Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tranh bị "đạo" in lên áo dài: Quyết tâm làm rõ TRẮNG - ĐEN!

Thứ Sáu 10/05/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Không dừng lại ở con số 8 nạn nhân bị trắng trợn xâm phạm bản quyền, số họa sĩ bị “đạo” tranh in lên áo dài được nhận định đang tăng không dừng lại. Bức xúc trước sự nhởn nhơ thách thức từ các đơn vị may, in áo dài, các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền tranh cho biết sẽ quyết tâm làm rõ trắng- đen. Nếu văn bản khiếu nại, yêu cầu chấm dứt việc sử dụng trái phép các bức tranh trên sản phẩm áo dài không được hồi âm tích cực thì giải pháp mạnh nhất sẽ là đệ đơn lên tòa án có thẩm quyền.

Tác phẩm “Đóa hoa vô thường” của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền bị “đạo” in lên áo dài

Lập group đòi công lý

Họa sĩ Bùi Trọng Dư, tác giả có tới 4 bức tranh bị các công ty thiết kế, các xưởng in vải ngang nhiên xâm phạm bản quyền, sử dụng in lên vải may áo dài. Dù đã liên hệ yêu cầu các đơn vị này chấm dứt hành vi trái phép nhưng rồi chính họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng nhận thấy việc chỉ đơn thuần lên tiếng yêu cầu xin lỗi và tôn trọng tác quyền sẽ không đi đến đâu. Anh quyết định lập một group trên Facebook có tên: “Họa sĩ bị xâm phạm. Vì bản quyền tác quyền”, ở đó “gom” lại những tiếng nói và hành động phản đối việc ngang nhiên xâm phạm bản quyền sáng tạo của các nghệ sĩ.

“Tôi có cảm giác cứ đơn lẻ thì tiếng nói cũng như nhiệt tình đòi lại công bằng cho chính mình của các họa sĩ sẽ rất yếu ớt. Thế nên tôi quyết định đại diện mọi người lập nên group này để tập hợp các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền, họ sẽ cùng với đông đảo công chúng cùng nhau chia sẻ những thông tin liên quan, phản đối mạnh mẽ những hành vi vi phạm cũng như yêu cầu chấm dứt thói quen sử dụng hình ảnh tác phẩm nghệ thuật một cách bừa bãi mà không xin phép...”, họa sĩ Bùi Trọng Dư cho biết.

Sau khi lập group, càng lúc càng nhiều họa sĩ phát hiện mình bị xâm phạm bản quyền, những tác phẩm nghệ thuật vốn là mồ hôi tâm sức ngang nhiên bị chiếm đoạt để in lên áo dài bán tràn lan ngoài thị trường. Ban đầu là nhóm 5 họa sĩ đứng ra tố cáo các đơn vị vi phạm nhưng tính đến ngày hôm qua 9.5, số họa sĩ biết được tranh mình bị xâm phạm bản quyền đã lên tới 8 người, bao gồm: họa sĩ Bùi Trọng Dư (Hà Nội), Lâm Đức Mạnh (Hà Nội), Ngụy Đình Hà (Hà Nội), Nguyễn Thu Huyền (Hà Nội), Nguyễn Đăng Sơn (Huế), Lê Phan Quốc (Huế), Nguyễn Quý Tâm (Huế), Phan Linh Bảo Hạnh (Bình Dương). Con số này được giới họa sĩ nhận định vẫn còn tiếp tục tăng. Nhiều họa sĩ khác đang tiếp tục vào cuộc để rà soát lại các mẫu áo dài, tìm kiếm tranh của mình có bị xâm phạm bản quyền hay không.

