ việc nhỏ trong nhà: Thử hỏi có còn ai quan tâm

Thứ Sáu 23/03/2018 | 09:26 GMT+7

1. Đồ may sẵn

Lấy chồng, bà thôi không theo gánh hát Chèo quê để làm bổn phận nàng dâu. Khỏi nói chuyện bếp núc, bà tôi còn đặc biệt khéo tay về đường kim chỉ. Không chỉ tự may khăn áo cho mình, bà còn đi chợ Trục mua vải về nhuộm nâu cho lên màu cánh rán rồi cắt may quần áo cho cả nhà. Người già, kiểu người già. Con trẻ, kiểu con trẻ. Năm nào cứ sắp đến Tết nhà đã vui như hội vì ai cũng có quần áo mới. Sau này đông con cháu, bà vẫn giữ nếp tự may quần áo cho con cháu. Tùy khổ người, tùy gương mặt mà bà cắt may quần áo sao cho vừa vặn. Người làng thấy con cháu của bà ăn mặc thì tấm tắc khen, đúng là giỏ nhà ai, quai nhà ấy, ăn mặc không lẫn vào đâu được.

 Ảnh: INTERNET

Bà ngày xưa là thế, nhưng con cháu bây giờ chẳng ai noi theo. Bà xã tôi, rồi con gái tôi, con dâu tôi tất tật dùng đồ may sẵn, ăn món chế biến sẵn. Cần sắm áo cho chồng, cho con, cho cháu ư? Đi siêu thị, ra cửa hàng một loáng là vơ về cả đống. Đồ ăn cũng vậy, vào siêu thị mà chọn các món đã chế biến sẵn, ê hề, khuân về chất vào tủ lạnh đủ ăn cho cả dăm bữa nửa tháng ấy chứ. Nhàn nhã, không phải đụng chân tay mà ăn mặc đủ cả. Chứ đâu như thời bà, nấu nồi cá kho là kỳ cạch nào giềng, nào trám khô, hành khô rồi tương Bần cách ra cách rách, đến vã mồ hôi hột.

Nhìn cả nhà từ ông đến cháu mặc đồ may sẵn, đồ ăn cũng chế biến sẵn như một tập thể thu nhỏ. Tôi cứ nghĩ những thứ sẵn như thế này giết chết cá tính sáng tạo trong may mặc và chế biến thực phẩm vốn rất phong phú của ông bà xưa. Và, nhìn kìa, từ nhà ra ngõ, từ nông thôn ra thành thị tất tật mặc rập khuôn, cùng kiểu…

Có một lần tôi bảo con gái, thằng bé khó ngủ, con phải ru, chứ chỉ nựng huầy, huầy như xua gà, xua vịt, nó ngủ làm sao. Tiếng ru cũng như sữa mẹ ấy, nuôi con lớn. Sữa mẹ nuôi lớn về dáng vóc. Lời ru nuôi lớn về tâm hồn. Xem ra con gái biết nghe lời, chạy ra cửa hàng băng đĩa, mua hẳn một đĩa có 12 bài hát ru đủ cả ba miền Trung, Nam, Bắc do các ca sĩ thực hiện, bỏ vào máy, cho con nghe. Lúc sắp ngủ, con cần cái tình của mẹ, chứ đâu cần nghe hát băng đĩa? Tôi nói thế, nhưng xem ra con gái tôi chưa nghe ra lời này.

Quá phụ thuộc vào đồ may sẵn, thực phẩm chế biến sẵn, con người hưởng thụ sẵn sẽ lười biếng dần và nhàm chán. Biết thế, nhưng thay đổi thói quen sẵn hưởng thụ không phải dễ, nhất là chúng ta đang ở thời kỳ hình như ai cũng vội vàng, chen nhau bước, nhất là giới trẻ. Vậy phải làm thế nào để thay đổi thói quen sẵn ăn, sẵn mặc của con cháu hôm nay? Đây là việc khó, phải có chương trình hẳn hoi chứ không thể nói vài câu là xong. Chẳng hạn ở đâu có điều kiện thì mở các lớp nữ công gia chánh, dạy cho chị em cách may vá, cách nấu nướng. Ở đâu không có điều kiện thì các bậc phụ huynh nên truyền dạy cho con cháu việc bếp núc. Việc này tưởng dễ dàng như không dễ. Ví như mùa hè Hà Nội chẳng hạn, muốn có bát nước rau muống luộc dầm sấu là phải biết nấu, chứ không thì nước rau luộc không xanh trong mà vàng đục. Tôi trộm nghĩ, đem ra mà tranh luận về giữ gìn bản sắc ăn mặc vào lúc này với giới trẻ, dù chỉ trong nhà thôi, thì tôi thất bại vì đứng về phe thiểu số…

