Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Cao Bằng sẽ là điểm đến không thể bỏ qua

Thứ Sáu 10/05/2019 | 11:13 GMT+7

VHO- Hai năm qua, đặc biệt là từ sau khi Công viên địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận là CVĐC toàn cầu, lượng khách trong nước và quốc tế tới tỉnh này tăng gấp đôi, từ 500.000 lượt lên 1 triệu lượt năm 2018.

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng

Thông tin này được đưa ra tại Hội thảo quốc tế “Phát triển du lịch bền vững thông qua mô hình Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng” do UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 500 đại biểu là đại diện Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Tổng cục Du lịch, đại diện một số tổ chức phi chính phủ của các nước, lãnh đạo các Bộ, ngành và Sở VHTTDL một số tỉnh, các chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp du lịch.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề như: Xác định cách tiếp cận bền vững; quản lý và khai thác hiệu quả di sản CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng; giới thiệu một số mô hình và kinh nghiệm thành công của quốc tế; sáng kiến về hỗ trợ phát triển sinh kế, giảm thiểu rủi ro thiên tai, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên...

Hình thành 3 tuyến du lịch chính theo tiêu chí của UNESCO

Việc có lượng khách tăng gấp đôi 2 năm gần đây cho thấy sự đóng góp rất lớn từ danh hiệu CVĐC toàn cầu và việc quảng bá những giá trị khác biệt của CVĐC Non Nước Cao Bằng từ trước khi được UNESCO công nhận. “Chúng tôi hy vọng qua hội thảo khoa học này sẽ có nhiều kinh nghiệm được chia sẻ cũng như sáng kiến được triển khai ở Cao Bằng, từ đó góp phần trong quá trình phát triển du lịch bền vững của tỉnh”, ông Guy Martini, Chủ tịch Hội đồng CVĐC toàn cầu UNESCO nói.

Các đại biểu cho rằng: Để thu hút đông đảo người dân biết và đến với Cao Bằng, CVĐC Non Nước Cao Bằng cần phải thực sự trở thành một điểm nhấn là hạt nhân trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo khẳng định: “Nhận thức được tiềm năng, lợi thế sẵn có, tỉnh Cao Bằng đã xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế trọng tâm để khai thác và phát triển, đặt mục tiêu đến năm 2020 định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch Cao Bằng với những đặc trưng riêng biệt; đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có sản phẩm du lịch đa dạng, có sức cạnh tranh cao, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện môi trường”.

Nhiều năm trước, cùng với việc bảo tồn và phát huy các giá trị về di sản địa chất, văn hóa, lịch sử nằm trong vùng CVĐC, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng mục tiêu gắn với phát triển du lịch bền vững. Thông qua Ủy ban UNESCO Việt Nam, tỉnh Cao Bằng đã mời chuyên gia từ nước ngoài sang khảo sát, tư vấn các nội dung liên quan đến các tiêu chí bảo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên của công viên.

CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng rộng gần 3.300km², trải dài trên địa bàn 9 huyện, có trên 130 điểm di sản địa chất độc đáo, có giá trị tầm cỡ quốc tế như các tháp, nón đá vôi, thung lũng, hang động, hệ thống hồ- sông- hang ngầm liên thông. Đặc biệt, nơi đây có nhiều danh thắng đẹp nổi tiếng như khu du lịch sinh thái Phia Oắc, Phia Ðén… và nổi bật là thác Bản Giốc, một trong 4 thác vùng biên giới lớn và đẹp nhất thế giới. Không chỉ có các đặc điểm địa chất độc đáo, đây còn là vùng đất có bề dày văn hóa, lịch sử với hơn 200 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích cấp quốc gia và là căn cứ địa của cách mạng Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Ông Trương Thế Vinh, Phó giám đốc Sở VHTTDL Cao Bằng, Trưởng ban quản lý CVĐC toàn cầu UNESCO Non Nước Cao Bằng cho biết: “Giai đoạn 1 Cao Bằng đã hoàn thành xong việc xây dựng CVĐC theo tiêu chí của UNESCO. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mời chuyên gia tư vấn UNESCO xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể, để đảm bảo gắn kết với phát triển bền vững, phát huy tối đa các giá trị sẵn có của CVĐC. Trong đó tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất, tập trung phát triển hệ thống đối tác, phát triển hệ thống sản phẩm để đảm bảo tăng cường sinh kế cho người dân địa phương”.