Họa sĩ Nguyễn Thu Huyền chia sẻ: “Đối với những nghệ sĩ trẻ đang cố gắng hết mình để khẳng định tên tuổi như tôi thì việc bị xâm phạm bản quyền như thế này thực sự rất sốc và đáng buồn. Con đường đưa tác phẩm đến với công chúng của các họa sĩ quả thật rất gian nan, thế nhưng chỉ phút chốc đã có thể bị đánh tráo bởi sự vi phạm bản quyền một cách rất ngang nhiên, bừa bãi”. Nữ họa sĩ trẻ tuổi cũng cho biết, ngoài tác phẩm “Đóa hoa vô thường” của chị bị phát hiện in trên áo dài, tranh của chị còn bị sử dụng trái phép cho các mục đích khác như vẽ tường, trang trí quán ăn... Cuối năm 2018, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền đã tổ chức một triển lãm tranh cá nhân, ở đó giới thiệu 20 tác phẩm là những “đứa con tinh thần” đã được chị vất vả, tâm huyết sáng tạo. Nhưng ngay sau đó, Huyền lại bắt gặp những tác phẩm của mình bị xâm phạm ở nhiều nơi, một cách không kiểm soát.

“Chúng tôi gồm các họa sĩ đang cùng nhau đấu tranh để đòi lại sự công bằng cho tác phẩm của mình. Cần có sự đền bù thiệt hại cho những hành động đó. Từng họa sĩ đã lên tiếng với các công ty in, đơn vị vi phạm bản quyền tác phẩm nhưng hầu như đều không nhận được câu trả lời thích đáng, cùng lắm là một lời xin lỗi suông. Vì vậy, chúng tôi đã quyết tâm sẽ nhờ luật sư và pháp luật can thiệp. Nếu các đơn vị vi phạm không thiện chí và nhận lỗi, cam kết chấm dứt vi phạm thì giải pháp mạnh nhất là đệ đơn kiện sẽ được họa sĩ thực hiện”, vẫn theo họa sĩ Nguyễn Thu Huyền.

Nhóm họa sĩ bị xâm phạm bản quyền cũng chủ động liên hệ với truyền thông và sử dụng mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng lên án việc xâm phạm bản quyền. Họa sĩ Bùi Trọng Dư, “thủ lĩnh” trong vụ việc này tỏ rõ quyết tâm: “Hết lần này đến lần khác các họa sĩ đã bị xâm phạm bản quyền trắng trợn, tác phẩm bị sử dụng “chùa” để phục vụ mục đích kinh doanh nhưng chưa khi nào có vụ việc thành án, tạo tiền lệ mang tính răn đe. Vì vậy, lần này chúng tôi sẽ quyết tâm làm rõ trắng- đen. Trước hết là việc nhờ luật sư tư vấn soạn thảo văn bản yêu cầu các đơn vị chấm dứt việc sử dụng hình ảnh tác phẩm một cách trái phép. Nếu họ không phản hồi tích cực, các họa sĩ sẽ triển khai các bước tiếp theo để hướng đến mục đích minh bạch, rõ ràng...”, theo họa sĩ Bùi Trọng Dư.

 Mẫu áo dài sử dụng trái phép tranh của họa sĩ Nguyễn Thu Huyền (ảnh trái) và mẫu áo dài sử dụng trái phép tranh của họa sĩ Bùi Trọng Dư

Còn vi phm, đương nhiên sẽ khởi kiện

Thừa nhận các họa sĩ lâu nay ngại va chạm, chỉ muốn chuyên tâm sáng tác nên chưa có vụ việc vi phạm bản quyền nào được xử lý đến đầu đến cuối, họa sĩ Nguyễn Thu Huyền cho biết, nếu chỉ có một mình thì có lẽ chị sẽ lại chỉ biết ấm ức rồi thôi. Nhưng lần này sẽ khác, khi các nghệ sĩ đồng cảnh ngộ cùng có điểm gặp gỡ chung. “Như con giun xéo mãi cũng quằn. Tôi là lần đầu tiên nhưng các họa sĩ khác thì đã bị xâm phạm hết lần này đến lần khác, không thể chỉ ngồi im phẫn nộ được”, họa sĩ Thu Huyền chia sẻ.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nguyễn Giang Nam (Đoàn Luật sư Hà Nội) đã vào cuộc cùng nhóm họa sĩ soạn văn bản gửi tới các đơn vị vi phạm để đòi lại công lý. Theo luật sư Nguyễn Giang Nam, căn cứ theo các Điều 158, 163 và 164 - Bộ luật Dân sự (2015); căn cứ Điều 13, Điều 14, Điều 37 đến Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ (2013) và Nghị định số 22/2018/ NĐ-CP ngày 23.2.2018 của Chính phủ, các tác giả, tác phẩm luôn được bảo hộ quyền sở hữu. Các tác giả có tác phẩm bị xâm phạm bản quyền hoàn toàn có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm bản quyền tác giả và phải bồi thường thiệt hại (nếu có); đồng thời, phải công khai xin lỗi tác giả trên các phương tiện thông tin đại chúng về hành vi xâm phạm bản quyền.

