Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đằng sau bức ảnh đoạt giải Ảnh báo chí thế giới

Thứ Hai 29/04/2019 | 15:11 GMT+7

VHO- Bức ảnh đầy ám ảnh “Em bé khóc trên biên giới” của nhiếp ảnh gia, nhà báo John Moore đã đoạt giải Ảnh báo chí thế giới 2019.

 Bức ảnh “Em bé khóc trên biên giới” đoạt giải Ảnh báo chí thế giới 2019 Ảnh: JOHN MOORE / GETTY IMAGES

Được các Hội đồng chấm giải Hà Lan đánh giá cao ngay từ những vòng đầu tiên, bức ảnh của John Moore, nhiếp ảnh gia kỳ cựu của Getty Images, người từng đoạt giải Pulitzer ghi lại cảnh một bé gái tị nạn 2 tuổi người Jamaica đang khóc thét vì sợ hãi, khi mẹ em bị cảnh sát bắt giữ tại biên giới Mỹ - Mexico vì vượt biên trái phép đã gây chấn động mạnh trong cả giới chuyên môn cũng như dư luận bởi sự trần trụi và ám ảnh, đặc biệt là khi chính sách biên giới “không khoan nhượng” của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy nhiều gia đình và trẻ em vào cảnh ly tán.

Sự khủng hoảng nhập cư

Đối với John Moore, chủ nhân của bức ảnh “Em bé khóc trên biên giới” là một tác phẩm nhằm khắc họa một bức tranh lớn hơn về cuộc khủng hoảng nhập cư tại Mỹ đang có chiều hướng trở nên phức tạp ở trong những năm trở lại đây. Kể từ năm 2008, dưới thời của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, John Moore đã cống hiến gần như cả sự nghiệp của mình chụp lại các hình ảnh phản ánh cuộc khủng hoảng nhập cư tại nước này. Di chuyển liên tục giữa nhiều quốc gia từ Mexico đến Trung Quốc và Mỹ, ghi lại hình ảnh về các nhà tù nhập cư, các hoạt động trục xuất, đột kích cũng như quá trình nhập tịch của cộng đồng những người tị nạn trên khắp lãnh thổ Hoa Kỳ. “Trong suốt những năm vừa qua, mục tiêu duy nhất của tôi chính là phản ánh các vấn đề về nhập cư và tình hình an ninh biên giới”, The New York Times trích lời của phóng viên ảnh kỳ cựu. “Thông thường, những điều này được đưa ra thảo luận dưới dạng báo cáo thống kê, đa phần là khá khô khan. Tôi luôn cố gắng đưa gương mặt của những con người thực tế vào chủ đề này. Chính vì vậy, việc ghi lại hình ảnh bé gái trên biên giới là một phần trong nỗ lực của tôi”.

Trong bức ảnh, bé gái người Jamaica đã đi thuyền cùng mẹ của mình và những người tị nạn khác vượt địa phận Rio Grande vào biên giới Mỹ và bị lực lượng biên phòng Mỹ tại tiểu bang Texas chặn lại. Theo lời của John Moore, người mẹ đã được yêu cầu đặt bé gái xuống trong quá trình khám xét. Cô bé 2 tuổi ngay lập tức bật khóc một cách vô vọng với ánh mắt hướng về mẹ. Bé gái và mẹ sau đó đã được đưa lên chiếc xe tải hướng thẳng đến một trung tâm cùng nhóm người nhập cư trái phép khác.

