Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nữ “quân tử cầm” hiếm thấy

Thứ Ba 30/04/2019 | 14:59 GMT+7

VHO- Công tác ở đoàn cải lương Cao Văn Lầu, trực thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu (Bạc Liêu) đã được 20 năm, là nhạc công nữ duy nhất trong dàn nhạc, bằng tiếng đờn kìm điêu luyện của mình, tài tử Đỗ Ngọc Cần đã chinh phục những người mộ điệu nhạc tài tử ở xứ sở là cái nôi của bản Dạ cổ hoài lang mấy mươi năm qua.

Nghệ nhân tài tử Đỗ Ngọc Cần

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Bạc Liêu trong một gia đình truyền thống có bốn đời theo nhạc tài tử, cải lương và hát bội, từ nhỏ, cô bé Đỗ Ngọc Cần đã được hấp thụ những tiếng đờn réo rắt ngọt lịm của người cha là nghệ nhân Đỗ Văn Trọng và các thế hệ ông, bà. Trong những lần cha dạy đờn cho hai người anh, thấy cô con gái lúc nào cũng lắng nghe say mê và biết bấm dây đờn kìm trúng nhịp, cha đã quyết định dạy đờn cho Ngọc Cần.

Nghe thông báo cuộc thi đờn tài tử khi đang gặt lúa

Năm đó cô lên 9 tuổi. Thế là từ đó nghiệp đờn đã làm nữ tài tử say đắm cho mãi tới ngày hôm nay, tiếng đờn ấy được cô rèn giũa mỗi ngày một thuần thục làm say đắm biết bao người yêu thích dòng nhạc cổ truyền của dân tộc. Nữ tài tử kể, chính thức được cha truyền nghề năm lên 9 tuổi, nhờ trí nhớ tốt và quá say mê cây đờn kìm mà chỉ một, hai năm sau đó cô đã biết đờn khá rành rọt để đi với cha đến các đám tiệc, nhóm nhạc chơi đờn. Nhờ kiên trì tập luyện cộng với sự sáng dạ nên chẳng bao lâu tiếng đờn của tài tử Ngọc Cần trở nên điêu luyện.

Cuộc sống rày đây mai đó cùng với cha và cây đờn kìm đi khắp nơi, khi thì làm thuê, lúc người ta gọi đờn cho đám tiệc, việc gì hai cha con cũng không nề hà… Trong một lần đi cắt lúa mướn với cha ở Ba Thê (An Giang), theo thói quen hai cha con vừa cắt lúa ngoài đồng vừa mở radio, thì nghe thông báo Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM có tổ chức cuộc thi Đờn ca tài tử. Với mong muốn cho con gái được thử sức ở một sân chơi lớn để học hỏi thêm kinh nghiệm, người cha không lưỡng lự bỏ hết công việc tất bật chạy về nhà vay tiền khăn gói dẫn con lên Sài Gòn dự thi. Năm đó là năm 1993, Ngọc Cần 16 tuổi.

“Khi đăng ký dự thi, ban tổ chức cho biết phải đờn được rành hết 20 bài bản tổ của nhạc tài tử theo quy định, trong khi nào giờ mình quen đờn theo cảm âm, lớp lang bài bản gần như mù tịt, chỉ đờn được điệu Phụng Hoàng”, nữ tài tử chia sẻ. Chị cho biết vậy và ngay trong ngày hôm đó, cha vội vã đưa con gái về Bạc Liêu để thọ giáo nghệ nhân Chung Văn On, cũng là bạn thân của ông, trước đó đã nhận Ngọc Cần làm con nuôi. Cô gái 16 tuổi đã làm người nghệ nhân già không khỏi ngạc nhiên khi chỉ trong một ngày đêm đã đờn nhuần nhuyễn 20 bài bản tổ. Ngay lập tức sáng ngày hôm sau cha con lại chạy đôn chạy đáo trở lại Sài Gòn.

Trong cuộc thi hội ngộ các tài danh từ khắp nơi, người con gái nhỏ nhắn với cây đờn kìm trong tay, khi trỗi lên đã làm lặng phắc người nghe. Cô biểu diễn xuất thần 20 bài bản tổ, mỗi bài đờn 1 lớp và đờn liên tục trong 45 phút đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo của cuộc thi đờn ca tài tử năm ấy. Ngọc Cần được trao giải đặc biệt dành cho thí sinh nhỏ tuổi nhất. Nữ tài tử nhớ lại, lúc ban tổ chức thông báo kết quả, hai cha con đợi mãi không thấy gọi tên vì họ đọc từ các giải thấp lên, đang buồn vì tưởng đâu rớt rồi thì được mời lên nhận giải đặc biệt, hai cha con vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Phần thưởng cho chị còn kèm theo một chiếc đờn kìm, chiếc “quân tử cầm” từ cuộc thi này đã theo tài tử Ngọc Cần đến ngày hôm nay, đó như một người bạn tri âm, tri kỷ, có mặt với cô trong khắp những ngày tháng thăng trầm cuộc sống.

