Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tạo điều kiện cấp phép thêm các hãng hàng không mới

Thứ Hai 06/05/2019 | 10:36 GMT+7

VHO- Hạ tầng hàng không quá tải, không theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch những năm gần đây là một trong 4 nhóm vấn đề được cho là khó khăn lớn, cản trở sự phát triển của ngành Du lịch mà khối doanh nghiệp tư nhân kiến nghị Chính phủ cần phải cải thiện ngay.

Nhiều sân bay rơi vào tình trạng quá tải

“Tính đến tháng 3.2019, nước ta đang có 22 cảng hàng không trong đó có 9 cảng quốc tế. Giai đoạn từ năm 2014-2018, cùng Trung Quốc, Ấn Độ, hàng không Việt Nam được xếp trong top phát triển nhanh nhất thế giới”, ông Đinh Việt Phương, Phó tổng giám đốc Vietjet Air cho biết. Thành quả này có được nhờ chính sách mở cửa và sự tham gia của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống hạ tầng hàng không đang thiếu hụt, gây cản trở đến sự phát triển của kinh tế và du lịch. Nhiều sân bay đang quá tải khi vượt qua công suất thiết kế.

Quá tải gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch

Trong khi đó, chuyên gia hàng không và du lịch Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch TAB bày tỏ sự lo lắng khi sân bay Long Thành (Đồng Nai) đã được Quốc hội thông qua 3 năm rồi nhưng đến nay vẫn chậm trễ. Còn sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), Nội Bài (Hà Nội), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) quá tải đến mức ngột ngạt.

Thừa nhận hạ tầng hàng không đang có nhiều hạn chế, Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) Đinh Việt Thắng cho biết ngành giao thông đang cải thiện hạ tầng cơ sở, vừa phải đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững và an toàn. “Về chính sách cho tư nhân phát triển hàng không, thực tế trong thời gian qua, tư nhân đã được tạo điều kiện tham gia, nhưng nếu cứ làm tự do, nền kinh tế nhà nước sẽ rơi vào khủng hoảng”, ông Thắng nói.

Hiện nay, cơ chế quản lý đầu tư ở Việt Nam được ông Đinh Việt Thắng đánh giá là rất phức tạp. Đơn cử như sân bay Long Thành từng được kỳ vọng mang tầm cỡ trung tâm trung chuyển khách trong khu vực nhưng đến nay trọng tâm dường như đã bị sai vì không có hạ tầng kết nối với sân bay này. “Sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỉ đô la để hoàn thiện mà cần thêm 5 tỉ đô la nữa cho các công trình xung quanh. Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo. Chúng tôi đã khẳng định sẽ quy hoạch lại sân bay Long Thành với công suất khoảng 80 triệu khách/năm”, ông Thắng cho biết. Với cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, công suất sẽ được nâng lên 30 triệu khách/năm.

Trước những vướng mắc và sức ép về sự quá tải ở các sân bay, gây cản trở, khó khăn cho việc đón khách, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch trong nước, tại Diễn đàn kinh tế tư nhân 2019, khối doanh nghiệp tư nhân đã đề nghị Chính phủ tạo điều kiện cấp phép thêm các hãng hàng không mới, đi cùng với đó là triệt để cải cách sự trùng lặp về quy trình thủ tục. Đồng thời, cần mở rộng mô hình sân bay Vân Đồn.

Tạo điều kiện để tư nhân đầu tư vào hạ tầng hàng không

Theo thống kê quốc tế, cứ 1% tăng trưởng của ngành Hàng không tương ứng với tăng 0,4- 0,5% GDP. Ở Việt Nam, trong những năm gần đây ngành hàng không đều tăng trưởng bình quân 14- 15%, tương ứng với mức tăng GDP 6,8- 7%/năm.

Vietjet Air là hãng hàng không tiên phong, dù mới tham gia vào thị trường hàng không chưa lâu nhưng đã nắm giữ thị phần lớn nhất trong số những hãng hàng không tư nhân, làm thay đổi cục diện của ngành hàng không Việt Nam, “chia lại bầu trời”, tạo nên làn gió mới trong ngành trong những năm gần đây và quan trọng nhất là đã phổ thông hóa được loại hình vận chuyển cao cấp nhất, làm cho hàng triệu người nông dân có thể đi máy bay thay vì ô tô, tàu hỏa. Năm 2018, Vietjet vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trên tổng số 49,3 triệu khách của toàn ngành Hàng không. Hãng này đã thực hiện 118.923 chuyến bay an toàn với 66 đường bay quốc tế tới các nước vàvùng lãnh thổNhật Bản, Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia… với những chuyến bay được cộng đồng hàng không quốc tế đánh giá chất lượng cao. Tổng doanh thu đạt 52.135 tỉ đồng, công ty tiếp tục nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất của cả nước với số tiền thuế, phí thu nộp ngân sách lên tới 6.193 tỉ đồng. Trong khi đó, công ty vay nợ rất ít, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ có 0,39 lần.

Vietjet cũng mở đầu những chuyến bay đến các sân bay, nhà ga quốc tế mới tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, góp phần cho những địa danh này trở thành điểm đến du lịch quốc tế sôi động. Đồng thời, “đánh thức” hàng chục sân bay, góp phần phát triển kinh tế địa phương như: Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Chu Lai (Quảng Nam), Đồng Hới (Quảng Bình), Tuy Hòa (Phú Yên), Phù Cát (Bình Định), Pleiku (Gia Lai), Cần Thơ, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)…

Để thực sự trở thành một quốc gia kiến tạo, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, bà Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietjet Air kiến nghị: “Chính phủ, Bộ GTVT ưu tiên tập trung xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng sân bay, nhà ga, tạo điều kiện cho các tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực được tham gia, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng sân bay”. Lãnh đạo hãng này cũng nói rõ, doanh nghiệp tư nhân đầu tư, có nhiều dự án không đặt mục tiêu hiệu quả kinh tế. Ví dụ như đề xuất dự án nâng cấp sân bay Điện Biên, Vietjet Air tính phải 60- 70 năm mới hoàn vốn nhưng đây là dự án có ý nghĩa lịch sử, ở một địa danh gắn với chiến thắng “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam. Vì thế, cần phải đầu tư biến nơi này thành điểm đến quốc tế, mang tính lịch sử và thành một vùng kinh tế phát triển văn minh.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng GTVT cho biết: “Chính phủ đã có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để nâng cấp hạ tầng giao thông vận tải, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Bởi vì, giao thông là mạch máu của ngành kinh tế, hạ tầng giao thông phát triển đến đâu, kinh tế tăng trưởng đến đó. Tuy nhiên, việc đầu tư vào giao thông khá tốn kém, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần, trong đó sự góp mặt của khu vực tư nhân được đánh giá là nhân tố quan trọng”. 

 THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top