Hệ quả của chính sách biên giới “không khoan nhượng”

Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ cũng đã xác nhận, Yanela Sanchez – bé gái trong bức ảnh và mẹ của em hiện vẫn chưa bị ly tán. Tuy nhiên, sau khi được công bố rộng rãi trên các nền tảng truyền thông đại chúng, bức ảnh đã tạo nên một làn sóng phản ứng và tranh cãi gay gắt xoay quanh chính sách biên giới “không khoan nhượng” đối với người nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau khi được công bố, chính sách này đã khiến nhiều trẻ em bị ly tán khỏi cha mẹ hoặc người giám hộ của mình sau khi vượt biên từ Mexico sang Mỹ. Chính vì sức ảnh hưởng của dư luận, vào tháng 6 năm ngoái, Nhà Trắng đã ký một

 sắc lệnh, theo đó trẻ em sẽ được ở bên cha mẹ và người giám hộ của mình, dù các hành động cứng rắn chống người nhập cư trái phép vẫn được thi hành. Theo CNN, đây được coi là “một động thái vội vàng nhằm xoa dịu dư luận, tránh dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị gây ra nhiều hệ lụy liên quan, đặc biệt là khi có tới 2.300 trẻ em đã bị ly tán khỏi cha mẹ và người giám hộ của mình”.

Trả lời phỏng vấn của tờ Business Insider, John Moore cho biết, anh đã trải qua một cú sốc tâm lý lớn khi tiến hành chụp bức ảnh “Em bé khóc trên biên giới”. “Hầu hết các gia đình tị nạn đều sợ hãi”, Moore trả lời phỏng vấn của tờ Foto vào tháng 6 năm ngoái. “Tôi nghĩ rằng chưa ai trong số họ từng làm điều gì đó tương tự trước đây. Trốn khỏi quê hương của mình cùng con cái, di chuyển hàng ngàn cây số trong điều kiện nguy hiểm để xin tị nạn tại Mỹ. Nhiều người vẫn tiếp tục di chuyển dù đêm đã khuya hay điều kiện thời tiết xấu”. Moore cũng cho biết, nhiều sĩ quan trong lực lượng biên phòng đã cố ý xử lý nhẹ tay đối với những người tị nạn vì lòng trắc ẩn, tuy nhiên họ vẫn cho rằng Mỹ không có trách nhiệm phải trở thành nơi cư trú cho một lượng lớn dân cư Mexico.

Trong cùng thời điểm, nhiếp ảnh gia John Moore cũng chụp một tấm ảnh khác với nhân vật em bé Yanela Sanchez 2 tuổi. Bức ảnh này sau đó đã được sử dụng làm ảnh bìa của Tạp chí Times, số ra ngày 2.7.2018. Vấn đề khủng hoảng nhập cư và anh ninh biên giới cũng được nhiều nhiếp ảnh gia và phóng viên khác lựa chọn tại khuôn khổ giải Ảnh báo chí thế giới trong năm nay. Pieter Ten Hoopen, một nhiếp ảnh gia là thành viên của Agence Vu, đã tiến hành chùm ảnh phóng sự khai thác đề tài về một đoàn người di cư từ Trung Mỹ đến biên giới Hoa Kỳ. Câu chuyện đã đoạt giải nhất trong hạng mục Tin nhanh. Trong khi đó, Lorenzo Tugnoli, nhiếp ảnh gia cho tờ Washington Post đã lựa chọn cuộc khủng hoảng Yemen cho câu chuyện của mình. Đây đều là các tác phẩm được đánh giá cao tại giải thưởng năm nay. 

 Giải thưởng Ảnh báo chí thế giới 2019 có tất cả 78.801 bức ảnh từ 4.738 cá nhân. Trong các năm trước đó đã có các tranh cãi về số lượng nhiếp ảnh gia nữ tham gia và tỷ lệ đoạt giải. Nhiều người đã đứng ra chỉ trích rằng cơ cấu giải thưởng hiện vẫn chưa tạo đủ cơ hội cho các nhiếp ảnh gia nữ cạnh tranh công bằng. Năm nay số phụ nữ tham gia dự giải ở hạng mục Nhiếp ảnh tăng lên 19% so với con số 16% của năm 2018 và số lượng giải thưởng dành cho các nữ nhiếp ảnh gia cũng nhiều hơn. Trong số 43 người chiến thắng đến từ 25 quốc gia, có tới một phần ba là phụ nữ, lớn hơn nhiều so với con số 12% vào năm ngoái.

 

 MAI HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top