Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ Tư 12/12/2018 | 11:30 GMT+7

VHO-Sáng 12.12, Hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) do Bộ VHTTDL tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức quốc tế; các Bộ, ngành và địa phương, đặc biệt, có sự tham gia của những cá nhân điển hình trong PCBLGĐ ở cộng đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện  phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhận định: “Theo thống kê, tại Việt Nam, bạo lực gia đình đã làm tổn hại tinh thần, ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động, ước tính gây thiệt hại khoảng 1,77% GDP mỗi năm. Các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cũng cho thấy có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực gia đình. Đặc biệt, con số thống kê cũng cho thấy gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…”. Đánh giá về kết quả 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ trưởng cho biết Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, các địa phương nỗ lực triển khai, tổ chức thực hiện Luật; Xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về PCBLGĐ nhằm truyền thông nâng cao nhận thức, giáo dục chuyển đổi hành vi của người dân, các cơ quan, tổ chức, cộng đồng, xây dựng, tiến hành các giải pháp, hành động can thiệp, xử lý nhằm chấm dứt BLGĐ. Công tác PCBLGĐ đã nhận được sự ủng hộ, hợp tác, hỗ trợ và phối hợp tích cực của các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ trung ương tới cơ sở nên đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hiểu biết và nhận thức của người dân và toàn xã hội đã được nâng lên, hành vi BLGĐ được nhận diện và từng bước giải quyết theo quy định của pháp luật, xây dựng và phát triển các cơ sở hỗ trợ giải quyết BLGĐ ngay từ cộng đồng, huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCBLGĐ.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng trong thực tế, BLGĐ vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp và mức độ ngày càng nghiêm trọng, cho thấy vẫn còn những hạn chế bất cập và khó khăn trong quá trình triển khai, thi hành pháp luật về PCBLGĐ... “Nếu mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức có nhận thức đầy đủ về trách nhiệm và quyền lợi của mình trong việc thực thi nghiêm túc các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật về PCBLGĐ nói riêng sẽ góp phần xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, cộng đồng an toàn, lành mạnh và những gia đình thật sự đầm ấm, hạnh phúc, phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tại Hội  nghị

Thứ trưởng Bộ VHTTDL  Trịnh Thị Thủy đã trình bày tại Hội nghị Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thi hành Luật của Bộ VHTTDL, các đại biểu từ Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, các tổ chức quốc tế, đại diện nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đã có báo cáo tham luận. Hội nghị còn có tham luận của đại diện nhà khoa học, bác sỹ, luật sư trực tiếp thực hiện hỗ trợ cho các nạn nhân BLGĐ, người từng gây BLGĐ về sức khỏe và tư vấn pháp lý,nhằm thay đổi nhận thức về PCBLGĐ.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đọc Báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thi hành Luật của Bộ VHTTDL

Qua các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, sau 10 năm thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình, công tác PCBLGĐ đã đạt được những kết quả tích cực đặc biệt là công tác truyền thông và các hoạt động tại cộng đồng. Tổng hợp báo cáo của các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở trong 10 năm qua cho thấy, các cơ quan, tổ chức đã biên soạn và phân phối hàng triệu tờ rơi, tờ gấp; tranh cổ động, áp phích và tài liệu tuyên truyền liên quan tới xây dựng gia đình; Tổ chức hàng nghìn cuộc hội thảo, tập huấn về PCBLGĐ cho hàng trăm nghìn lượt người có liên quan thuộc các ban, ngành, đoàn thể từ trung ương đến cơ sở; thực hiện trợ giúp pháp lý; thăm khám và bố trí nơi tạm lánh cho nạn nhân BLGĐ. Ước tính, đến nay có trên 90% hộ gia đình có ít nhất 01 người được tiếp cận thông tin về PCBLGĐ qua các kênh thông tin khác nhau. Mô hình PCBLGĐ được thi điểm giai đoạn 2008-2010 tại 64 xã/phường/thị trấn thuộc 64 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Kết quả tổng kết sau 3 năm thí điểm cho thấy, số vụ BLGĐ giảm 77,8% so với trước khi triển khai Mô hình; Bộ VHTTDL đã chỉ đạo nhận rộng Mô hình trên phạm vi toàn quốc, thống kê tại 61/63 tỉnh thành phố có khoảng 74,85% xã/phường/thị trấn triển khai Mô hình PCBLGĐ. Các Mô hình hiện nay đang đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về PCBLGĐ cũng như thực hiện can thiệp, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ ngay tại cộng đồng.

Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam đọc tham luận tại Hội nghị

Nhiều đề xuất đã được đưa ra như: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chuyên đề hoặc các địa bàn là điểm nóng của bạo lực gia đình được nhân dân, xã hội quan tâm; sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật theo hướng quy định rõ một số khái niệm và gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, tăng mức xử phạt và hình thức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng phòng, chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng, nằm trong tổng thể xây dựng đời sống văn hoá, con người, là hành động cần thiết để bảo vệ quyền con người, đặc biệt bảo vệ quyền trẻ em, bình đẳng giới.

Việc lần đầu tiên Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2008) là một nỗ lực rất lớn để luật hoá, điều chỉnh các hành vi vốn được coi là chuyện bình thường, riêng tư trong mỗi gia đình. Quá trình thực hiện Luật đã góp phần thay đổi nhận thức, nhân rộng các điển hình tốt trong tất cả các khâu phòng ngừa, hỗ trợ, xử lý, can thiệp vào các hành vi, vụ việc bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, cần tập trung đánh giá những việc chưa làm được, chỉ ra những khâu còn yếu kém, phân tích sâu từng điều khoản để kiến nghị sửa đổi bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề trong thời gian chờ sửa luật, thì làm sao thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình hiện nay. Bởi công tác thống kê số vụ việc bạo lực gia đình của ngành toà án đã khác với ngành văn hóa, thể thao và du lịch, rồi số liệu từ hội phụ nữ, các đoàn thể cũng có khác biệt. “Không đánh giá được thực trạng làm sao có giải pháp đúng? Cái này chúng ta phải chấn chỉnh. Cùng với đó, phải tuyên truyền rất cụ thể những hành vi bị xử lý theo Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Chưa kể những khảo sát của các tổ chức quốc tế còn tính đến hàng chục phần trăm gia đình có bạo lực ở mức độ khác nhau chứ không chỉ là những vụ việc phải đưa ra xét xử, hoà giải”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, Luật đã quy định rất cụ thể trách nhiệm cùng như công tác phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức, đoàn thể xã hội nhưng thực tế vấn đề chưa được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, không có sự phối hợp để triển khai những nhiệm vụ, chương tình mang tính dài hạn. “Tinh thần là phải lấy tổ chức xã hội, đoàn thể chính trị làm nòng cốt để huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia chứ không chỉ có các bộ ngành, chính quyền địa phương”, Phó Thủ tướng gợi mở và đề nghị đối với những vụ việc, hành vi bạo lực gia định đã đến mức can thiệp thì phải xử lý nghiêm.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ VHTTDL  chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trao Bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy trao bằng khen của Bộ trưởng cho các cá nhân có thành tích xuất sắc

Tại Hội nghị, Bộ VHTTDL đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 80 tập thể và 142 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thi hành Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Báo Văn Hóa được trao bằng khen tập thể và bằng khen cho một cá nhân. 

THÚY HIỀN, ảnh: TRẦN HUẤN

Print

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top