Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Chuyện về một bức ảnh lịch sử

Thứ Tư 15/05/2019 | 10:29 GMT+7

VHO- Bức ảnh in trên trang báo này có tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, được in lần đầu trên báo “Tiền phong” đầu năm 1967, sau Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước lần đầu tiên họp tại Hà Nội. Trước đó, cuối năm 1966, đại đội TNXP 759 và cô tiểu đội trưởng tiểu đội 6 (gọi tắt là A6) Nguyễn Thị Kim Huế đã được tuyên dương Anh hùng tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc.

 Bác Hồ tặng lại bó hoa tươi thắm cho nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế mà Đại hội vừa tặng Bác tại Đại hội Thi đua toàn miền Bắc các đội TNXP chống Mỹ, cứu nước lần thứ nhất, đầu năm 1967 Ảnh: TƯ LIỆU

 Hơn nửa thế kỷ trước, đây là một sự kiện lớn, vì lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, một đơn vị và một nữ TNXP được tặng danh hiệu Anh hùng, lại được Bác Hồ đặc biệt quan tâm. Bức ảnh chụp Kim Huế ôm bó hoa tươi bên cạnh Bác Hồ rất đẹp ngay sau đó được lan truyền “chóng mặt”, theo cách nói của truyền thông hiện đại. Điều đáng kể thêm là đã có sự nhầm lẫn quan trọng về bức ảnh lịch sử này. Trên nhiều sách báo trong mấy chục năm qua, kể cả tập sách ảnh quan trọng kỷ niệm 70 năm Giao thông vận tải Quảng Bình mới in năm 2015, khi đăng ảnh này đã chú thích nội dung: “Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa Bác Hồ” tại Đại hội TNXP chống Mỹ cứu nước họp tại Hà Nội, đầu năm 1967.

1. Mới đọc qua chú thích thì thấy hợp lý nhưng quả thực đây là sự nhầm lẫn mà nhiều người không biết. Ở phần chú thích, có thể vì sách báo cứ theo nhau in lại, không tìm nguồn gốc, xuất xứ nên không chính xác theo “dây chuyền”. Chẳng thế mà nhiều cán bộ ở Sở Giao thông vận tải Quảng Bình và Nhà xuất bản Giao thông vận tải (cơ quan in tập sách ảnh đã dẫn ở trên), mặc dù đã nghe tôi là “người trong cuộc” nhắc khi in ảnh này cần ghi nội dung cho đúng sự thật, vẫn lặp lại cái sai của nhiều cơ quan báo chí trước đó. Quả là ít ai ngờ, trường hợp này thì nội dung ảnh phải ghi ngược lại, chính Bác Hồ đã tặng hoa cho Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế. Và như thế, bức ảnh lại có ý nghĩa đẹp hơn: Lãnh tụ dành những gì tốt đẹp nhất cho các chiến sĩ ở mặt trận. Bó hoa ấy đâu chỉ dành cho Nguyễn Thị Kim Huế mà cho hàng ngàn TNXP, công nhân, bộ đội trên đoạn đường ngày đó mang tên “đường Thống nhất… Vì sao tôi lại dám khẳng định như thế? Xin thưa, hồi đó, tôi là cán bộ bảo đảm giao thông, là đồng đội của Nguyễn Thị Kim Huế và đại đội TNXP 759, từng bám trụ trên đường 12A qua đèo Mụ Giạ nổi tiếng; hơn thế, tôi chính là người “giúp” Huế và đại đội 759 viết thành tích để được tuyên dương anh hùng. Cũng nhân kỷ niệm 60 năm mở đường Hồ Chí Minh, xin nói thêm một chút vì sao đại đội 759 và Anh hùng Kim Huế lại được Bác Hồ dành sự quan tâm đặc biệt như vậy. Trong cuộc chống chiến tranh phá hoại giai đoạn đầu cho đến cuối năm 1966, đường 12A là tuyến vận tải cơ giới duy nhất có sẵn vượt Trường Sơn qua Lào rồi đi xuống các chiến trường miền Nam –tuyến qua vĩ tuyến 17 do đội quân tướng Võ Bẩm khai mởnăm 1959 mới thực là “đường mòn” để gùi thồ; còn đường 20 qua phà Xuân Sơn, về sau có di tích “Hang Tám cô” thì cuối năm 1966 mới khai thông… Do vậy, đường 12A đã bị không quân Mỹ tập trung đánh phá ác liệt nhất, đặc biệt đêm 3.7.1966, trong chiến dịch dùng bom “tọa độ” ném liên tục vào một đoạn hiểm yếu dưới chân đèo Mụ Giạ, cả một tiểu đội C.759 đã hy sinh, có mấy chiến sĩ mãi mới tìm thấy xác.