2. Vườn mẹ

Quê tôi ở trung du, nhà ở ven đồi, trước cửa có mảnh vườn vài ba sào, đất pha sỏi cằn cỗi, nắng thì hạn, mưa thì sói lở đến sim mua và cỏ may cũng khó mọc. Suốt mấy chục năm về già mẹ tôi ngày nào cũng bới đất, lật cỏ ở khu vườn này, trồng mỗi thứ một ít để mùa nào nhà cũng có thức ấy, không phải mua, cũng chẳng có mà bán. Tháng Giêng su su, cải bắp; tháng Hai rau cần; tháng Ba rau rệu; tháng Tư rau bí xào tỏi; tháng Năm vào mùa nắng nóng bữa cơm có nước rau muống với cà. Mùa rau muống kéo dài, cho đến tận tháng Tám mới chuyển sang món canh cua nấu mướp… Ấy là rau nấu canh, còn rau thơm cũng đủ thứ, dăm ba loại húng, dăm ba loại mùi, rồi nào hành, nào ớt, nào tỏi… Còn khu đất cao trước của nhà mẹ trồng mấy hàng cây ăn quả, có chanh, có mơ, có hồng, có táo, có na… Quê tôi gọi đó là vườn tạp. Mảnh vườn con con của mẹ gieo trồng cũng chẳng nhiều nhặn gì, nhưng như là một phần đời sống của mẹ, ngày nào không lăn lóc ngoài vườn là mẹ không chịu được. Bọn chúng tôi lớn lên, đi làm ăn xa, có người ra ở ngoài phố, lâu lâu về đón mẹ lên thăm con cháu nhưng mẹ chỉ ở với các con vài ngày là đòi về quê. Mẹ lam lũ ngoài vườn đã quen, nay xa vườn, ngồi rỗi mẹ thấy buồn bực chân tay.

Mẹ tôi mất. Thế vào cái chỗ ngoài vườn của mẹ là bà chị dâu cả. Chị về làm dâu nhà tôi từ năm 18, sống với mẹ chồng hơn 70 mươi năm nên cách ăn, cách ở của chị na ná mẹ. Thời chị con cháu trong nhà đông hơn nên mảnh vườn trồng rau chị cũng cơi nới rộng ra tận chân hàng rào.

Mùa đông năm ấy trời rét đậm, chỉ qua vài đêm sương muối, ngọn cỏ lá rau ngoài vườn vàng rũ. Xót của, chị lấy lá chuối, đan liếp cỏ che chắn cứu được vườn rau, nhưng người thì ôm ngực mà ho vì cảm lạnh. Anh con cả của chị, cháu gọi tôi bằng chú, “ra tuyên bố” với mẹ, rằng từ nay bà để lại vườn rau cho các cháu chăm nom. Chúng bận học, bận chăn trâu cắt cỏ thì bỏ để mai ngày trồng thứ cây lâu niên cho đỡ tốn sức. Thịt cá chẳng nói, chứ rau dưa ngoài chợ ê hề, dăm ngàn đồng cả rổ, nhà ăn mấy ngày mới hết, chẳng tội gì phải vất vả… Con cái ngăn cấm nhưng chị dâu tôi vừa khỏi ho vì cảm lạnh đã lại lúi húi ngoài vườn.

Tết rồi tôi về quê thăm chị. Khi đi, chị ấn cho cả một bọc rau, bảo, chú chịu khó đem xuống phố mà dùng, dưới ấy chẳng có thứ rau quả còn giữ được hương vị thế này đâu. Quả là ở chợ phố, rau dưa ê hề, xanh tươi mơn mởn, mập mạp nhưng hương vị không còn được thơm thơm như cái mớ rau của chị; quả ớt thì bé tí nhưng cay thơm, quả cà cũng bé tí nhưng ròn tan, còn túm rau thơm thì rau nào hương nấy, lan tỏa cả mâm cơm gia đình.

