Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Nghệ​​​​​​​ An: Loay hoay tìm giải pháp đuổi voi rừng phá bản

Thứ Tư 07/11/2018 | 09:51 GMT+7

VHO- Mới đây đàn voi rừng từ trong lõi Vườn quốc gia Pù Mát tiến gần nhà dân ở bản Bãi Đá, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, Nghệ An), giẫm gãy khoảng 600 cây tràm và bồ đề. Ban đêm, lo sợ voi xông vào nhà, nhiều người dân canh gác xua đuổi voi.

Đàn voi rừng ở vườn quốc gia Pù Mát trong một lần về phá ruộng mía của người dân

 Chưa hết hốt hoảng cảnh tượng voi tiến sát vào nhà mình, ông Võ Văn Chí, xóm Bãi Đá, xã Phúc Sơn cứ ngồi bần thần bên cánh cửa.

Voi hoành hành phá nhà dân

Một lúc sau ông mới kể: “Chiều tối ngày 3.11, bất ngờ tôi nghe có tiếng cây gãy lẫn tiếng thở của đàn voi từ rừng rống ngay gần nhà. Tôi liền dậy cầm đèn pin hoảng hốt khi thấy đàn voi rừng 5 con đang tiến đến nhà tôi. Đến đêm, mặc dù người dân đốt đuốc, chuẩn bị cồng chiêng để đuổi voi nhưng voi vẫn chưa đi xa nên người dân trong bản thay nhau canh gác voi quay trở lại. Đàn voi đã giẫm gãy một số cây tràm, cây bồ đề, vườn ngô. Chúng tôi mất bao nhiêu công sức, vốn liếng để trồng rừng. Nay đàn voi hoành hành đã gây thiệt hại lớn. Điều chúng tôi lo sợ là đàn voi rừng hung dữ có thể làm hại đến người dân”.

Theo ông Nguyễn Văn Châu, xóm Bãi Đá, xã Phúc Sơn cho biết, đây không phải lần đầu tiên voi rừng “viếng thăm” nơi này. Với người dân sống trong vùng đệm rừng quốc gia Pù Mát, gần như năm nào đàn voi cũng đến. Đàn voi rừng hung dữ này đã nhiều lần về làng và đã từng quật chết 2 người, làm 4 người bị thương. Lần này, chúng không tỏ ra hung dữ, nhưng lì lắm. Chúng tôi làm đuốc thắp sáng trưng, hàng chục người hò hét, gây tiếng động mạnh nhưng chúng vẫn không sợ. Cả xóm Bãi Đá luôn sống trong cảm giác lo sợ vì đàn voi có thể quay lại bất cứ lúc nào, ông Châu nói.

Cũng theo người dân, sau khi rời khỏi thôn Bãi Đá, đàn voi không quay lại rừng mà cứ đi lòng vòng ven rừng, giáp khu dân cư để tìm kiếm thức ăn. Trước đó, vào mùng 2 Tết năm 2017, đàn voi cũng kéo về bản Vều 1 kiếm ăn, giày nát hoa màu trong vườn và vào tận bếp của gia đình anh Nguyễn Văn T, hất tung bếp và đồ đạc. Năm 2011, đàn voi này mò vào lán trồng rừng ở bản Vều 1 quật chết 1 người. Vào năm 2013, chính đàn voi này đã quật, giày chết 1 người ở bản Vều.

 

 Tường hào không ngăn được bước chân voi xuống bản

Khó ngăn chặn

Tại các bản làng, voi thường xuyên “viếng thăm” đều được làm tường hào ngăn voi xây chạy dọc sườn núi. Dưới chân hào là một rãnh sâu khoảng 50 cm, được đổ bê tông, phía ngoài là bức tường xây bằng đá, cao khoảng 2,5 m. Tường hào này được xây dựng từ năm 2016, dài gần 5 km, kéo từ bản Vều 1 sang bản Vều 2 với kinh phí hơn 10 tỉ đồng do Ban Quản lý Vườn quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư. Mục tiêu là ngăn đàn voi rừng không xuống được khu vực dân cư. Tuy nhiên, theo người dân địa phương, tường hào không ngăn được đàn voi rừng. Hào ngăn ở đây thì đàn voi đi vòng qua các bản để xuống nhà dân.

Theo cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát, trước kia những cánh rừng xã Phúc Sơn bạt ngàn nứa và chuối, đây là loại thức ăn ưa thích của voi. Đến năm 2009, hàng nghìn hecta rừng ở vùng ven vườn quốc gia bị đốn hạ để công ty lâm nghiệp trồng cao su khiến voi phải lui vào rừng sâu, nguồn thức ăn bị hạn chế, môi trường sống bị xâm hại. Đầu năm 2011, khi một con đực đầu đàn ở rừng bị thợ săn bắn chết để lấy ngà thì kể từ đó tần suất đàn voi quay trở về bản quấy phá nhiều hơn. Hàng ngàn người dân trong vùng vẫn tiếp tục phải sống bất an.

Đàn voi xuất hiện ở xã Phúc Sơn ngày 3.11 sinh sống ở phía Đông Nam vườn quốc gia Pù Mát, chúng thường di chuyển từ xã Môn Sơn, huyện Con Cuông về các bản vùng sâu của xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, rồi xuống tận xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương để tìm kiếm thức ăn. Trước đó Vườn đã ghi nhận có 7 con voi gồm 3 con voi lớn và 4 con voi bán trưởng thành và nhỏ.

Trước thực trạng trên, chính quyền và các ngành chức năng đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn và xua đuổi đàn voi rừng, bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân, đồng thời kiên quyết không để đàn voi bị sát hại. Ông Trần Văn Thái, Trạm trưởng Trạm trung tâm thuộc rừng phòng hộ huyện Anh Sơn cho biết, Ban quản lý rừng phòng hộ tuyên truyền cho người dân giăng bóng điện, chuẩn bị cồng chiêng, đuốc để xua đuổi nếu đàn voi quay trở lại. Đồng thời khuyến cáo người dân không được tự ý tiếp cận đàn voi khi chúng không có ý định quay lại để tránh nguy hiểm. Hiện đàn voi đã bỏ vào rừng. “Về giải pháp giải quyết những xung đột giữa voi và người dân là bài toán rất khó. Vì trước đây vùng canh tác này là vùng ưa thích của voi. Để tránh tình trạng voi phá hoại mùa màng, một số giải pháp đã được đưa ra, trong đó có việc khuyến cáo người dân cần chuyển dịch cơ cấu cây trồng; không nên trồng những loại cây vốn là thức ăn ưa thích của voi như mía, ngô, chuối, sắn... Tuy nhiên, giải pháp này chưa thực hiện được bởi đối với người dân miền núi, những loại hoa màu này là nguồn sống của họ.

Là một trong ba vùng được ưu tiên bảo tồn và phát triển bền vững quần thể voi hoang dã, đến nay Nghệ An vẫn chưa tìm ra giải pháp để di chuyển voi. Vườn Quốc gia Pù Mát đã tính đến phương án sáp nhập con voi đơn lẻ vào những đàn đông con. Tuy nhiên, quãng đường để di chuyển phải mất hai ngày đường, qua rất nhiều sông suối, có thể nguy hiểm đến sự an toàn của voi. Mặc dù dự án bảo tồn voi được phê duyệt nhưng thực tế, do nguồn vốn rót về nhỏ giọt, nên đến nay chỉ có hạng mục xây hào ngăn voi được bố trí vốn nhưng vẫn trong tình trạng dở dang, người dân vẫn phải tiếp tục chung sống với sự viếng thăm không mời của voi.

Minh Châu

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top