Truyền thông bình đẳng giới: Vẫn còn nhiều khoảng trống

VH- Trong công tác truyền thông, vẫn chỉ nhằm vào đối tượng là phụ nữ. Các cơ quan báo đài và các cơ quan đơn vị chỉ tập trung truyền thông về bình đẳng giới (BĐG) vào ngày 8.3, 28.6, 20.10, yêu cầu phối hợp thực hiện trong thời gian ngắn, quá gấp gáp nên hiệu quả về nhận thức trong các tầng lớp xã hội còn hạn chế...

Đó là những vấn đề được đưa ra tại Hội thảo “Công tác truyền thông về bình đẳng giới của các cơ quan nhà nước” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ,TB&XH) vừa tổ chức tại Hà Nội.

Truyền thông bình đẳng giới: Vẫn còn nhiều khoảng trống - Anh 1

 Trang facebook của Vera Hà Anh

 Truyền thông chính thống quá khô khan, thiếu thuyết phục

Nêu quan điểm tại Hội thảo, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ,TB&XH cho rằng mặc dù Việt Nam đã có Luật Bình đẳng giới nhưng đây vẫn là vấn đề mới đối với nhiều cơ quan nhà nước nên từ quan điểm chính sách tới thực hiện chính sách vẫn còn có những khoảng trống. Ngay trong công tác truyền thông, vẫn tập trung vào đối tượng là phụ nữ, khuôn mẫu giới, định kiến giới vẫn tồn tại trong các sản phẩm truyền thông (80% đề cao vai trò của phụ nữ trong gia đình, 83% phụ nữ xuất hiện với vai trò là làm nội trợ)...

Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và BĐG, Sở LĐ,TB&XH TP.HCM nêu lên những khó khăn trong truyền thông về BĐG hiện nay, đó là: Chủ đề về BĐG quá rộng, thiếu định hướng truyền thông có chiều sâu từ các Bộ, ngành Trung ương; nhân sự làm công tác BĐG các tỉnh, thành chưa được đào tạo chuyên sâu ở 8 lĩnh vực được quy định trong Luật nên gặp nhiều khó khăn tư vấn, hỗ trợ chuyên môn khi phối hợp với các đơn vị; nhiều phong trào dành cho nữ giới không còn phù hợp với thực tế; các cơ quan báo đài và các cơ quan đơn vị chỉ tập trung truyền thông về BĐG vào ngày 8.3, 28.6, 20.10, yêu cầu phối hợp thực hiện trong thời gian ngắn, quá gấp gáp nên hiệu quả về nhận thức trong các tầng lớp xã hội còn hạn chế và chưa trở thành “nhận thức xã hội”...

Vấn đề đặt ra đối với yêu cầu thông tin giáo dục truyền thông về giới và BĐG, cần phải không mang định kiến giới, không tạo ra định kiến giới; loại bỏ mọi sự phân biệt về giới. Một số đại biểu nhìn nhận bất bình đẳng giới hiển hiện rõ ở bất cứ nơi đâu và ngay cả trên truyền thông cũng đang có những biểu hiện sai lệch. Có người dẫn ra các khóa học trên mạng xã hội của chuyên gia tâm lý mang tên Vera Hà Anh với số tiền trung bình khoảng 6 triệu đồng/1 người với chủ đề Phụ nữ làm thế nào để giữ được chồng với những slogan khá ấn tượng như “Giúp cho 1 triệu phụ nữ hạnh phúc”, “Phụ nữ lãnh đạo bằng yêu thương”... Mỗi khóa học của chuyên gia tâm lý này có khoảng chừng 200 người và liên tục được tổ chức. Điều đáng nói đó là những khóa học này phần lớn dạy phụ nữ giữ chồng, “lãnh đạo chồng” bằng các kỹ thuật quan hệ phòng the. Sự tuyên truyền trên facebook và mạng xã hội của chuyên gia này đã thu hút hàng nghìn phụ nữ tham gia, hâm mộ, nhưng cái cách dạy này đi quá xa với thuần phong mỹ tục, với truyền thống văn hoá của người Việt. Nhiều đại biểu cùng đồng thuận với quan điểm khi cho rằng truyền thông, một lĩnh vực được xem là thể hiện sự tiến bộ của xã hội, không phải lúc nào sự BĐG cũng được các nhà làm truyền thông quan tâm đích đáng dẫn tới những khẩu hiệu, những hình thức tuyên truyền đầy khô khan, xáo mòn, thiếu hấp dẫn.

Nam giới phải “vào cuộc”…

Tại hội thảo, một số địa phương đã chia sẻ những kinh nghiệm hay trong công tác tuyên truyền BĐG. Đơn cử như truyền thông BĐG ở TP.HCM được Sở LĐ,TB&XH lên kế hoạch theo từng giai đoạn dài 3 năm, mỗi năm lại có những hoạt động cụ thể và được cơ quan cấp cao nhất là UBND TP.HCM chỉ đạo, phân công trực tiếp đối với từng ngành, đơn vị cơ quan thực hiện. Chỉ một hội nghị về BĐG thì những người làm công tác tuyên truyền BĐG phải chuẩn bị rất công phu hàng tháng trời, quan tâm tới từng chi tiết. Ngay cả những người phục vụ nước trong hội nghị về BĐG cũng phải là nam giới, để gửi thông điệp chung về BĐG.

Từ những câu chuyện của những người làm công tác truyền thông về BĐG, đã có rất nhiều những vấn đề được đặt ra như cơ quan tổ chức truyền thông nên chú ý tới những vấn đề trọng tâm như cân bằng giới trong lãnh đạo quản lý; BĐG tại nơi làm việc, điều kiện làm việc; Cân bằng giới trong giáo dục, đào tạo bồi dưỡng nghề nghiệp, nghiệp vụ. Công tác truyền thông BĐG không chỉ là nội dung của cơ quan chuyên trách thuộc ngành nào mà phải là nhận thức chung trong điều hành và hoạch định nội dung chính sách của các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt ở cấp lãnh đạo đơn vị và cơ sở đào tạo báo chí, truyền thông; Hoạt động truyền thông cần sự phối kết hợp giữa cơ quan chuyên trách với các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội và được thông qua mạng lưới nhân sự trong khắp các địa phương và các bộ, ngành... 

Hiền Lương

 

Ý kiến bạn đọc