Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Quê hương xứ Truồi tiếc thương vị tướng tài ba

Thứ Sáu 26/04/2019 | 10:32 GMT+7

VHO- Được tin nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời, người dân xứ Truồi (xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) tiếc thương vô hạn. Với họ, vị Đại tướng tài ba Lê Đức Anh là niềm tự hào của quê hương, là tấm gương để con cháu trong làng, xã luôn phấn đấu học tập, xây dựng quê hương phát triển từng ngày.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh với các cháu thiếu nhi ở Huế năm 2000 Ảnh: VĂN PHÒNG TỈNH ỦY THỪA THIÊN HUẾ

 Nhà Văn hóa – thư viện Đại tướng Lê Đức Anh được xây dựng trong khuôn viên rộng khoảng 4.000m2 và đưa vào hoạt động từ năm 2012. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều sách báo, hình ảnh, tư liệu về cuộc đời cách mạng của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Chỉnh trang Nhà Văn hóa - thư viện Đại tướng

Từ khi xây dựng Nhà văn hóa - thư viện này, người dân xã Lộc An rất vui mừng và tự hào khi có địa chỉ văn hóa dành cho khách tham quan và cũng là địa chỉ giáo dục cho những thế hệ trẻ trên địa bàn về lòng yêu nước.

Tuy nhiên, qua một thời gian hoạt động, một số hạng mục của Nhà Văn hóa - thư viện bị xuống cấp. Khi được tin nguyên Chủ tịch nước từ trần, người thân và nhân dân trong làng Bàn Môn của Đại tướng đã gấp rút chỉnh trang khuôn viên và các hạng mục của Nhà Văn hóa - thư viện mang tên ông. Theo ông Lê Trung Thành, cháu trong họ của Đại tướng Lê Đức Anh thì việc tu sửa, chỉnh trang được thực hiện cẩn thận và nhanh chóng để đón nhân dân đến viếng và dâng hương tưởng nhớ Đại tướng trong thời gian diễn ra tang lễ, cũng như sau này. Ông Lê Hữu Đức, người gọi Đại tướng bằng ông nội chú, kể rằng: Nhà Văn hóa - thư viện này ngày thường có rất nhiều học sinh đến tham quan và tìm đọc những sách báo, tư liệu viết về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Đức Anh. Bảy năm qua, đây là điểm đến của nhiều tầng lớp nhân dân nhớ về ông, là niềm tự hào của con cháu trong dòng họ và quê hương Bàn Môn.

Từ khi khánh thành, nhiều vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo cao cấp của đất nước cũng đã đến thăm Nhà Văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh và đã ghi lại những dòng cảm xúc vào sổ lưu niệm, như: nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc… “Đại tướng Lê Đức Anh - một cán bộ quân sự, chính trị và giàu nét văn hóa dân tộc đã có nhiều cống hiến xuất sắc cho cách mạng, cho dân tộc. Công lao to lớn của đồng chí, Quân đội, Nhân dân và Đảng ta mãi mãi trân trọng, học tập và phát huy”, bút tích của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong cuốn sổ lưu niệm ở Nhà Văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh vào tháng 4.2012.

 Nhà Văn hóa - thư viện Đại tướng Lê Đức Anh đang được chỉnh trang Ảnh: SƠN THÙY

Người con ưu tú của xứ Truồi

Tối 22.4, sau khi nghe thông tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh qua đời, người dân làng trên xóm dưới của quê hương Lộc An không khỏi xúc động, tiếc thương. Đôi vợ chồng già Trần Đình Hàng và Hồ Thị Tám, đã ngoài 80 tuổi, xúc động kể rằng: Từ khi đất nước được giải phóng, Đại tướng đã nhiều lần về thăm quê nhà và bà con hàng xóm. Đại tướng là người luôn gần gũi, dễ mến và hay chuyện trò, hỏi thăm về cuộc sống và công việc của người dân quê. Chúng tôi đã may mắn được trò chuyện với Đại tướng, và luôn xúc động khi nhớ về những kỷ niệm đó…

Vùng đất nằm ven sông Truồi không chỉ tự hào được đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, mà còn tự hào khi có một người con là vị tướng tài ba như Đại tướng Lê Đức Anh. Ông Nguyễn Bùi, Bí thư Đảng ủy xã Lộc An, cho biết: Sự động viên, khích lệ của Đại tướng, cùng với sự quan tâm của Đảng ủy và chính quyền các cấp, nhiều năm qua chính quyền và người dân Lộc An đã không ngừng nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu đẹp. Tháng 9.2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã công nhận xã Lộc An đạt chuẩn Nông thôn mới. Ông Nguyễn Bùi kể rằng: Trong một lần về thăm quê, Đại tướng Lê Đức Anh đã bất ngờ ghé thăm các cán bộ đang làm việc tại trụ sở UBND xã. Dù lúc đó sức khỏe của Đại tướng đã yếu, đi lại phải có người dìu đỡ, nhưng ông vẫn trò chuyện với cán bộ xã suốt 30 phút. Đại tướng đã dặn dò các cán bộ nhiều điều, trong đó phải nỗ lực trong công việc, phải gần dân và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân thì mới hiểu và giúp dân. Có như vậy thì nhân dân mới từng bước thoát nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng quê hương giàu đẹp.

“Mỗi lần về thăm quê, Đại tướng bao giờ cũng tổ chức bữa cơm với bà con và họ hàng rồi mới đi. Đại tướng rất thích ăn những “đặc sản” của quê nhà: dâu Truồi, thanh trà, tôm cá của đầm Cầu Hai (thuộc phá Tam Giang – P.V) và không quên nhắc chúng tôi nấu cho ông ấm chè Truồi để nhớ về vị quê và tuổi thơ”- ông Lê Chương, 70 tuổi, một người cháu của Đại tướng kể. 

 SƠN THÙY

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top