Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Những câu hỏi day dứt từ Liên hoan...

Thứ Sáu 17/05/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Vở diễn mới dàn dựng nhưng có cảm giác nó được dựng cách đây vài ba thập kỷ. Không ít khán giả vì quá mệt mỏi phải bỏ về nửa chừng bởi không thể kiên nhẫn ngồi xem đến hết vở dài tới hơn hai giờ đồng hồ.

 “Điều còn lại” của Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, một vở diễn hay về đề tài hậu chiến tranh ở thể loại Dân ca kịch

 Vấn đề là khoảng thời gian ấy dường như bị chết, bị uổng phí khi mà người xem phải đón nhận một cấu trúc kịch bản cũ kỹ từ cách thể hiện cho tới giá trị tư tưởng, lối dàn dựng mòn mỏi, đơn điệu…

Người xem sẽ dần dần “ly hôn” với sân khấu?

Có lẽ bản thân những người làm ra tác phẩm ấy cũng cảm nhận được phần nào cái yếu và thiếu của đơn vị mình khi đến với liên hoan lần này. Hơn lúc nào hết, nghệ thuật truyền thống nói chung, tuồng, dân ca kịch nói riêng đang đòi hỏi gay gắt sự đổi mới và bứt phá.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, thành viên Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 nhận định: “Chất lượng của các vở diễn tham gia liên hoan cho thấy sự bùng nhùng, không rạch ròi trong tư duy dàn dựng của các đơn vị. Họ đang không phân định được giữa bản cổ và thị trường, nhùng nhằng giữa đổi mới không ra đổi mới. Cần báo động về tư duy của tác giả, của đạo diễn vì họ đã không theo kịp được hơi thở thời đại, của cuộc sống hôm nay, và đặc biệt nhiều tác phẩm không theo kịp được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Khán giả bây giờ giỏi lắm, họ còn soi được cả chuyên môn của đạo diễn, nghệ sĩ như lỗi phục trang, ca từ hay trang trí sân khấu, soi cả kiến thức lịch sử sai của tác giả nếu có…”.

Dẫu có “chọn mặt gửi vàng”, gửi gắm tác phẩm vào những tên tuổi tác giả, đạo diễn có nghề, quen thuộc của tuồng, dân ca kịch nhưng đã có những vở diễn hoàn toàn thất bại, thậm chí như nhận xét của người trong ngành thì nhìn toàn diện không thể đạt được một mặt nào từ kịch bản, dàn dựng cho diễn xuất. Theo NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng nghệ thuật, nếu cứ làm nghệ thuật theo cái cách như thế này thì khán giả sẽ tiếp tục xa rời sân khấu truyền thống và họ sẽ “ly hôn” đơn phương.

Một vấn đề bộc lộ rất rõ tại liên hoan lần này đó là sự thiếu hụt tài năng trẻ trong các đơn vị. Mà sự thiếu hụt này theo nhà văn Nguyễn Quang Vinh không phải là do các đoàn thiếu người trẻ không thể gánh vác các vai chính mà lại là do các anh chị diễn viên lớn tuổi vẫn chiếm lĩnh các vai nòng cốt. Đó là lý do đa phần các vai diễn quan trọng tại hội diễn, diễn viên đóng vai đều vượt khung 40 tuổi trở lên. Và cũng thật kỳ lạ là có những vai diễn lẽ ra cần một người trẻ thể hiện thì lại giao cho nghệ sĩ có danh hiệu và sắp đến tuổi nghỉ hưu.

 Cặp vợ chồng nghệ sĩ Lộc Huyền – Mạnh Linh cùng thăng hoa vai vợ chồng Tả quân Lê Văn Duyệt trên sân khấu

Đừng sợ chúng ta “gieo vừng, ra ngô”

Đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà cho rằng, vấn đề đặt ra chính là những người làm nghệ thuật truyền thống cần phải thay đổi tư duy sáng tạo. Sân khấu truyền thống không thể đứng ngoài cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà phải tìm cách tiếp cận và hội nhập. Có rất nhiều những yêu cầu đổi mới để sân khấu truyền thống tiệm cận với khán giả, trong đó là cần đẩy nhanh tiết tấu, xung đột kịch phải “nóng”, vở diễn phải có “lửa” và phải đưa được những tư duy mới vào dàn dựng. “Có thể nói rằng, hiện nay khán giả đang rời bỏ sân khấu truyền thống. Tại sao những người làm nghệ thuật không tìm kiếm những giải pháp để thay đổi mà cứ ôm khư khư những bảo thủ, trì trệ. Cứ thế sân khấu truyền thống chắc chắn sẽ đi tới sự triệt tiêu. Chính vì vậy cần trân trọng những cái mới, đừng sợ chúng ta “gieo vừng, ra ngô” nếu nắm chắc những đặc trưng và nguyên tắc của từng loại hình sân khấu kịch hát và không phá vỡ những kĩ thuật biểu diễn của truyền thống đó là “thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần”, NSND Giang Mạnh Hà khẳng định.

Có buồn không khi đầu buổi diễn thì đông khán giả nhưng đến cuối thì vắng hoe? Có buồn không khi những nghệ sĩ có tuổi vẫn phải xông pha đóng những nhân vật tuổi đôi mươi? Có buồn không khi một liên hoan mà đồng nghiệp cứ phải xem đi xem lại một phong cách dàn dựng quá cũ, quá quen thuộc đến nỗi không xem cũng biết vở diễn sẽ thế nào... Có lẽ vì vậy mà đồng nghiệp cảm thấy trân trọng, lan tỏa cảm xúc khi có được những vở diễn, những tên tuổi mới xuất hiện trong làng nghệ thuật truyền thống.

Trong lúc sân khấu đang khó khăn thiếu thốn trăm bề, khủng hoảng khán giả đến mức có đơn vị diễn miễn phí mà cũng không có mấy ai tới xem thì tại Liên hoan lần này, đồng nghiệp vẫn ghi nhận ngọn lửa đam mê nghề vẫn cháy âm ỉ trong những nghệ sĩ… Cũng thật xúc động khi chứng kiến hai vợ chồng tài năng trẻ Lộc Huyền, Mạnh Linh cùng thăng hoa vai vợ chồng Tả quân Lê Văn Duyệt trên sân khấu, hay không ít khán giả đã rơi lệ khi chứng kiến hoàn cảnh éo le của những người lính hậu chiến ở Điều còn lại (Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ). Cũng trân trọng sự cầu thị, muốn đổi mới bằng cách mạnh dạn đưa đạo diễn trẻ, tác giả mới tham gia vào chương trình dự thi ở một số các đơn vị nghệ thuật... 

 Nếu cứ làm nghệ thuật theo cái cách như thế này thì khán giả lại sẽ tiếp tục xa rời sân khấu truyền thống và hoặc họ sẽ “ly hôn” đơn phương.

(NSND Giang Mạnh Hà, thành viên Hội đồng nghệ thuật)

 

Cần báo động về tư duy của tác giả, của đạo diễn… vì họ đã không theo kịp được hơi thở của thời đại, của cuộc sống hôm nay và đặc biệt nhiều tác phẩm không theo kịp được nhu cầu thưởng thức của khán giả…

(Nhà văn Nguyễn Quang Vinh, thành viên Hội đồng nghệ thuật)

 

THÚY HIỀN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top