“Ra khỏi màn sương” để tìm hạnh phúc

VHO- Vừa qua tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Tọa đàm Ra khỏi màn sương, đã mang đến nhiều câu chuyện xúc động từ những chia sẻ của hai nhân vật đặc biệt: Mẹ con chị Châu Thị Say và Má Thị Di, những người đã “bước ra” từ bộ phim nổi tiếng Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn trẻ Lê Hà Diễm.

“Ra khỏi màn sương” để tìm hạnh phúc - Anh 1

Mẹ con chị Châu Thị Say và Má Thị Di tại tọa đàm “Ra khỏi màn sương”

 Từ hiện thực “bước lên” màn ảnh

Hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết, “kéo vợ”... đã gây ra nhiều tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, tư duy và cả hạnh phúc của những người phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Những giằng co, sự chuyển biến mạnh mẽ trong hành trình vượt qua “màn sương vô hình” để đi tìm hạnh phúc cho chính mình, vượt qua những rào cản của các hủ tục lạc hậu được tái hiện sinh động qua câu chuyện của Má Thị Di và mẹ em là chị Châu Thị Say. Những chia sẻ và lát cắt trong cuộc đời của hai mẹ con đến từ thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai, hai thế hệ, hai suy nghĩ với những giằng xé, tranh đấu nội tâm sâu sắc để đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai trước những rào cản vô hình đã hằn sâu trong tâm thức của cộng đồng người Mông bao đời nay. Hành trình đi tìm hạnh phúc với đầy đủ đắng cay mặn ngọt đã được hé lộ qua câu chuyện của họ.

Họ là hai nhân vật của bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn trẻ Lê Hà Diễm. Những thước phim đắt giá vì đã chọn được câu chuyện đắt, nhân vật đắt - những người phụ nữ vùng cao từ hiện thực bước vào màn ảnh. Nữ đạo diễn trẻ đã đem đến cho khán giả câu chuyện chân thực nhất của Di và tục “bắt vợ”. Trong phim, nhà trai bắt Di khi em chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Đây là thực trạng đã kéo dài nhiều thế hệ trong cộng đồng tại các khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số với cuộc sống còn vô vàn khó khăn.

Chị Say là đại diện cho người phụ nữ Mông đã và đang bị “nhấn chìm” trong những tập tục, hủ tục lâu đời. Chị thấu hiểu sự đau khổ của Di khi em bị ép lấy chồng sớm. Theo “lý của người Mông”, bố mẹ vẫn sẽ để cho nhà trai kéo Di đi một lúc, nhưng khi em phản kháng, không muốn đi thì bố mẹ sẽ ủng hộ Di. Chị Say xem tục “bắt vợ” là truyền thống của dân tộc mình, nhưng chị lại thương Di và không áp đặt lên con gái những việc mà em không muốn. Thật may, người chồng hiện tại của Má Thị Di lại là người em tự nguyện theo, không phải là hệ quả của hủ tục “bắt vợ”.

Trong cuộc sống hiện đại, với những tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường và cơn lốc Internet, tục “bắt vợ” dần có nhiều biến tướng. Phụ nữ và trẻ em vùng cao dễ dàng bị những chàng trai trẻ “lừa bán sang Trung Quốc” và bạo lực gia đình thường xuyên xảy ra. Với tư tưởng cấp tiến, Di mạnh mẽ khẳng định: “Thoát được hay không thì phải dựa vào chính mình”. Cũng vì lẽ đó, nhận thấy bản thân chưa sẵn sàng làm vợ, làm mẹ, Di đã quyết liệt phản kháng lại hủ tục lạc hậu để theo đuổi ước mơ được đi học của mình.

Niềm tin về tương lai tươi sáng

Giữ gìn, bảo tồn bản sắc dân tộc, những người phụ nữ Mông tự hào về truyền thống văn hoá riêng có. Nhưng ở góc độ nào đó, họ cũng bị bó hẹp cơ hội phát triển bản thân do nhiều yếu tố mang danh truyền thống tác động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, điều đáng mừng là họ đã có thêm nhiều cơ hội hơn trước. Má Thị Di chia sẻ: “Chỗ mình có nhiều người phụ nữ làm hướng dẫn viên du lịch hơn đàn ông”.

Hiện tại, Má Thị Di đang theo đuổi ngành dệt thổ cẩm. Di may trang phục truyền thống và làm du lịch tại quê nhà. Hơn nữa, sau bộ phim Những đứa trẻ trong sương, Di cũng có thêm nhiều cơ hội mới. Với các cô gái trẻ vùng cao, ước mơ của họ chính là phát triển và giữ gìn văn hóa dân tộc. Một trong những ước mơ đó là xây dựng homestay phục vụ du khách đến với địa phương họ.

Tọa đàm Ra khỏi màn sương được thực hiện trong khuôn khổ Dự án thành phần số 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc “Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Chia sẻ về chính sách bảo vệ quyền lợi và xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới của phụ nữ, trẻ em vùng cao, bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Đảng, Quốc hội và Chính phủ quan tâm và đặt ra những mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Chương trình có 10 dự án và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được giao dự án số 8: Công tác bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em”.

Bà Hạnh chia sẻ thêm, đó là những tác động để thay đổi nếp nghĩ, cách làm và định kiến giới, rào cản khuôn mẫu giới. Có những điểm chưa đúng cần thay đổi như trong vấn đề tảo hôn hay hôn nhân cận huyết. Những nội dung này không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại và ảnh hưởng đến sức khỏe, thể trạng phát triển, thậm chí là chất lượng dân số, những hệ lụy xã hội và nhiều vấn đề khác như đói nghèo, trẻ em không được học hành đầy đủ.

Với thông điệp Hãy tự tin thực hiện những ước mơ của mình, làm những gì mình thích và theo đuổi nó, cô gái dân tộc Mông Má Thị Di và chị Châu Thị Say đã truyền động lực mạnh mẽ tới các bạn trẻ vùng cao nói riêng và những người phụ nữ nói chung. Cách mà cô gái trẻ “vén màn sương” để thoát khỏi những tập tục lạc hậu, theo đuổi ước mơ đã mang đến niềm tin về một tương lai tươi sáng của những người phụ nữ và trẻ em đồng bào các dân tộc thiểu số. 

MY BÙI

Ý kiến bạn đọc