Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Người chiến sĩ trọn đời vẽ chân dung Bác Hồ

Thứ Hai 29/04/2019 | 08:30 GMT+7

VHO- Quả thật tìm đến nhà họa sĩ Võ Đồng Minh ở thị trấn huyện Tân Biên (Tây Ninh) không hề dễ chút nào. Ông như là một quá khứ ở mảnh đất này cho dù có thời ông làm tới phó Chánh văn phòng Huyện ủy. Như một thiền sư ẩn dật, nay đây mai đó, bởi họa sĩ phải thuê nhà để dạy vẽ và sáng tác.

Hoạ sĩ Võ Đồng Minh vẽ (chấm) chân dung Bác

Dò mãi, rồi tôi cũng tới một ngôi nhà mái tôn, lỗ chỗ những khoảng nắng rơi đầy hiên nhà. Lão họa sĩ ngồi bất động bên giá vẽ. Nói chuyện với tôi, những ký ức nóng bỏng của lão họa sĩ trở về như mới ngày nào vậy.

Ngày đầu hoạt động cách mạng, đang học dở Trường Mỹ thuật ở Sài Gòn, Võ Đồng Minh xếp bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông. Mới 15 tuổi (1957), Võ Đồng Minh trở về quê hương, trở thành chiến sĩ giải phóng. Nhưng không may đơn vị bị lộ, ông và nhiều chiến sĩ đã bị địch bắt. Trong tù ông vẫn là chiến sĩ liên lạc, tuyên truyền cách mạng qua những bức tranh biếm họa, hay những ca khúc cách mạng. Mãi tới hai năm sau (1959), họa sĩ mới được thả vì không có chứng cứ để giặc xét xử. Phong trào cách mạng miền Nam lúc này đang phát triển mạnh. Mặt trận Giải phóng dân tộc Việt Nam được thành lập. Họa sĩ lại hòa mình vào các hoạt động tại Tân Biên, cầm súng chiến đấu mỗi khi giặc Mỹ càn quét tới, bảo vệ cho chiến khu R (Trung ương Cục miền Nam-đóng tại Tây Ninh).

Thề nguyện trước lễ đài Bác

Đến năm 1964, Võ Đồng Minh được đơn vị cử vào chiến khu R, học vẽ theo trường lớp. Ông thuộc lớp họa sĩ được đào tạo lớp “Mỹ thuật giải phóng khóa I” năm đó. Học vẽ trong bom rơi đạn lửa. Chí trai bay bổng lãng mạn, nguyện dâng hiến cả cuộc đời mình cho cách mạng. Học xong, họa sĩ Võ Đồng Minh bắt đầu làm báo, in ấn tài liệu tuyên truyền cách mạng, trong dân chúng. Họa sĩ đưa cho tôi xem hàng trăm ký họa vào thời kỳ máu lửa và cam go nhất trên chiến trường Tây Ninh. Bộ ký họa và tranh của ông tập trung nhất trong hai năm (1966- 1967), thời kỳ giặc Mỹ huy động 45.000 quân, ngày đêm tấn công vào căn cứ địa chiến khu R. Trước mắt tôi là hình ảnh người chiến sĩ dũng cảm chiến đấu kiên cường bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh vì cách mạng...

Họa sĩ Võ Đồng Minh nổi tiếng trong giới hội họa vì đã dành cả cuộc đời còn lại để tập trung vẽ 79 chân dung Bác Hồ. Đây là một câu chuyện dài cách đây nửa thế kỷ. Vào năm 1969, ngày Bác Hồ mất, họa sĩ Võ Đồng Minh cùng họa sĩ Tam Bạch được phân công vẽ chân dung Bác Hồ để Ban chỉ huy tổ chức làm lễ truy điệu. Việc dựng lễ đài truy điệu Bác ở chiến khu R, giáp ranh biên giới Campuchia, cần phải bí mật. Một mặt giữ không cho giặc Mỹ và tay sai biết, ngoài ra còn phải đề phòng quân lính, thuộc chính quyền Lon-non cũng tìm cách phá hoại. Lễ truy điệu tại chiến khu R cần tiến hành đồng thời với đại lễ của nhân dân Thủ đô tại Ba Đình (5.9.1969). Vậy nên việc vẽ chân dung Bác Hồ quả là cấp thiết và khẩn trương. Họa sĩ Võ Đồng Minh nhớ lại, đó là những đêm kỳ lạ trong chiến khu. Hàng chục phác thảo chân dung mẫu đưa ra để lựa chọn. Cuối cùng bức chân dung của hai người được góp ý, chỉnh sửa cho chân thực nhất về hình ảnh Bác. Trong đêm đó, tâm trạng họa sĩ Võ Đồng Minh bồi hồi khó tả. Ông thề nguyện trước lễ đài truy điệu Bác, sau này sẽ dành trọn cuộc đời vẽ chân dung Người.

Bác Họa sĩ Võ Đồng Minh với tranh Bác Hồ

Nhưng rồi cuộc chiến đấu chống Mỹ ngày càng quyết liệt. Họa sĩ lại miệt mài vẽ trên chiến hào, sống chết cùng đồng đội, vượt qua bao gian khó. Hết mặt trận nọ đến mặt trận kia. Trong thời gian này, nhiều kýhọa chiến trường, hay tranh đả kích của Võ Đồng Minh liên tục được in trên các tờ báo lớn: Nhân dân, Quân đội nhân dân, Báo Giải phóng, Báo Tây Ninh… Đó là những tác phẩm nóng bỏng hiện thực thời đại. Phản ánh những diễn biến sôi động nhất về cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam, cho tới ngày toàn thắng (30.4.1975).

