Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đổi mới hoạt động thư viện trong thời kì mới: Như thế nào cho hợp thời?

Thứ Tư 05/12/2018 | 09:25 GMT+7

VHO-Hôm nay 5.12 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo “Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới” nhằm đánh giá thực trạng và kết quả hoạt động của ngành thư viện trong thời gian qua, xác định các yêu cầu, phương hướng đặt ra với các thư viện Việt Nam trong thời kỳ mới.

 Bạn đọc tại Thư viện ĐH Bách khoa Hà Nội Ảnh: VỤ THƯ VIỆN

Hội thảo dự kiến có sự tham dự và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện và đông đảo các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các thư viện công cộng, thư viện đa ngành, chuyên ngành, thư viện trong lực lượng vũ trang; thư viện đại học; thư viện trường học, cơ sở giáo dục ngành thư viện...

Làm rõ vai trò của thư viện trong cuộc sống hiện đại

Theo bà Vũ Dương Thuý Ngà (Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL), hội thảo sẽ thảo luận, làm rõ vai trò của thư viện trong cuộc sống hiện đại cũng như mô hình thư viện tương lai, phương thức quản lý, vận hành để đổi mới hoạt động, đáp ứng được sứ mệnh của thư viện trong thời kỳ mới. “Việt Nam đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ngày một rộng khắp, khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, nền kinh tế tri thức hình thành đã tạo ra cả thời cơ và thách thức. Trong đó, Thư viện cần phải có sự đổi mới để hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình...”, bà Vũ Dương Thuý Ngà nhấn mạnh.

Trước những yêu cầu đặt ra, trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản với các định hướng cơ bản cho các thư viện Việt Nam phát triển, từng bước hiện đại hóa, chuẩn hóa, đổi mới phương thức hoạt động. Đáng chú ý, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện phù hợp với xu thế phát triển, Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, định hướng cho hệ thống thư viện công cộng các cấp đổi mới trong hoạt động, cụ thể như: Đổi mới, đa dạng hóa các phương thức phục vụ, triển khai các dịch vụ mới, làm mới các dịch vụ truyền thống trong thư viện; cải cách thủ tục và hoạt động cấp thẻ thư viện; hướng dẫn các thư viện xây dựng quy chế hoạt động của thư viện, từng bước đổi mới hoạt động, tăng cường truyền thông vận động, nâng cao chất lượng phục vụ của thư viện đáp ứng nhu cầu của bạn đọc...

Bộ VHTTDL cũng đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thư viện Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong những năm qua, công tác xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực thư viện cũng đã được đẩy mạnh. Bộ VHTTDL đã giao cho Vụ Thư viện và Thư viện Quốc gia Việt Nam xây dựng 7 tiêu chuẩn, từng bước chuẩn hóa hoạt động thư viện ở Việt Nam.

Vượt khó để đổi mới

Mặc dù phải hoạt động trong bối cảnh nhiều khó khăn nhưng ngành thư viện vẫn luôn từng bước kiên trì, thúc đẩy việc cung cấp các dịch vụ thư viện đa dạng đến cộng đồng. Thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm mới các dịch vụ truyền thống; tăng cường tổ chức các dịch vụ mới trong thư viện. Bà Vũ Dương Thuý Ngà cho biết, việc ứng dụng CNTT đã được tăng cường ở mọi loại hình thư viện. Tổng số máy tính hiện có trong các thư viện công cộng khoảng trên 9.700 máy, bình quân 52 máy/thư viện tỉnh. Đây là bước tiến đột phá so với những năm trước. Cho đến nay, 100% thư viện cấp tỉnh, 80% thư viện đại học, viện nghiên cứu đã triển khai ứng dụng CNTT với các mức độ khác nhau, nhiều thư viện đã tin học hóa 60% - 80% hoạt động của thư viện. Một số mô hình mới đã được triển khai, thu hút đông đảo bạn đọc như Thư viện Tạ Quang Bửu, mỗi ngày thu hút được trên 5.000 lượt bạn đọc; Trung tâm Học liệu Đại học Cần Thơ, Thư viện Đại học Quốc gia Hà Nội thu hút trên 2 triệu lượt bạn đọc tại thư viện và qua các trang web của thư viện...

Nhiều con đường, cách thức đổi mới đa dạng đã được các địa phương triển khai. Đơn cử như tại tỉnh miền núi Lào Cai, xác định hiệu quả hoạt động của mô hình thư viện trường học thân thiện, địa phương đã rất quan tâm đến việc triển khai các hoạt động của các thư viện thân thiện nhằm phát triển văn hoá đọc và nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. 212/212 trường tiểu học của Lào Cai triển khai hiệu quả các mô hình thư viện thân thiện với trẻ em; 597/651 điểm trưởng lẻ có thư viện lưu động và thư viện xanh, đạt 91,7% và 100% các lớp của các trường tiểu học tổ chức hiệu quả các hoạt động thư viện góc lớp. Mô hình thư viện này đã trở thành cảm hứng, thu hút đông đảo học sinh đến với thư viện. Tại Thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội, phát triển các dịch vụ không giới hạn về không gian và thời gian là giải pháp trọng tâm được thực hiện nhằm tăng cường số lượng bạn đọc. Thư viện đã thiết lập hệ thống thông tin số gồm nhiều cơ sở dữ liệu; yêu cầu các nhà cung cấp đưa giải pháp giúp bạn đọc có thể truy cập các cơ sở dữ liệu từ bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào. Nhờ vậy, số lượng bạn đọc truy cập thông qua môi trường mạng ngày càng được cải thiện.

Cùng với những thành tựu, hoạt động thư viện ở Việt Nam đã và đang phải đối mặt với không ít thách thức. Mặc dù các thư viện đã có nhiều cố gắng song chưa đáp ứng được với nhu cầu của bạn đọc; trình độ phát triển thư viện Việt Nam so với các nước phát triển trong khu vực còn có khoảng cách khá xa. Việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và bổ sung phát triển vốn tài liệu, đặc biệt là đối với các thư viện cấp huyện, thư viện cơ sở; thư viện trường phổ thông và thư viện viện nghiên cứu còn hạn chế. Đáng chú ý, hệ thống thư viện công cộng các cấp còn có nhiều khó khăn, trong đó, 5 thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở riêng, phải ghép chung, ở tạm với các cơ quan khác. Một số thư viện ở vị trí đẹp đã bị chuyển hoặc có nguy cơ bị chuyển trụ sở sang mục đích sử dụng khác. Có thể kể đến các Thư viện cấp tỉnh như Lào Cai, Thừa Thiên Huế, Cao Bằng hay Thư viện cấp huyện như Sa Pa...

“Việc triển khai ứng dụng CNTT đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao. Vốn tài liệu điện tử, tài liệu số trong các thư viện còn hạn chế. Vẫn tồn tại sự chênh lệch về mức độ phát triển của các thư viện thành phố và nông thôn, miền xuôi và miền núi”, bà Ngà điểm thêm.

Thông qua Hội thảo, BTC sẽ thu thập, tổng hợp các dữ liệu, góp phần xây dựng định hướng phát triển ngành thư viện trong thời gian tới và hoàn thiện Dự thảo Luật Thư viện.

Cùng với hội thảo, BTC cũng tổ chức triển lãm, trưng bày một số sản phẩm của ngành thư viện. 

 HOÀNG NGÂN

 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top