Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hoan ca nơi đầu sóng

Thứ Hai 06/05/2019 | 14:00 GMT+7

VHO-Đã từng được tham gia những hội diễn ca múa nhạc không chuyên với hàng nghìn khán giả, từng cầm micro ở Nhà hát Lớn Hà Nội, rạp hát Hồng Hà nhưng chưa bao giờ tôi có được những giây phút hạnh phúc, tràn đầy cảm xúc và ấn tượng khó quên như khi hát với các chiến sỹ hải quân, trước các khán giả đặc biệt là quân và dân trên huyện đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc trong những ngày đang kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (7.5.1955- 7.5.2019).

Tình cảm nồng ấm giữa cán bộ chiến sỹ hải quân trên quần đảo Trường Sa với đoàn công tác

Giữa những tiếng gầm gào của con sóng lớn, gió thổi vù vù, loa thì tiếng được tiếng mất, lời thì lúc nhớ lúc quên nhưng mỗi lời ca cất lên đều chứa chan niềm tin yêu, rút ra từ gan ruột, chân thành và đam mê từ đáy tâm hồn.

Cho đến khi họp đoàn công tác trước khi lên tàu 571 đi “Thay, thu quân và chúc tết quân và dân trên quần đảo Trường Sa năm 2019” tôi mới biết, đoàn công tác lần này không có văn công, chỉ có bộ đội hải quân, đại diện Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, các nhà báo trên toàn quốc và chỉ có 7 nhà báo nữ. Cũng từ đó, trong suốt chuyến công tác, chúng tôi là những giọng nữ chính của những chương trình giao lưu văn nghệ.

Cả chuyến công tác, chúng tôi được đi 6 đảo thì có tới 4 đảo: Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây có đủ điều kiện vật chất và tổ chức giao lưu văn nghệ giữa đoàn công tác và quân và dân trên đảo.

 

Giao lưu văn nghệ giữa các thành viên đoàn công tác với chiến sĩ đảo Sinh Tồn Đông

Ở Sinh Tồn Đông, đảo đầu tiên trong chuyến công tác của chúng tôi. Khó khăn lắm đoàn mới qua được bãi cạn san hô để vào đảo. Và dù không có nhiều thời gian nhưng chúng tôi trong màu áo cờ đỏ sao vàng và màu áo trắng của bộ đội hải quân vẫn hát vang những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, tổ quốc. Ở đó, chúng tôi đã rơi nước mắt khi nghe những người lính trẻ khoác vai nhau hát bài: Nơi ấy là Trường Sa. Những người lính áo trắng vui tươi, lạc quan và đầy tình yêu thương nơi hải đảo xa xôi như hát hộ lòng chúng tôi: “Phía xa xa chân trời nghìn trùng sóng gió/ Có những con người thay chúng ta đang vượt qua ngọn sóng/ Vươn tới chân trời/ Giữ lấy nơi biên cương chưa bình yên của mọi người/ Ngoài kia không có ngọc lan, không tiếng chim hót ngày nắng hồng, không hẹn hò và không đón đưa/ Những trưa chiều về không tiếng hát/ Chỉ có gió sương trên cánh tay những người tuổi trẻ, đang kề bên nhau, vì non sông mãi yên bình...

Những lời ca, tiếng hát đã gắn kết thành viên đoàn công tác và chiến sỹ trên đảo

Buổi tối giao lưu ca nhạc ở hội trường đảo Nam Yết có lẽ làm các chiến sỹ trên đảo và thành viên đoàn công tác nhớ nhất. Vì trước đó ít giờ, khi đoàn công tác đang triển khai nhiệm vụ trên đảo, toàn đảo báo động phòng không cấp 1. Nhiều thành viên đoàn công tác đi Trường Sa lần đầu, chưa quen với những tình huống khẩn cấp ấy. Thế nên ít người ngờ được, chỉ sau vài tiếng đồng hồ, các chị em phụ nữ trong đoàn công tác lại có thể tha thướt trong tà áo dài truyền thống, gửi đến các chiến sỹ hải quân đang công tác trên đảo Nam Yết chút hơi ấm đất liền qua những bài hát gợi nhớ quê nhà và những bài vô cùng gần gũi với các anh, những người lính Trường Sa: Quê hương (nhạc Giáp Văn Thạch, thơ Đỗ Trung Quân), Gần lắm Trường Sa (Huỳnh Phước Long), Bâng khuâng Trường Sa (nhạc Lê Đức Hùng, thơ Nguyễn Thế Kỷ)...

