Luật hoá trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phòng, chống bạo lực gia đình

VHO- Từ hôm nay 1.7, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi năm 2022 bắt đầu có hiệu lực. Văn Hoá đã có cuộc trao đổi với ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VHTTDL) về những điểm mới, nổi bật được quy định trong Luật, từ đó góp phần giảm thiểu nạn BLGĐ.

.P.V: Thưa ông, sự ra đời của Luật Phòng, chống BLGĐ sửa đổi năm 2022 là hết sức cần thiết và là công cụ hữu hiệu góp phần quan trọng vào giảm thiểu nạn BLGĐ. Ông có thể cho biết về những điểm mới nổi bật của Luật?

- Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý: Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 kế thừa đầy đủ các chế định cơ bản của Luật hiện hành còn phù hợp, có điều chỉnh, sửa đổi để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007. Cụ thể, Luật sửa đổi đã luật hóa trách nhiệm của chính quyền nhằm bảo vệ nạn nhân khỏi nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình. Hướng tới hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013. Đặc biệt là đối tượng như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, được ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm.

Luật hoá trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phòng, chống bạo lực gia đình - Anh 1

Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý trao đổi với phóng viên Báo Văn Hoá​​​​

Bên cạnh đó, Luật mới có thêm các quy định nhận diện rõ về hành vi BLGĐ. Những quy định này đã có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ, sát với thực tiễn cuộc sống. Chúng ta xác định phòng tốt thì sẽ chống tốt và ngược lại cũng vậy. Để ngăn chặn các vụ việc BLGĐ thì việc phòng ngừa được đặt cao hơn từ việc phát hiện các mâu thuẫn, tranh chấp ở từng gia đình để kịp thời tư vấn, hoà giải những mâu thuẫn, tranh chấp, căng thẳng… 

Điểm mới trong Luật lần này là xác định thay tầm quan trọng của thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống BLGĐ nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi ứng xử của mỗi tổ chức, cá nhân. Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình cùng như các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện Luật, trong đó có vận động xã hội hóa công tác này. Trong đó, trách nhiệm từ trung ương đến địa phương; từ các bộ, ban ngành đến các tổ chức xã hội, chính quyền sở tại. 

.Hiện nay còn một số vụ việc BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nạn nhân tử vong một cách thương tâm nhưng đến nay dường như chưa có một cấp lãnh đạo chính quyền ở địa phương, tổ chức chính trị, xã hội nào phải chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, xin ông cho biết nhận định của mình về thực trạng này? 

- Hiện nay ở một số địa phương còn để xảy ra các vụ việc BLGĐ gây hậu quả nghiêm trọng là do người đứng đầu ở địa phương đã chủ quan, đôi khi còn không làm tròn trách nhiệm của mình. Thực tế có rất nhiều vụ việc BLGĐ đã được báo chí và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thấu đáo, tuy nhiên ở đâu đó vẫn còn tồn tại việc người bị BLGĐ âm thầm bị hành hạ, tra tấn mà không được phát hiện và không có sự hỗ trợ từ bất cứ nguồn nào. Nguyên nhân để xảy ra những vụ việc BLGĐ chính là do sự thờ ơ của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng, tổ dân phố, tổ chức xã hội nơi người bị BLGĐ sinh sống. Để sự việc xảy ra như vậy, có trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu tại địa phương. Một số nơi chưa thực sự quan tâm tới việc xử lý vi phạm pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật về phòng, chống BLGĐ, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và địa phương xảy ra BLGĐ còn chưa đồng bộ, chưa thực sự đi vào chiều sâu… 

Luật hoá trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phòng, chống bạo lực gia đình - Anh 2

Nhiều hoạt động tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình được tổ chức rộng khắp ở nhiều địa phương 

