Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Quy định ghi nhãn dinh dưỡng để người dân biết sản phẩm tốt cho sức khoẻ

Thứ Hai 06/05/2019 | 22:29 GMT+7

VHO- Bộ Y tế cho rằng, ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm, thiết lập hệ thống phân loại thực phẩm để xác định các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, đồng thời hạn chế về tiếp thị các thực phẩm không có lợi cho sức khoẻ.

Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng các bệnh không lây nhiễm, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Ước tính cứ trong 10 ca tử vong ở Việt Nam thì có gần 8 ca tử vong là do bệnh không lây nhiễm. Thực phẩm, chế độ ăn uống và tình trạng dinh dưỡng, bao gồm thừa cân - béo phì là một trong các yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh không lây nhiễm. Trong đó có nguyên nhân từ việc thay đổi thói quen ăn uống thực phẩm truyền thống sang thực phẩm chế biến sẵn, nhiều chất béo, muối, đường và từ lao động thể lực sang ít hoạt động thể chất…

Các nghiên cứu cho thấy ăn ít rau và trái cây ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ. Ăn nhiều muối là nguy cơ của đột quỵ, tăng huyết áp, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch khác. Do đó, việc tăng cường dinh dưỡng hợp lý và xây dựng môi trường thực phẩm lành mạnh là một trong các ưu tiên hàng đầu trong dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm, nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Việc ghi nhãn dinh dưỡng cần đầy đủ các thành phần tác động tới sức khoẻ người tiêu dùng

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo cần phải có được môi trường thực phẩm an toàn như: Hiểu rõ thực trạng tiêu thụ các thực phẩm chế biến và đóng gói sẵn; ghi nhãn dinh dưỡng có công bố về thành phần muối (natri), tổng đường và chất béo, giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm; thiết lập hệ thống nhận biết thực phẩm có lợi cho sức khỏe; quy định về hạn chế tiếp thị, quảng cáo các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

Nhằm tìm hiểu thực trạng ghi nhãn dinh dưỡng hiện nay và sự cần thiết về ghi nhãn dinh dưỡng giúp người dân tìm hiểu thành phần dinh dưỡng của thực phẩm để biết lựa chọn các sản phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khỏe, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhãn dinh dưỡng giữa Việt Nam và kinh nghiệm một số nước trên thế giới". Tại hội thảo các chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng trong nước và quốc tế đã chia sẻ những vấn đề ưu tiên để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tiêu thụ thực phẩm, giảm mức tiêu thụ muối, đường, tăng cường rau xanh, hoa quả, cũng như sử dụng hợp lý chất béo trong khẩu phần ăn hằng ngày. Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam đã có các chính sách, quy định liên quan đến môi trường thực phẩm lành mạnh những vẫn cần phải hoàn thiện. 

“Hiện tại Việt Nam có quy định về hướng dẫn ghi nhãn hàng hóa nhưng mới chỉ bắt buộc ghi tên, xuất xứ sản phẩm, hạn sử dụng, một số thành phần dinh dưỡng bắt buộc như giá trị năng lượng, hàm lượng protein, chất béo, cacbohydrat tiêu hóa được, đường tổng số. Việt Nam chưa bắt buộc dán nhãn thực phẩm báo hiệu thực phẩm có lợi cho sức khỏe; quy định liên quan đến hạn chế quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh các sản phẩm chứa nhiều muối… như ở một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á như Thái Lan, Hồng Kông, Singapore… Hơn nữa, hiện nay hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe còn rất hạn chế nên người tiêu dùng cũng chưa biết mức độ quan trọng của nhãn mác dinh dưỡng sản phẩm khi tiêu dùng”, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Trương Đình Bắc, trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền giúp người dân biết cách lựa chọn thực phẩm dinh dưỡng có lợi hơn cho sức khoẻ, khuyến khích nhà sản xuất chủ động công bố ghi nhãn dinh dưỡng cho người tiêu dùng dễ nhận biết tổng năng lượng, đạm, béo, tinh bột và muối, đường…

QUỲNH HOA

Print
Tags: Y tế
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top