Giao lưu văn nghệ trên đảo Nam Yết

Trung tá Đào Văn Kha, Chỉ huy trưởng đảo Nam Yết xúc động nói với chúng tôi: “Cảm ơn các chị em đã mang tình yêu thương, hơi ấm của quê nhà ra cho anh em lính đảo. Chỉ cần nhìn các chị em trong tà áo dài trên đảo thôi, chúng tôi đã thấy vô cùng thân quen, ấm áp. Có cảm giác, như được thấy các mẹ, các chị em gái của mình ở đây vậy”

Đoàn công tác của chúng tôi đúng ngày biển động, dù đã phải 2 lần lùi ngày xuất phát nhưng khi tàu rời quân cảng sóng vẫn cấp 5, cấp 6. Trên suốt đường hành quân, nhiều thành viên đoàn công tác say sóng, nằm bẹp. Thế nhưng cứ lên đảo mọi người lại như được tiếp thêm sức mạnh, đi khắp đảo để tìm hiểu về đời sống, công việc của các chiến sỹ, chia sẻ buồn vui dù thời gian vô cùng ngắn ngủi. Các thành viên tuân thủ nghiêm ngặt mọi hiệu lệnh của chỉ huy đoàn công tác và cố gắng thu được nhiều thông tin, tiếp xúc nhiều nhất với các chiến sỹ. Băn khoăn vì chuyến đi quá vất vả, sóng to, gió lớn, có cả những tình huống khẩn cấp. Lên đảo Sơn Ca, Đại tá Trần Minh Thuần, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Trưởng đoàn công tác nói 7 phóng viên nữ chúng tôi: “Chuyến công tác quá dài ngày và vất vả. Tôi biết các chị em đã rất cố gắng, các chị em không cần quá căng thẳng và tự tạo áp lực cho mình đâu, cũng không cần phải đêm nào cũng canh mạng internet để gửi bài như thế. Chỉ cần các chị cứ dịu dàng, vui vẻ, chuyện trò thân mật với các anh em chiến sỹ như những ngày qua, cùng nhau giao lưu hát ca như thế đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của chuyến đi rồi”

Những khán giả đặc biệt

Đêm giao lưu ở đảo Sơn Ca có lẽ khó lặp lại trong cuộc đời chúng tôi. Chỉ vài phút sau khi chỉ huy đảo thông báo trên loa, hàng trăm chiến sỹ, thành viên đoàn công  tác đã tập trung đông đủ trước sân khấu tượng đài đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mọi người ai cũng háo hức chờ đợi xem chương trình văn nghệ đặc biệt này. Đảo Sơn Ca vốn nổi tiếng có phong trào văn nghệ phát triển. Rất nhiều chiến sỹ đàn hay, hát giỏi, nhiều tài lẻ. Và khi các chiến sỹ tự tin, sôi nổi hát vang ca khúc “Việt Nam ơi” của tác giả Minh Beta, chính các em đã cho chúng tôi thấy một Việt Nam đầy sức sống. Những giai điệu hào sảng, khí thế “Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi...” cứ vang mãi, vang mãi trên sóng biển Đông, tạo nên một sức mạnh, một tinh thần, một ý chí không thể lay chuyển của những người lính hải quân giữa biển đảo quê hương.

