Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Tẩy chay vắc xin - “đại dịch” nghiêm trọng

Thứ Tư 15/05/2019 | 10:08 GMT+7

VHO- Theo thống kê mới nhất được thực hiện vào ngày 13.5, số ca mắc sởi tại Mỹ trong năm 2019 đã tăng lên tới 764 trường hợp, mức cao nhất trong gần hai thập kỷ qua.

 Nghiên cứu mới này cũng xếp hạng các thành phố tại Mỹ có nguy cơ cao nhất về dịch sởi, bao gồm Chicago, Los Angeles và Miami. Truyền thông quốc tế ghi nhận, số ca mắc sởi trong năm 2019 của Mỹ đã đạt đến mức cao nhất kể từ năm 2.000, khi bệnh sởi được tuyên bố loại trừ hoàn toàn khỏi nước này. Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, nước này hiện có tới 764 trường hợp mắc bệnh sởi.

Tăng gấp ba lần số ca mắc bệnh

Các chuyên gia cho rằng, những khu vực có chứa ổ dịch cần được giám sát chặt chẽ, bởi các vùng này có thể tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên địa bàn cả nước. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính gây ra sự trở lại của bệnh sởi bắt nguồn từ một “đại dịch” thậm chí còn nghiêm trọng hơn nhiều, đó chính là “chiến dịch tẩy chay vắc xin”. Thậm chí, để tiến hành xếp hạng các thành phố có nguy cơ mắc bệnh sởi cao nhất, nhà khoa học không cần điều tra các khu vực tập trung ca bệnh. Thay vào đó, họ đã khảo sát các yếu tố bao gồm chiến dịch tẩy chay vắc xin y tế, du lịch hàng không quốc tế và tỷ lệ mắc bệnh sởi tại các quốc gia có lượng khách du lịch tại Mỹ. Trong khi đó, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình hình dịch sởi tại châu Âu hiện còn tiêu cực hơn nhiều so với Bắc Mỹ. Theo công bố từ WHO, cho đến tuần thứ hai của tháng 5 năm nay, châu Âu đã ghi nhận hơn 34.000 trường hợp mắc bệnh sởi, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái.

 Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ khuyến nghị người dân tiêm phòng dịch bệnh ở mọi lứa tuổi Ảnh: THE GUARDIAN

Trả lời phỏng vấn của CNN, Matt Hancock, Thư ký Sức khỏe của Anh cho nhận định, chiến dịch chống vắc xin là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự bùng phát trở lại của bệnh sởi. Ông cũng cho rằng, các nhà hoạt động kêu gọi tẩy chay vắc xin đang thực hiện những hành động “vô trách nhiệm và trái với đạo đức”. Bình luận này được đưa ra vài ngày sau khi UNICEF công bố nghiên cứu phát hiện ra rằng, các ca tử vong do bệnh sởi đã tăng lên 22% kể từ năm 2017 và từ chối tiêm chủng cho trẻ em chính là yếu tố gây nên mức ra tăng đáng sợ này. Cụ thể, theo nghiên cứu từ UNICEF, trên thế giới hiện có 169 triệu trẻ em không được tiêm phòng đầy đủ, kể từ năm 2010 đến năm 2017. Riêng tại Mỹ có khoảng 2,5 triệu em chưa được tiêm vắc xin. Chính sự vi phạm nghiêm trọng trong vấn đề phòng chống dịch bệnh này đã gây ra dịch sởi bùng phát trên toàn cầu, bắt nguồn từ các nước có thu nhập cao ở châu Mỹ và châu Âu đến các nước có thu nhập thấp và trung bình tại châu Á và châu Phi.

Nhận thức sai lầm

Theo kết quả khảo sát, vào năm 2017, bệnh sởi đã lấy đi mạng sống của 110.000 người, chủ yếu là trẻ em, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2016. Khảo sát này dựa trên ước tính của UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới về phạm vi tiêm chủng của 194 quốc gia trong năm 2017. Hai tổ chức cũng đưa ra kết luận, việc tẩy chay vắc xin, hệ thống y tế kém hiệu quả cũng như lòng tin của nhiều bậc cha mẹ vào sự tuyên truyền của các tổ chức tự phong thay vì nhà khoa học với nhiều năm kinh nghiệm chính là nguyên nhân chính dẫn đến sự hoành hành của dịch sởi trong những năm trở lại đây. UNICEF tiếp tục đưa ra lời cảnh báo về khủng hoảng dịch sởi toàn cầu kể từ tháng 1 - 3 năm 2019. Theo ước tính, chỉ trong vòng 3 tháng, toàn thế giới có tới hơn 100.000 trường hợp trẻ em mắc bệnh sởi, chủ yếu do không được tiêm phòng đầy đủ, tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thực tế, phong trào thẩy chay vắc xin của một cộng đồng công dân Mỹ và một số quốc gia châu Âu bắt đầu trở nên bùng nổ trong khoảng 5 năm trở lại đây. Kể từ năm 2014, một ổ dịch sởi đã bùng phát từ công viên giải trí Disneyland ở California, lây nhiễm cho hơn 50 người sau gần 2 thế kỉ nước Mỹ hoàn toàn dập tắt được căn bệnh này. Nguyên nhân đến từ một số trẻ em bị cha mẹ cố tình không cho tiêm phòng đầy đủ. Trước đó, trên các nền tảng truyền thông xã hội đã xuất hiện rất nhiều diễn đàn, trang web tuyên truyền về “rủi ro của việc tiêm vắc xin”. Các hội nhóm này thường hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội, cho đến cuối năm 2015 bắt đầu bùng nổ với hàng loạt buổi tuần hành, kêu gọi người dân trên toàn thế giới không cho con em mình tiêm ba mũi vắc xin quan trọng phòng bệnh quai bị, sởi và rubela. Luận điệu mà các “nhà hoạt động xã hội” này đưa ra chính là tiêm vắc xin có thể dẫn đến những biến chứng bệnh lý lâu dài như tự kỷ và ung thư. Nhiều tổ chức cũng cho đăng tải các bài viết phân tích chi tiết về thành phần của vắc xin và quá trình ảnh hưởng đến não bộ của trẻ. Tuy nhiên, trái với nhiều phụ huynh tin tưởng, đây đều là những thông tin sai lệch, không đầy đủ hoặc đánh tráo khái niệm nghiêm trọng.

Chính vì vậy, vào tháng 4 năm nay, UNICEF đã phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện nhiều chương trình truyền thông, kêu gọi các bậc cha mẹ ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng đầy đủ cho trẻ nhỏ. Các chiến dịch này cũng hướng đến đối tượng thanh thiếu niên đã đủ tuổi công dân, từng không được tiêm phòng trong quá khứ, tự giác đến các cơ sở y tế địa phương để tiêm vắc xin đầy đủ. Ở những quốc gia có tỷ lệ tử vong do sởi cao, WHO khuyến cáo nên tiêm mũi vắc xin đầu tiên vào lúc trẻ 9 tháng tuổi. Tại các quốc gia có nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ sơ sinh thấp hơn, liều vắc xin đầu tiên có thể được tiêm ở 12 tháng tuổi là phù hợp. 

 ĐẶNG THỤC LINH

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top