Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Cách nào để vượt qua những thách thức?

Thứ Sáu 03/05/2019 | 09:48 GMT+7

VHO- Kinh nghiệm phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo vừa được nhiều chuyên gia chia sẻ tại hội thảo “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam” cho thấy, tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam khá đa dạng, tuy nhiên để chuyển hóa và biến thành sức mạnh trong nền kinh tế quốc gia thì phải vượt qua nhiều thách thức. 

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ VHTTDL, Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh tổ chức. Tham gia có một số chủ nhân sáng lập và điều hành các không gian văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. 

Việt Nam đang có nhiều cơ hội… 

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh, Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Chính phủ ban hành năm 2016 là một nhiệm vụ then chốt, mang tính đột phá trong việc phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Theo bà Hoa, trong nhiều năm qua, các tổ chức quốc tế như Liên minh châu Âu, Đại sứ quán Anh, Hội đồng Anh, Viện Goethe... đã giúp đỡ các cơ quan, tổ chức Việt Nam tăng cường nhận thức, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và Dự án Không gian văn hóa sáng tạo Việt Nam do Liên minh châu Âu và Hội đồng Anh đồng tài trợ là những ví dụ cụ thể cho sự hợp tác hiệu quả này. “Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến nhất định, đặc biệt trong nhận thức của xã hội đối với vị trí và tầm quan trọng của các ngành công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo ở các đô thị, hay các hoạt động kết nối giữa những nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật và sáng tạo với khán giả trong lĩnh vực VHNT...”, bà Hoa nhấn mạnh 

Đề cập đến tầm quan trọng của văn hóa và sáng tạo, ngài Koen Duchateau, Trưởng Ban Hợp tác và Phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang sở hữu nhiều cơ hội để phát triển các không gian văn hóa và sáng tạo. Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đã và đang tận dụng sức mạnh mềm của văn hóa để tạo nên dấu ấn, trong đó công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo được sử dụng như một phương tiện hữu hiệu của sức mạnh mềm. “Làm thế nào để phát huy tối đa thế mạnh của “sức mạnh mềm”. Chúng ta cần phải nhận thức về tầm quan trọng đối với sự phát triển những sản phẩm văn hóa của chính mình thay vì chỉ tiêu thụ sản phẩm văn hóa của nước ngoài...”, ông Sơn nói. 
… nhưng vẫn còn nặng về tư duy bao cấp 

Ví dụ về bộ phim Công viên Kỷ Jura mang lại nguồn thu nhập khổng lồ, khiến Chính phủ Hàn Quốc quyết định cử hàng trăm người ra nước ngoài học về công nghiệp văn hóa và từ đó tạo nên những làn sóng Hàn Quốc mạnh mẽ như ngày hôm nay, ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, công nghiệp văn hóa sẽ tạo nên những đột phá mới cho mỗi quốc gia, tạo nên sức mạnh từ chính những tiềm năng văn hóa của mình. Tuy nhiên, nhìn nhận về cơ hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ông Sơn cũng thẳng thắn, tư duy quản lý và hoạt động ở một số lĩnh vực VHNT tại Việt Nam còn nặng về bao cấp, máy móc theo kiểu “mở cửa lúc 8 giờ sáng, đóng cửa lúc 5 giờ chiều” mà không cần biết rằng ai đến bảo tàng của mình, xem phim hay mua vé tác phẩm nghệ thuật của mình... Điều đó không phù hợp với tư duy của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn lưu ý, cần phải có sự thay đổi để chuyên nghiệp hơn, để các ngành điện ảnh, âm nhạc, quảng cáo... sẽ thực sự khẳng định được tầm quan trọng, mang lại nguồn thu nhập cho nền kinh tế. 

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, TS Tom Fleming đến từ Tom Fleming Creative Consultancy, Vương quốc Anh cho rằng, mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng nhưng vấn đề của Việt Nam hiện nay là phải đưa chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa vào thực tiễn. Trong đó, các không gian văn hóa, sáng tạo được xem là tâm điểm trong sự phát triển. TS Tom Fleming cũng lưu ý, cần phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân trong sự phát triển chuyên nghiệp của công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. 

Nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định, thời gian qua đã có nhiều không gian văn hóa và sáng tạo ra đời tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, qua đó kết nối các nghệ sĩ, người thực hành nghệ thuật và sáng tạo với công chúng. Thế nhưng hầu hết những không gian văn hóa sáng tạo đều đang hoạt động trong tư thế độc lập mà không có nhiều sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ các Bộ, ngành, cơ quan quản lý. Giám đốc điều hành Hanoi Grapevine Trương Uyên Ly chia sẻ, nhiều lúc khó khăn khiến cho những người tham gia hoạt động tại không gian sáng tạo này chùn bước, nhưng cuối cùng niềm đam mê đã trở thành động lực thôi thúc họ tiến lên phía trước. Đó là tâm thế không hiếm gặp ở nhiều không gian văn hóa và sáng tạo tại Việt Nam. 

Trước bối cảnh đó, đại diện các không gian văn hóa và sáng tạo mong muốn Nhà nước có cơ chế, chính sách đủ độ mở để những không gian này hoạt động và phát triển. Truyền lửa cho các không gian văn hóa sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa... là những ý kiến được nhiều người bày tỏ tại hội thảo. 

PHƯƠNG NGÂN 

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top