Vừa đờn cải lương hay mà đờn tài tử rất chắc

Tài tử Ngọc Cần chia sẻ, giải thưởng đầu tiên năm đó đã khích lệ thêm niềm đam mê, sự tự tin và quyết tâm đeo đuổi đến cùng loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử của chị một cách chuyên nghiệp. “Khi đoàn cải lương Hương Tràm tuyển sinh diễn viên, chị dự tuyển và được nhận vô đóng diễn viên, cũng có diễn một số vai. Nhưng được một năm thì ông bầu hát phát hiện chị biết đờn, vì đi đâu cũng mang theo cây đờn, vậy là chị qua làm nhạc công luôn, không lên hát nữa”, Ngọc Cần kể cơ duyên mình đến với nghề nhạc công là như vậy.

Sau khi tỉnh Minh Hải chia tách thành tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, Ngọc Cần về Đoàn cải lương Cao Văn Lầu (Bạc Liêu), trở thành cây đàn chủ lực, linh hồn của ban nhạc. Từ đây, tài năng và ngón đàn điêu luyện của Ngọc Cần càng có cơ hội thăng hoa. Năm 2008, tại cuộc thi độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc do Bộ VHTTDL tổ chức ở Hà Nội, Ngọc Cần được đơn vị cử đi thi.

Chị kể: “Cũng như lần đi thi năm 16 tuổi, giữa những tài năng chuyên nghiệp được học hành trường lớp đàng hoàng, trong khi mình trong đồng trong quê không biết nốt nhạc hiện đại nào, nghe người ta đánh đàn mà chị muốn bỏ chạy về quê luôn… Lần này nhờ nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Huỳnh Khải (Trưởng khoa Âm nhạc Nhạc viện TP.HCM) dạy trong vòng một tuần lễ để biết nhạc hiện đại, nên khi ra thi chị đã đánh được 20 câu Dạ cổ hoài lang”. Lần đó chị là người duy nhất ở khu vực Tây Nam Bộ đoạt giải độc tấu hay nhất bản “Dạ cổ hoài lang” của soạn giả Cao Văn Lầu. Đó là hai lần thi thố trong cuộc đời đã để lại cho chị nhiều ấn tượng, vừa khó khăn nhưng đồng thời xen lẫn tự hào vì đã nỗ lực vượt qua chính mình, được cọ xát và trưởng thành hơn.

Khi nhắc tới Ngọc Cầm, nhiều soạn giả, tài tử đều dành cho chị sự trân trọng và ngưỡng mộ về tài năng lẫn sự yêu nghề. Trong giới, nhiều người còn gọi chị là “Ngọc kìm”, “tài nữ”…, bởi nữ tài tử lại nổi danh với “quân tử cầm” như Ngọc Cần thì không có mấy người. Tác giả, đạo diễn sân khấu Ngô Quốc Khánh, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Cao Văn Lầu, cho hay: “Ngọc Cần là một trong những nghệ nhân nữ hiếm của miền Tây Nam Bộ biết cầm cây đờn kìm. Vì bình thường đờn này chỉ có tài tử nam mới đờn. Cái hay trong ngón đờn của Ngọc Cần thể hiện ở độ nhấn, càng ngày càng chuẩn và điêu luyện. Đờn kìm tựa như đờn sến, nhưng đờn sến nhấn không tới thì nó không ra được, còn muốn nhấn tới thì đòi hỏi ngón đờn phải mạnh, điều này Ngọc Cần đã làm rất tốt…”. Một nhạc sĩ nhận xét, nghệ nhân Ngọc Cần rất yêu nghề, vượt qua khó khăn bám trụ với bộ môn nghệ thuật của dân tộc và cũng là nghề truyền thống của gia đình. Thông thường những nhạc công chỉ giỏi một trong hai môn, hoặc là cải lương, hoặc là tài tử, nhưng Ngọc Cần giỏi cả hai, ngồi ở dàn nhạc nào cũng đờn thuần thục, vừa đờn cải lương hay mà đờn tài tử rất chắc.

Tài tử Ngọc Cần cho hay, hiện tại, chị vừa tham gia biểu diễn trong đoàn, khi có được thời gian rảnh là tranh thủ dạy đờn cho mấy đứa cháu và những ai yêu mến đờn tài tử. “Ý nguyện tới tuổi về hưu là chị mở một lớp dạy Đờn ca tài tử để truyền nghề cho các em. Chị không được học đàn hát ở trường lớp chính quy, cho nên từ những kinh nghiệm và học truyền nghề từ các thầy, các nghệ nhân, chị dạy cho các thế hệ sau, với mong muốn giữ mãi bộ môn nghệ thuật Đờn ca tài tử của dân tộc mình”, chị tâm sự. 

 THÙY TRANG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top