 Bài tường thuật về Đại hội, trong đó có chi tiết: “Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đại hội vừa tặng Bác” trên Báo Tiền Phong

2. Trong trận chiến bi tráng này, A.6 của Kim Huế không cóai hy sinh, nhưng Huế và các chiến sĩ bị thương vẫn không rời trận địa, quyết mở thông đường và tìm xác đồng đội. Hình ảnh mái tóc cô Thường bị kẹt vào tảng đá, không lấy được xác, đơn vị thì không dám đánh bộc phá đã được nhà viết kịch Học Phi đưa vào một vở kịch rất xúc động… Còn nghệ sĩ Bích Lâm, cuối năm 1966, ông dẫn đầu một đoàn nghệ sĩ vào thăm công trường 12A và đã mang về Hà Nội một nắm đất từng thấm máu các chiến sĩ trên “đồi 37”. Nửa nắm đất ấy được ông mang theo sang Cuba dự hội diễn sân khấu các nước châu Mỹ La tinh ở Cuba. Và khi người nghệ sĩ được tặng giải thưởng cao nhất - một con gà bằng vàng - đem tặng lại vật quý giá ấy cho đoàn Việt Nam, Bích Lâm đã lấy nửa nắm đất “đồi 37” tặng người bạn quốc tế. Nâng tặng phẩm của đoàn Việt Nam, người bạn quốc tế ở nơi xa ấy đã xúc động nói đại ý: Đây là phần thưởng quý vô giá đối với ông...

Về sau (năm 1968) khi Kim Huế và đại đội 759 được điều bám trụ đoạn đường bờ Nam sông Gianh thì thật đau xót, trong một trận bom, 3 cô gái trẻTình, Thú, Thế thuộc A6 của Kim Huế đã hy sinh cùng lúc. Là người gần gũi từ lâu với C.759, tôi lại có mặt bên sông Gianh lúc đó, nên đơn vị đã giao cho tôi các di vật của 3 cô gái trẻ vừa hy sinh, trong đó có lá thư Thú viết về nhà đêm trước ngày hy sinh, về sau đã được đưa vào Bảo tàng TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc; một số thư còn lại tôi đã trao lại cho Bảo tàng Văn học Việt Nam. Lá thư Hoàng Thị Minh Thú, nay cũng đã thành hiện vật lịch sử. Thư đề ngày 18.1.1968, tức là ngày Thú hy sinh.

Những lá thư chưa kịp gửi của các cô gái tuổi đôi mươi đã làm nhiều người rơi nước mắt. Đã cónhững câu nói tương tự phát biểu trong hội nghị hay đăng báo, nhưng những lá thư của các cô gái A.6 gửi người thân là niềm tâm sự kín đáo, chứ đâu phải để công bố, nên thực sự là những dòng tâm huyết, thật xứng đáng ghi vào sử sách.

3. Chỉ xin lược qua đôi điều về những con người đã góp phần làm nên “Đường Hồ Chí Minh” huyền thoại và để bạn đọc hôm nay hiểu thêm mối quan tâm đặc biệt của Bác Hồ đối với các chiến sĩ mở đường Trường Sơn năm xưa. Trở lại câu chuyện về tấm ảnh lịch sử, thật may là tôi còn giữ được tờbáo “Tiền phong” trong đó có bài tường thuật Đại hội TNXP miền Bắc đầu năm 1967, có câu: “Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bo Huế đứng dậy để mi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đi hội vừa tặng Bác…”. Trong số báo này còn dành cả trang lớn đăng bài của tôi về C.759 anh hùng.

Kể lại câu chuyện xưa về một bức ảnh để rõ thêm một chi tiết lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam, cũng là dịp để hiểu thêm tấm lòng của lãnh tụ đối với chiến sĩ Trường Sơn thời bom đạn. 

 NGUYỄN KHẮC PHÊ

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top