Mẹ tôi, chị dâu tôi, những người đàn bà cả đời lam lũ với mảnh vườn để giữ hương quê. Xem ra đến đời con gái, con dâu tôi, mảnh vườn đang dần bỏ hoang… Và như thế mai này cháu tôi làm sao biết hương quê?

3. Dạy trẻ

Thằng cháu ngoại, học lớp 4 suốt ngày Chủ nhật ở chơi với ông. Vì cả tuần, từ thứ Hai đến thứ Sáu, hôm nào cháu cũng phải học thông tầm, sáng ở lớp, chiều ở nhà cô giáo rồi cuối chiều thì đến lớp ngoại ngữ, chừng 7 giờ tối bố hoặc mẹ mới đón về. Ngày thứ Bảy, sáng cháu học thêm toán, chiều học ngoại ngữ. Học nhiều như thế, ngày nào cũng chiếc ba lô sách nặng trĩu trên vai, thằng bé người cứ dài ngoẵng ra, chân tay lòng thòng, chẳng thấy da thịt đâu, mặt khi nào cũng tai tái, như người mất ngủ. Đến thương. Bởi học quá nhiều nên ngày Chủ nhật nếu gia đình không có dịp đưa cháu đi chơi công viên, sở thú thì để cho cháu ngủ và vui chơi thỏa thích, cho ăn ngon một chút, không ép phải làm gì, tối ăn cơm xong mới lại bảo cháu ngồi vào bàn, chuẩn bị bài cho sáng hôm sau. Có lẽ nhiều gia đình có con cháu đang học tiểu học đều cùng một cái lịch học và chơi như thế.

Thế nhưng, hôm mới rồi, cô giáo ra đề văn, ý là, em hãy tả lại ngày Chủ nhật ở nhà và gợi ý thêm, nội dung bài viết phải nói rõ giúp bố mẹ rửa ấm chén như thế nào, quét nhà, tưới cây cảnh, dọn góc học tập ra làm sao rồi cùng bố mẹ đến thăm ông nội, bà ngoại… vân vân. Do thiếu thực tế, thằng cháu cắn bút, không biết tả thế nào. Chẳng lẽ lại không có bài nộp, thằng bé hỏi mẹ, hay chỉ viết ngủ một giấc thích ơi là thích, rồi cả chiều đá bóng với bạn ở sân khu tập thể. Mẹ cháu mắng át, làm bài không đúng ý cô thì một điểm. Để giúp con làm bài theo hướng dẫn của cô giáo, mẹ cháu phải đọc cho thằng bé chép. Đại thể, ngày Chủ nhật cháu rất chăm, rất ngoan, sáng ngủ dậy là giúp bố mẹ thu dọn góc học tập ngăn nắp, rồi quét nhà, rửa ấm chén, rồi chơi với em, dạy em học cho mẹ đi chợ, nấu cơm. Có bài văn do mẹ đọc cho, thằng cháu đem khoe ông. Ông đọc rồi khen, cháu giỏi quá, vừa chăm, vừa ngoan.

Thì ông phải khen thế để cháu khỏi buồn chứ biết làm sao, chứ thật tình, khen mà trong bụng ông không vui, vì cái cách dạy con làm văn thế này, là dạy trẻ con nói dối. Mẹ nói dối. Ông khen hay, rồi con nói dối và cô giáo cũng thích đọc những bài nói dối, cho điểm cao vì đúng giáo án. Dạy trẻ nói dối từ bé, nghĩa là dạy trẻ hư, thì lớn lên chúng có đem theo cái tật xấu này vào đời không?

Từ việc nhỏ cụ thể và quen gặp này, thiết nghĩ, có lẽ ngành giáo dục và thầy cô nên xem lại cách ra đề, cách dạy văn sao cho các em học làm người trung thực, thật thà chứ không tập nói dối để lấy điểm. Như thế mới lợi bất cập hại. 

 HÀ ĐÌNH CẨN

Print
Tags:

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top