Thành viên nữ đoàn công tác tham gia chương trình giao lưu văn nghệ với sỹ quan, chiến sỹ đảo Sơn Ca

Tôi và Hoàng Thanh Hương (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Gia Lai) vẫn như những người chị, người em gái của các anh, vẫn trong những tà áo dài các anh mong đợi được nhìn thấy, hát bài “Tình ca mùa xuân” của nhạc sỹ Trần Hoàn. Dưới ánh đèn sân khấu đảo Sơn Ca, chúng tôi như tươi tắn và lộng lẫy hơn vốn có, tiếng hát hòa trong tiếng hò reo của các chiến sỹ, tôi cảm thấy giọng hát của mình chưa bao giờ tha thiết đến thế, chưa bao giờ giọng hát không chuyên của chúng tôi lại trở nên quan trọng như thế với các anh, những người lính xa nhà. Nhưng không phải chúng tôi truyền cảm hứng, truyền hơi ấm cho các anh mà chính các anh đã truyền sức mạnh cho chúng tôi, lau khô những đôi mắt đang nhòa lệ và động viên chúng tôi vững tin ở các anh khi về bờ. Ở đây, các anh lúc nào cũng vững tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Những chiến sỹ đảo Sơn Ca được cho là có phong trào văn nghệ mạnh nhất quần đảo Trường Sa

Chỉ cần được tham gia một buổi biểu diễn văn nghệ trên đảo, ở những sân khấu đặc biệt như thế đã là hiếm có, không phải ai cũng có cơ hội nhưng tôi có những 4 buổi ở 4 sân khấu khác nhau trong chuyến công tác này. Và có lẽ, buổi biểu diễn trước cột chủ quyền trên đảo Song Tử Tây với chúng tôi là đặc biệt nhất. Buổi chiều, các thành viên nữ trong đoàn công tác đã có trận giao lưu bóng đá với các nữ công dân trên đảo Song Tử Tây. Ngay tối đó, chúng tôi đã cùng đứng bên nhau, giữa biển trời quê hương, hát những bài hát đã hát hàng trăm lần nhưng vẫn trào lên những cảm xúc hết sức thân thương, gắn bó, ruột thịt, như anh em trong một nhà. Hoa tặng cho nhau chỉ là những bông bàng vuông vừa nở nhưng chắc chắn đó là những bông hoa đẹp nhất mà chúng tôi được nhận trong đời.

Thế hệ tương lai trên quần đảo Trường Sa

Ấn tượng nhất trong đêm giao lưu văn nghệ ở Song Tử Tây là tiết mục của các em thiếu nhi trên đảo. Chỉ cần nhìn sự hồn nhiên, trong sáng, ngoan ngoãn của các em cũng làm cho tôi cảm nhận về cuộc sống đủ đầy trên đảo. Nhìn sự đoàn kết, gắn bó, đầy tình yêu thương của bộ đội hải quân đảo Song Tử Tây, các hộ dân trên đảo, thầy chùa, nhân viên âu tàu, khí tượng, hải đăng, ... chúng tôi càng vững tin hơn về chủ quyền nơi đảo xa. Giữa biển đêm huyền bí, giữa tiếng gầm gào của của những con sóng lớn, cả đoàn công tác cùng quân và dân trên đảo siết chặt tay nhau hòa giọng trong bài “Khúc quân ca Trường Sa” của tác giả Đoàn Bổng. “Ngày qua ngày, đêm qua đêm/Chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương/ Biển này là của ta, đảo này là của ta, Trường Sa. Dù phong ba, dù bão tố, dù gian khổ ta vẫn vượt qua/ Chiến sỹ Trường Sa, hát mãi bài ca, về những chiến công anh bộ đội cụ Hồ/ Giữ vững biển trời Tổ quốc Việt Nam ta…”. Những lời ca như bật ra từ trái tim, “cháy” cùng nhau vì một tình yêu lớn: Tổ quốc Việt Nam.

Giữa chúng tôi, những người lính Trường Sa, những công dân đang công tác, học tập trên huyện đảo Trường Sa như không hề có một chút khoảng cách nào. Sự kiên trung của họ, sự tài hoa của những người lính áo trắng trên Sinh Tồn Đông, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây trong các buổi giao lưu văn nghệ đã tiếp cho các anh sức mạnh, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng, tiếp cho chúng tôi niềm tin sâu sắc về sự toàn vẹn biển trời Tổ quốc.

LẠI THÚY HÀ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top