Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về ATTP

Thứ Hai 13/05/2019 | 10:02 GMT+7

VHO- An toàn thực phẩm (ATTP) trường học là vấn đề luôn được dư luận quan tâm nên việc kiểm soát chặt việc này tại các bếp ăn trường học trên địa bàn TP.HCM rất được các cấp, ngành, đặc biệt là các bậc phụ huynh cùng chung tay giám sát.

 Đảm bảo ATTP cho bữa ăn trường học là mục tiêu được nhiều người quan tâm

Tại hội nghị “Sơ kết công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2017-2019”, Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, thành phố hiện có 1.974 trường học gồm mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Để phục vụ bữa ăn cho học sinh thành phố có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường học.

Kiểm tra thường xuyên, liên tục

Cụ thể bếp ăn tập thể tự tổ chức là 1.280 cơ sở; bếp ăn tập thể tự thuê nấu là 112 cơ sở; cơ sở nhận suất ăn sẵn 292 và căng tin trường học là 630 cơ sở. Tuy nhiên nhờ làm tốt công tác thanh kiểm tra, giám sát nên từ năm 2014 đến nay trên địa bàn thành phố chỉ để xảy ra 7 vụ ngộ độc thực phẩm ở trường học, quy mô số vụ ngộ độc giảm từng năm. Nói về công tác thanh, kiểm tra, ông Nguyễn Đại Ngọc, Phó trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý ATTP TP.HCM cho hay, để có được kết quả này chỉ riêng trong quý 2 năm 2018, Ban đã tiến hành kiểm tra 317 cơ sở ăn uống tại trường học, nhưng chỉ có 7 cơ sở bị xử lý vi phạm. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, Ban đã phối hợp với Sở GD&ĐT thành phố tiến hành kiểm tra công tác đảm bảo ATTP tại 582 cơ sở dịch vụ ăn uống trường học thì có đến 562 cơ sở đạt điều kiện ATTP, chiếm tỷ lệ 96,6%.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết, ATTP trường học là đối tượng luôn được toàn xã hội quan tâm, do đó công tác thanh kiểm tra luôn được thực hiện thường xuyên, liên tục. Trước mắt không đặt nặng vấn đề xử phạt mà chủ yếu là hướng dẫn, giải thích để các trường nâng cao chất lượng ATTP. Sau đó sẽ dần chuyển qua bắt buộc, lấy kết quả thí điểm ở một số quận, huyện rồi nhân rộng ra toàn thành phố. Đồng thời sẽ công khai tên những cơ sở vi phạm và cũng sẽ biểu dương những cơ sở làm tốt để người dân cùng biết cùng tham gia giám sát.

Được biết trong năm học 2018-2019, Sở GD&ĐT TP.HCM đã triển khai thí điểm mô hình tiếp nhận nguyên liệu từ nguồn thực phẩm an toàn tại 6 quận với 498 trường học tham gia. Trong năm học tới, sẽ mở rộng ra 12 quận, huyện và tiến đến triển khai toàn thành phố.

Cùng chung tay giám sát bữa ăn

Thực tế để đảm bảo ATTP bữa ăn cho học sinh, việc kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn thành phố không chỉ riêng các lực lượng chức năng vào cuộc mà còn có sự tham gia của các bậc phụ huynh. Ông Quách Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (quận 5) chia sẻ, ngay từ đầu năm học nhà trường đã xây dựng kế hoạch hoạt động bán trú, kế hoạch được triển khai và lấy ý kiến trong toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh. Sau đó trường sẽ xây dựng chế độ ăn uống, thực đơn, khẩu phần dinh dưỡng theo tiêu chuẩn quy định. Riêng nguồn thực phẩm đầu vào sẽ chọn những đơn vị cung cấp thực phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, tất cả đủ điều kiện cung cấp thường xuyên, có trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng và ATTP.

Bên cạnh đó công tác tuyên truyền các vấn đề về dinh dưỡng, vệ sinh phòng chống dịch bệnh cũng được cán bộ y tế thường xuyên tổ chức với nhiều hình thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và học sinh… sau đó sẽ họp rút kinh nghiệm với các nhân viên cấp dưỡng, bảo mẫu, y tế và chỉ đạo kịp thời đảm bảo ATTP cho học sinh. Ngoài ra nhà trường có hộp thư góp ý được đặt tại cổng để lắng nghe các ý kiến của cha mẹ học sinh. Mỗi ngày thực đơn đều công khai và thông tin tại bản tin trước cổng trường để cha mẹ học sinh theo dõi.

Đề cập vấn đề này, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh, để đảm bảo ATTP cho bữa ăn trường học, các trường phải thực hiện công khai tên các nhà cung cấp thực phẩm, giá thành cũng như chất lượng dinh dưỡng trong từng suất ăn của học sinh. Đặc biệt trong năm học 2019- 2020 các trường phải tăng cường vai trò giám sát của phụ huynh, thường xuyên tạo điều kiện, phối hợp với đại diện hội cha mẹ học sinh thực hiện kiểm tra chất lượng bữa ăn trường học. Nếu phát hiện chất lượng bữa ăn không đảm bảo, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm trước phụ huynh và cơ quan quản lý ATTP trường học. Riêng những đơn vị cung cấp suất ăn, thực phẩm đã bị cơ quan chức năng xử lý vi phạm phải chấm dứt hợp đồng cung ứng thực phẩm.

Với quyết tâm, nỗ lực của các lực lượng chức năng, ý thức về ATTP của nhà trường ngày càng được nâng cao, cộng với sự chung tay của phụ huynh… hi vọng chất lượng ATTP bữa ăn cho học sinh sẽ ngày càng được nâng lên. 

 HIẾU NGUYỄN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top