Mặt khác đôi khi còn cho rằng hành vi BLGĐ là chuyện trong nhà “bát đũa còn còn có khi xô” huống gì mâu thuẫn vợ chồng chung sống cả đời nên còn có suy nghĩ xuê xoa, nghĩ rằng người gây BLGĐ và nạn nhân sẽ tự giải quyết với nhau. Có nơi đã đánh đồng giữa việc hoà giải với việc xử lý vi phạm dẫn tới các hành vi BLGĐ không được xử lý, mâu thuẫn gia đình và BLGĐ vẫn có nguy cơ tái diễn. Lẽ ra, chính quyền địa phương thấy có dấu hiệu thì phải áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa BLGĐ để không dẫn đến những vụ việc trầm trọng như trường hợp người vợ ở xã Kim Xuyên. Tôi cho rằng ngày 1.7 này khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 có hiệu lực thì các cấp chính quyền địa phương sẽ tích cực vào cuộc hơn bởi đã có những quy định rất cụ thể của những người đứng đầu trong xử lý các vụ việc về BLGĐ.

.Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ trong Luật mới? 

-Điều 19 của Chương III “Bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình”  của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình mới đã quy định rất rõ có 6 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ gồm: UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; cơ quan Công an, Đồn Biên phòng gần nơi xảy ra hành vi BLGĐ; cơ sở giáo dục nơi người bị BLGĐ là người học; Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư nơi xảy ra hành vi BLGĐ, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội cấp xã nơi xảy ra hành vi BLGĐ; Tổng đài điện thoại quốc gia về PCBLGĐ. 

Điều 20 của Luật quy định rất rõ Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm xử lý hoặc phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình hoặc nhận được báo cáo về hành vi bạo lực gia đình của tổ chức, cá nhân. Phân loại xác định hành vi BLGĐ ở cấp độ nào, đối tượng nào để kịp thời giao cho cơ quan nào xử lý. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ mà người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc hành vi BLGĐ đã hoặc có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị bạo lực thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công Công an xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Công an xã) xử lý. Trường hợp tin báo, tố giác về tội phạm thì việc tiếp nhận và xử lý tin báo, tố giác được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. 

Luật cũng đưa ra các chế tài rất rõ, đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; Trong Điều 24 của Luật quy định vai trò của từng cá nhân đứng đầu: “Khi được phân công giải quyết vụ việc, Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình để làm rõ thông tin, giải quyết vụ việc.Trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình không chấp hành yêu cầu thì Công an xã được sử dụng công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật để đưa người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã. 

Điều 25 của Luật cũng quy định cụ thể trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đề nghị với hành vi BLGĐ gây tổn hại hoặc đe doạ gây tổn hại đến sức khoẻ hoặc đe dọa tính mạng của người bị BLGĐ, Chủ tịch UBND Cấp xã xem xét, quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; trường hợp không ra quyết định thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho cơ quan, tổ chức, người đề nghị biết. Quyết định cấm tiếp xúc có hiệu lực ngay sau khi ký ban hành và được gửi cho người có hành vi bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố nơi cư trú của người bị bạo lực gia đình.... Điều 27 quy định: Khi nhận được quyết định cấm tiếp xúc quy định tại Điều 25 và Điều 26 của Luật này, Công an xã chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và tổ chức có liên quan ở cơ sở để giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc và phân công người giám sát việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc;  gười được phân công giám sát có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện quyết định cấm tiếp xúc. Khi phát hiện người có hành vi bạo lực gia đình vi phạm quyết định cấm tiếp xúc, người được phân công giám sát có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện nghiêm quyết định cấm tiếp xúc; trường hợp tiếp tục vi phạm thì báo cho Trưởng Công an xã xử lý theo quy định của pháp luật...

.Chúng ta đã có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình với những nội dung có thể bảo đảm cho nạn nhân bị BLGĐ và cả những điều kiện để giúp phòng ngừa các hành vi BLGĐ nhưng làm thế nào để luật đi vào đời sống và thấm vào nhận thức và hành động của mỗi con người?

- Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các bộ, ngành liên quan cần sớm có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, nhất là những điểm mới. Đã tới lúc cần xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành về phòng, chống BLGĐ trong việc thực thi văn bản pháp luật, không riêng chỉ ngành VHTTDL mà luật khi ban hành sẽ có sự phối hợp liên ngành như Bộ LĐ,TB&XH, Bộ Y tế…  

THUÝ HIỀN – QUỲNH HOA (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc