Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Bảo tồn di sản qua con đường du lịch:  Đừng “đổ lỗi” cho du lịch khi di sản biến dạng

Thứ Sáu 30/11/2018 | 09:42 GMT+7

VHO- Ngày 29.11 tại Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam qua con đường du lịch”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu về văn hóa và du lịch.

 Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hội An Ảnh: NGỌC THÀNH

 “Kho báu” để thiết kế sản phẩm du lịch

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh: “Du lịch Việt Nam đã và đang đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; là kênh hữu hiệu để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, hơn bao giờ hết, ngành du lịch Việt Nam luôn ý thức rằng không thể chỉ khai thác, phát huy giá trị của nguồn tài nguyên văn hóa đặc sắc vốn có để phục vụ du lịch mà để phát triển một cách bền vững, việc bảo tồn di sản văn hóa cũng là một nhiệm vụ thường xuyên của ngành”.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia, nhà quản lý cùng trao đổi những quan điểm, kinh nghiệm, những cách tiếp cận thực tiễn trong quá trình triển khai nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam thông qua phát triển du lịch và phục vụ phát triển du lịch. Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như: Quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước đối với văn hóa và du lịch; định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của tiến trình hội nhập. Vấn đề bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển du lịch. Công tác quản lý hoạt động du lịch và tổ chức bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di sản văn hóa...

PGS.TS Bùi Thanh Thuỷ (Trưởng khoa Gia đình và Công tác xã hội, Đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định, Việt Nam đang sở hữu một “kho báu” để làm nền tảng thiết kế các sản phẩm du lịch mà nhiều quốc gia khác không có. Hệ thống di sản bao gồm các di tích lịch sử văn hóa, ẩm thực, lễ hội, trò chơi dân gian, hàng thủ công... là nguồn tài nguyên độc đáo, tạo nên hồn cốt của các sản phẩm du lịch, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch hiện nay.

TS Hà Văn Siêu (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch) nhận định, di sản văn hóa là một trong những điều kiện đặc trưng cho phát triển du lịch của một quốc gia, một vùng, một địa phương. Ngược lại, du lịch trở thành phương tiện để truyền tải, trình diễn các giá trị văn hóa của một địa phương, một dân tộc để khách du lịch khám phá, chiêm ngưỡng. Du lịch cũng là phương tiện để đánh thức và làm trỗi dậy các giá trị văn hóa dân tộc đang bị chìm lắng hoặc mai một dần theo thời gian, trước những biến cố lịch sử. Đó có thể là các công trình kiến trúc cổ, một tập quán sinh hoạt, làn điệu dân ca, món ăn dân tộc... Nhờ có du lịch mà các tài sản văn hóa đó được khôi phục, khai thác và tôn tạo, phục vụ cho nhu cầu được thẩm nhận những giá trị di sản đó. Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng lưu ý: “Nhưng cũng chính quá trình vận động du lịch ồ ạt, thiếu kiểm soát ở nhiều nơi đã và đang gieo rắc không ít những tác động tiêu cực tới các di sản văn hóa, trở thành hệ luỵ và phải trả giá đắt...”.

Để phát triển du lịch và bảo tồn di sản không xung đột

Với định hướng ưu tiên phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, đã có nhiều mô hình trở thành minh chứng cụ thể cho nỗ lực bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, xoá đói giảm nghèo thông qua phát triển du lịch như mô hình du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai), du lịch văn hóa ở Hội An (Quảng Nam)... Ở một số điểm du lịch văn hóa, hoạt động du lịch đã có những hỗ trợ tích cực về vật chất, đóng góp cho công tác bảo tồn. Điển hình như du lịch Hội An, ngoài nguồn kinh phí từ Nhà nước, nguồn thu từ bán vé tham quan phố cổ mỗi năm được trích 55% cho việc sửa chữa, trùng tu các di tích, nhà cổ. Có những ngôi nhà cổ được hỗ trợ tới 300 triệu đồng.

Ở góc nhìn này, PGS.TS Bùi Thanh Thuỷ cho rằng, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển du lịch hiện được nhìn thấy khá rõ ở các điểm di sản. Một mặt, du lịch là động lực cho sự phát triển kinh tế, là nguồn cung cấp tài chính bền vững cho di sản, mặt khác, du lịch lại có thể gây hại cho di sản khi số lượng du khách tăng lên. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa hai bên căng thẳng và khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần đến không ít nỗ lực từ hai phía. Nhiều trường hợp cho thấy việc khai thác các di sản quá mức cho du lịch sẽ dẫn đến di sản có thể bị huỷ hoại. Dưới ảnh hưởng của du lịch, nhiều di sản đã bị biến dạng, hoặc biến mất.

“Vấn đề này không nên đổ lỗi hoàn toàn cho du lịch. Điều cơ bản là làm sao để phát triển du lịch mà vẫn giữ được bản sắc và tính nguyên gốc của di sản , làm cho du lịch và di sản văn hóa không xung đột nhau mà bổ trợ lẫn nhau. Gánh nặng và thách thức này được đặt lên vai của các bên liên quan đến chu trình quản lý di sản văn hóa, nhằm đảm bảo đạt được sự cân bằng giữa việc bảo tồn và phát triển bền vững tại một điểm di sản...”, PGS.TS Bùi Thu Thuỷ nhấn mạnh.

Các đại biểu cho rằng Du lịch có trách nhiệm sẽ là con đường để đạt tới phát triển du lịch bền vững. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh chính sách hỗ trợ cho nguồn lực bảo vệ văn hóa, môi trường, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp du lịch, truyền thông. Đồng thời, du khách cũng cần nêu cao ý thức để “du lịch có trách nhiệm” như phản xạ tự có trong mỗi người nhằm phát huy các giá trị động lực, tạo sức lan toả của hoạt động du lịch, tăng cường đóng góp tích cực từ các hoạt động này cho sự nghiệp bảo tồn giá trị văn hóa thông qua con đường du lịch...

 PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top