Chính vì thế, phải đến ngày thống nhất đất nước, họa sĩ Võ Đồng Minh mới tập trung vẽ chân dung Bác Hồ. Đáng nhẽ, bộ tranh 79 chân dung Bác Hồ của họa sĩ Võ Đồng Minh đã được trưng bày cách đây 3 năm. Nhưng sau mấy lần dọn nhà, lại mưa gió không có điều kiện bảo quản, nên đến một phần ba tranh bị hỏng. Đến nay, họa sĩ vẫn tiếp tục công việc của mình, vẽ bổ sung cho đủ 79 tác phẩm.

Tôi sực nghĩ vì sao ông lại vẽ lâu đến vậy. Đã hơn 40 năm mà vẫn cặm cụi vẽ cho đủ theo tâm nguyện. Ông lần lượt đưa cho tôi xem những tác phẩm của ông. Lúc này tôi mới hay, họa sĩ Võ Đồng Minh đã vẽ bằng một phương pháp hội họa khác biệt. Nói khác biệt ở đây là so sánh với những họa sĩ vẽ sơn dầu, bột mầu, sơn mài, hay lụa…, còn họa sĩ lại vẽ bằng bút bi. Hơn nữa, ông lại dùng bút bi chấm từng dấu chấm một để tạo hình, tạo nét và màu sắc. Lão họa sĩ lấy giấy chấm cụ thể cho tôi xem. Thay vì vẽ một đường cong trên mi mắt, ông lại chấm từng nốt liên tục, để tạo nên đường cong đó. Nghĩa là nếu vẽ luôn một đường cong, dài khoảng 3cm, chỉ cần một giây. Nhưng khi nhấn bút từng dấu chấm, nối tiếp cho ra đường cong, phải tới hàng chục giây mới xong.

Ông giải thích nôm na như vậy cho tôi để hiểu chút ít về cách vẽ bút bi. Sau đó, họa sĩ đưa ra một bức vẽ chân dung Bác, nói phải mất bốn tháng để hoàn thành. Mỗi năm chỉ vẽ được ba bức. Tôi ngạc nhiên, vậy để hoàn thành 79 bức, với khổ rộng (120cm x 150cm), sẽ phải mất hàng chục năm quả đúng.

Thấy tôi thắc mắc, vì sao lại không dùng bút lông, bay dao, hay bút sắt cho nhanh mà lại theo lối vẽ “khổ sai” như thế? Họa sĩ Võ Đồng Minh lýgiải, vẽ theo lối này, những dấu chấm được điều tiết tạo nên chiều sâu của không gian, hiệu quả hơn những phương pháp khác. Điều đặc biệt, ông chỉ dùng bút bi hãng Thiên Long với bốn mầu xanh, đỏ, tím, đen. Việc pha trộn những mầu bút bi chồng lên nhau, hay đan xen để phối mầu rất kỳ công. Cái khó lại thêm bội phần cực nhọc. Tôi vẫn ngỡ ngàng chưa thấu hiểu hết về bút pháp mà lão họa sĩ theo đuổi.

Những dấu chấm… bất chấp thời gian

Tính đến nay, họa sĩ đã bước sang tuổi 78 và thật không dễ hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Nhưng ông quả quyết sẽ hoàn thành ước nguyện vẽ đủ bộ 79 bức chân dung Bác trước khi rời cõi tạm. Lão họa sĩ nhìn quắc thước, thể hiện ýchí kiên cường như một chiến sĩ cầm bút, cầm súng ngày nào. Đúng lúc chúng tôi đang trò chuyện, một nhóm sinh viên đến học luyện thi vào đại học Kiến trúc và Mỹ thuật. Thêm một lần tôi ngạc nhiên khi thấy họa sĩ cầm bút chì vẽ thanh thoát, mạch lạc những đường nét theo mẫu tượng, trước mặt. Ông vẽ phác cho học trò hình dung. Nuột nà. Phóng khoáng.

Vậy là chỉ khi thực hiện công trình riêng, ông mới dùng bút bi chấm, từng dấu, từng nốt một cách trầm tĩnh, an nhiên. Có lẽ ông thiền trong khi vẽ. Chậm chạp đều đặn với nhịp đập của trái tim. Với ông, khi vẽ Bác Hồ, người nghệ sĩ sống đúng với tâm thế lắng đọng nhất. Nhịp thở đều đặn. Tâm hồn rung động. Đó là sựtrở về. Một quá khứ hào hùng của lịch sử dân tộc gắn với hình tượng Bác Hồ. Mỗi lần cầm bút vẽ, họa sĩ không còn nghĩ đến thời gian đang chậm chạp, mỗi ngày một xa. Những giọt mồ hôi đọng trên vầng trán. Khóe môi ông như đang mỉm cười. Ngắm họa sĩ chấm từng giọt tâm hồn mình, lòng tôi cũng như được hòa mình trong một không gian ấm áp và nhân hậu của đôi mắt Bác Hồ.

Một bầu trời xanh thẳm, với những ước vọng bay bổng, từ những dấu chấm bút bi, bất chấp thời gian. 

 VƯƠNG TÂM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top