Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Nghệ sĩ múa đang dần thành những con “thiêu thân”?

Thứ Hai 06/05/2019 | 10:02 GMT+7

VHO- Nhiều ý kiến cho rằng, nghệ thuật múa đang chịu sự chi phối, dẫn dắt của những bầu show, vì vậy các nghệ sĩ đang dần biến thành những con “thiêu thân” chạy theo đơn đặt hàng, theo mục đích và kinh tế...

Phải thừa nhận rằng, trong nhiều năm trở lại đây, các nghệ sĩ - biên đạo múa có thể mặc sức sáng tạo mà không bị gò ép, đóng khung trong một khuôn mẫu, phép tắc nào. Họ có thể sử dụng đa dạng các hình thức ngôn ngữ múa như múa hiện đại, đương đại, hay múa cổ điển châu Âu, châu Á, múa cổ điển VN hoặc có thể phối, kết hợp kỹ xảo công nghệ với bất kỳ tác nhân hỗ trợ nào từ âm thanh, ánh sáng, âm nhạc, đạo cụ đến mỹ thuật, điêu khắc… để tạo hiệu quả trong sáng tạo tác phẩm.

 

 Những tiết mục múa ấn tượng tại Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018 (Ảnh minh họa) Ảnh: NGUYỄN GIÁP

Nghệ thuật múa đến… mỏi tay

NSND Ứng Duy Thịnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa VN cho biết, nếu như trước đây, múa thường tập trung vào các chủ đề, nội dung nhằm tôn vinh, ca ngợi về quê hương, đất nước, tạo không khí, tinh thần cho một sự kiện văn hóa, chính trị nào đó… thì hiện nay, đề tài, nội dung được phản ánh trong các tác phẩm múa đã đa dạng hơn rất nhiều. Có thể thấy, chưa bao giờ nghệ thuật múa phủ sóng rộng khắp như hiện nay, từ nghệ thuật múa với các tổ chức, đơn vị chuyên nghiệp đến các nhóm vũ đoàn; các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề múa tự do, phong trào nghệ thuật múa đại chúng từ thành thị đến nông thôn, các trường đại học, trung học, mẫu giáo. Tác phẩm múa trở thành thương phẩm, các tác giả biên đạo ở các cấp độ hoàn cảnh khác nhau đều hết sức cố gắng tìm tòi, phát hiện những hình thức thể loại múa mới để phục vụ cho “thượng đế”.

Cũng bởi sự tự do trong sáng tạo và sự phủ sóng rộng khắp của nghệ thuật múa mà một năm có tới hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm múa mới được các biên đạo trên cả nước cho ra đời. Múa xuất hiện ở hầu khắp các sự kiện văn hóa, chính trị và kinh tế của đất nước. Chưa kể đến các tác phẩm múa được sáng tác trong các dịp liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân, liên hoan múa quốc tế, khu vực… thì còn biết bao các tác phẩm múa được sáng tác tại các hội diễn nghệ thuật không chuyên, rồi hội thi, hội diễn các ngành, nghề, các lĩnh vực kinh tế…

Thị trường đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nghệ sĩ múa thỏa sức sáng tạo và hoạt động nghệ thuật. Nhưng lâu nay, hầu như rất hiếm tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao, đáng nhớ, đọng lại dấu ấn trong lòng công chúng. Bởi bản chất của thị trường là mua - bán, là giao thương hàng hóa trong đó lợi ích và nguồn lợi kinh tế là mục đích tối cao của chủ thể chi phối, mà thực trạng hiện nay nghệ thuật múa cũng đã trở thành một sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chịu sự chi phối, dẫn dắt của các ông chủ, các bầu show. Còn các nghệ sĩ đang dần biến thành những con “thiêu thân” chạy theo đơn đặt hàng, theo mục đích và nguồn lợi kinh tế của chủ sở hữu.

Làm nhanh để bán cho nhanh nên…

Theo NSND Ứng Duy Thịnh, vì ăn xổi, cần có ngay các sáng tạo để biểu diễn khi nhận được đơn đặt hàng gấp nên nhiều biên đạo đã “sao chép” các sáng tạo nghệ thuật múa của nước ngoài để biến nó thành tác phẩm của mình. Tất nhiên, sự “sao chép” này không đến mức 100%. Nhưng gần như là nguyên bản không phải là không có. Ngoài ra, có khá nhiều hiện tượng, nhiều trường hợp bằng cách này hay cách khác, mức độ “lộ liễu” khác nhau đã đưa những sáng tạo của người khác vào tác phẩm của mình.

Do “làm nhanh”, “bán nhanh” để đáp ứng đối tượng đặt hàng cho nên hầu như tính sâu sắc của những ý đồ nghệ thuật hay kịch bản dàn dựng trong các vở múa chỉ mang yếu tố nhất thời, thiếu chiều sâu của một tác phẩm chuyên nghiệp. Hầu như các tác giả chủ yếu quan tâm đến hình thức tác phẩm, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của khách hàng, những yêu cầu của quảng cáo, giải trí. “Những hình ảnh quen thuộc và các hình tượng nghệ thuật không tạo ra được những cảm xúc mới lạ, mang ý nghĩa nghệ thuật, ý nghĩa nhân văn. Nhìn chung hiện nay các tác giả khá bất ổn về định hướng sáng tác. Triết lý bên doanh nghiệp “khách hàng là thượng đế” thực tế đang trở thành triết lý trong các sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp”, NSND Ứng Duy Thịnh nhấn mạnh

Còn theo ThS Thanh Hoa (Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam), thực tế hiện nay nếu nghệ sĩ cộng tác, bắt tay với những ông chủ có văn hóa, đặt yếu tố chất lượng nghệ thuật song hành với nguồn lợi kinh tế thì coi như nghệ sĩ múa đó gặp may. Bằng không nếu gặp phải những ông chủ chỉ chăm chăm lợi ích kinh tế mà không đoái hoài đến yếu tố văn hóa, không quan tâm đến chất lượng, thẩm mĩ nghệ thuật… thì khi đó các nghệ sĩ múa chẳng khác gì những người sống dựa, sống phí trên mảnh đất thị trường tưởng như rộng lớn và màu mỡ này. Như vậy là các nghệ sĩ múa phải biểu diễn, sáng tạo theo sự dẫn dắt, định hướng của những người bỏ tiền ra thuê họ, và đồng nghĩa với việc những người nghệ sĩ mất đi quyền tự chủ và tự do sáng tạo…

Nếu cứ như vậy, theo ThS Thanh Hoa, dần dần các nghệ sĩ múa lại trở thành những công cụ thụ động theo sự chi phối của người khác, và vô hình trung làm thui chột khả năng kháng cự, bào mòn ý chí tiến thủ và tư duy sáng tạo của người nghệ sĩ. 

 Nhìn chung hiện nay các tác giả khá bất ổn về định hướng sáng tác. Triết lý bên doanh nghiệp “khách hàng là thượng đế” thực tế đang trở thành triết lý trong các sáng tác nghệ thuật chuyên nghiệp.

(NSND ỨNG DUY THỊNH)

 

 HIẾU NGUYỄN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top