Tại văn bản được luật sư Nguyễn Giang Nam tư vấn để gửi tới đơn vị xâm phạm bản quyền, họa sĩ Bùi Trọng Dư viết: “Tôi là người sáng tác và vẽ các bức tranh sơn mài trong bộ sưu tập Ao Sen, Thiếu nữ và sen. Theo quy định pháp luật, các bức tranh này của tôi đã được pháp luật bảo hộ quyền tác giả trên toàn lãnh thổ Việt Nam và thế giới. Hiện nay, tôi có đầy đủ chứng cứ chứng minh quý Công ty đang sử dụng các hình ảnh của các tác phẩm để quảng cáo, giới thiệu, chào bán các sản phẩm tại website và trên facebook cũng như trong các catalogue chào bán các sản phẩm này”.

Từ căn cứ và cơ sở pháp lý đã nêu, họa sĩ Bùi Trọng Dư yêu cầu các công ty, đơn vị chấm dứt ngay lập tức và không điều kiện việc sử dụng hình ảnh trái phép, cam kết không tái phạm và công khai xin lỗi trên mạng xã hội và website của công ty. Văn bản cũng nêu rõ, sau ngày 19.5.2019, nếu đơn vị xâm phạm bản quyền không thực hiện đầy đủ các yêu cầu này, họa sĩ sẽ thực hiện những biện pháp pháp lý để xử lý hành vi xâm phạm bản quyền, trong đó có biện pháp khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền.

Được biết, văn bản này đang được các họa sĩ trong nhóm đồng loạt gửi các đơn vị đòi công lý. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cho rằng, để đi đến tận cùng vụ việc, đòi hỏi các họa sĩ phải đồng lòng và cương quyết. “Cá nhân tôi đã dành rất nhiều thời gian để vừa đòi công lý cho mình, vừa đôn đốc các họa sĩ mạnh mẽ lên tiếng. Nếu ai cũng ngại va chạm mà ậm ừ cho qua thì không biết đến khi nào những vụ việc xâm phạm bản quyền như thế này mới chấm dứt...”, anh nói.

Nhiều ý kiến trong giới mỹ thuật cũng bày tỏ sự ủng hộ nhóm họa sĩ kiên quyết theo đuổi vụ việc, làm rõ trắng đen. Theo họa sĩ Phạm Hà Hải, nếu hình ảnh tranh của họa sĩ bị chiếm đoạt sử dụng trái phép nhằm mục đích lợi nhuận thì điều hiển nhiên là phải đấu tranh quyết liệt để giá trị sáng tạo là tài sản không thể ăn cắp. 

  Cá nhân tôi đã dành rất nhiều thời gian để vừa đòi công lý cho mình, vừa đôn đốc các họa sĩ mạnh mẽ lên tiếng. Nếu ai cũng ngại va chạm mà ậm ừ cho qua thì không biết đến khi nào những vụ việc xâm phạm bản quyền như thế này mới chấm dứt...

(Họa sĩ Bùi Trọng Dư)

 

 Thực tế đã có rất nhiều vụ việc các họa sĩ bị xâm phạm bản quyền, tuy nhiên do chưa cương quyết nên ngày càng có nhiều tác phẩm bị các cá nhân, đơn vị trục lợi, tùy tiện sử dụng trái phép tác phẩm của họ để kinh doanh. Ở vụ việc lần này, nếu các họa sĩ kiên quyết theo đuổi đến tận cùng, đệ đơn ra tòa án thì có thể sẽ tạo được một tiền lệ cảnh báo, đẩy lùi vấn nạn xâm phạm bản quyền đang diễn ra phổ biến hiện nay.

(Họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MTNATL, Bộ VHTTDL)  

 

 PHƯƠNG ANH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top