3 tuyến du lịch chính trong khu vực CVĐC được xây dựng để thu hút khách là tuyến du lịch cụm phía tây “Khám phá Phia Oắc - vùng núi của những đổi thay” ở huyện Nguyên Bình; tuyến du lịch cụm phía bắc “Hành trình về nguồn cội” trên địa bàn huyện Hòa An và Hà Quảng và tuyến du lịch cụm phía đông “Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên”, gồm 4 huyện: Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang.

Có tổng cộng 43 điểm tham quan du lịch, ngắm cảnh… trên 3 tuyến du lịch này cùng hệ thống cơ sở vật chất như bãi đỗ xe, điểm dừng chân, trung tâm thông tin, hệ thống biển báo, biển thuyết minh… tại các điểm dừng theo tiêu chuẩn UNESCO phục vụ hoạt động du lịch. Các tuyến du lịch trên được kỳ vọng sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm đặc biệt về vùng đất cũng như sinh hoạt của người dân vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Người dân địa phương phải là chủ thể chính để phát triển du lịch bền vững

Đánh giá cao nỗ lực của Cao Bằng trong việc khai thác lợi thế tự nhiên, phát triển du lịch bền vững, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “CVĐC có tiềm năng về phát triển du lịch rất lớn. Tuy nhiên, chúng ta cần định hướng ngay từ đầu phải phát triển du lịch bền vững, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển vì đây là một quần thể bao gồm những yếu tố vừa về địa chất, vừa về văn hóa, cảnh quan, cộng đồng đang sống trong và xung quanh khu vực”.

Nhấn mạnh việc UNESCO công nhận CVĐC Non Nước Cao Bằng không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Cao Bằng mà còn là vinh dự lớn cho đất nước Việt Nam, đồng thời, có ý nghĩa to lớn đối với ngành Du lịch cả nước nói chung và du lịch Cao Bằng nói riêng. Bà Phạm Lê Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL) cho rằng: Tỉnh Cao Bằng cần tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác từ trong nước và quốc tế để khắc phục khó khăn, vướng mắc, phấn đấu đưa Cao Bằng trở thành điểm đến không thể bỏ qua tại Việt Nam.

Với hai chuyên đề “Mô hình CVĐC toàn cầu UNESCO- cách tiếp cận phát triển bền vững cho ngành Du lịch” và “Kinh nghiệm, mô hình thành công của CVĐC trên thế giới”, các diễn giả trong nước và quốc tế đã phân tích các khía cạnh phát triển bền vững của mô hình CVĐC, từ đó tạo cơ sở để CVĐC Non Nước Cao Bằng xác định những định hướng, lộ trình và giải pháp phát triển du lịch bền vững.

Những kinh nghiệm, thực tiễn tốt về phát triển du lịch bền vững tại các CVĐC trên toàn thế giới như CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang, Việt Nam), CVĐC tại châu Mỹ La tinh, CVĐC toàn cầu Satun (Thái Lan), CVĐC toàn cầu Ngorongoro - Lengai (Tanzania)… cũng được chia sẻ tại hội thảo.

Chuyên gia Guy Martini lưu ý: “Điều quan trọng nhất khi phát triển du lịch bền vững là gắn việc phát triển với người dân địa phương và người dân địa phương phải là chủ thể chính, nền tảng cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, cần triển khai các hoạt động quản lý, bảo tồn; nghiên cứu khoa học; giáo dục ý thức cho người dân trong vùng CVĐC đặc biệt là lớp trẻ; kết nối hợp tác trong mạng lưới CVĐC toàn cầu; phát triển sinh kế, sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trong vùng CVĐC…”

Đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng chỉ ra rằng, lựa chọn CVĐC Non Nước Cao Bằng là giá trị cốt lõi để xây dựng thương hiệu du lịch của Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp, bởi đây là tài nguyên du lịch nổi bật nhất của tỉnh, có lợi thế cạnh tranh so với các địa phương khác trong vùng và hấp dẫn với thị trường khách du lịch mục tiêu. Khi đã xác định được các giá trị thương hiệu phù hợp với thị trường mục tiêu, có tính cạnh tranh cao, thương hiệu đó cần được lồng ghép hiệu quả vào kế hoạch xúc tiến quảng bá. Và quan trọng nhất là thực hiện hiệu quả công tác quản trị thương hiệu để đảm bảo tính bền vững của thương hiệu du lịch. 

 ANH VŨ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top