Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Vơi đi nỗi lo “Ở nhà một mình”

Thứ Sáu 17/05/2019 | 10:29 GMT+7

VHO- Chỉ còn một hai tuần nữa là học sinh các cấp kết thúc năm học, bắt đầu nghỉ hè. Cùng với nỗi vui mừng của con trẻ vì được tạm xa sách vở, là nỗi lo lắng của cha mẹ khi trẻ ở nhà một mình.

 Chiếc bánh thạch do tự tay Quỳnh Anh làm đã được khách đặt mua

Những năm gần đây, để giải quyết nỗi lo khi con nghỉ hè “ở nhà một mình” và làm bạn với máy tính, nhiều cha mẹ đã phải tính đến các phương án cho mùa hè của con trở nên bổ ích.

Nở rộ các khóa học kỹ năng

Đối với các bé mầm non, đa phần các gia đình không có ông bà trông coi hoặc không gửi được về quê thì đều tìm đến các trường tư có nhận trông trẻ dịp hè để gửi, chấp nhận mức phí cao hơn trong năm học. Các học sinh tiểu học thì có nhiều lựa chọn hơn, trong đó, việc đăng ký cho con tham gia chương trình bán trú tại các trung tâm Anh ngữ hoặc trung tâm dạy kỹ năng sống là một sự lựa chọn tương đối hợp lý. Tại các trung tâm này, các em được học tiếng Anh với hình thức vừa học vừa chơi, tham gia các buổi rèn luyện kỹ năng sống và thỉnh thoảng được đi dã ngoại. Chi phí cho mỗi khóa học từ 2-4 tuần dao động từ 7-12 triệu đồng.

Học sinh Trung học cơ sở là đối tượng khiến các bậc cha mẹ lo lắng nhất. Ở lứa tuổi vị thành niên, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, thích khám phá và thích khẳng định mình, các em khiến việc quản lý của bố mẹ trở nên khó khăn. Đặc biệt, đây cũng là lứa tuổi có nhiều em ham mê chơi games nên nhiều khi để các em ở nhà một mình, có thể khiến tình trạng nghiện games trở nên trầm trọng hơn. Chính vì vậy, các khóa học hè mang tên rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm mùa hè thú vị nở rộ. Với mức phí trên dưới chục triệu, các em sẽ tham gia các khóa học khác nhau, theo sự lựa chọn của từng gia đình. Với khóa học về kỹ năng sống, các em được rèn luyện các kỹ năng cơ bản như kỹ năng đối phó với các tình huống nguy hiểm khi ở nhà một mình (cháy nổ, trộm đột nhập…), cách xử lý khi bị đuối nước, tai nạn… Có khóa học lại dạy các em cách tự chuẩn bị một bữa ăn, từ khâu đi mua thực phẩm, chế biến đến dọn dẹp sau bữa ăn. Đặc biệt, một số trung tâm đã tổ chức các khóa hè tại các vùng ngoại thành để các em trải nghiệm công việc của nhà nông: trồng cây, bắt cá. Nhiều bậc cha mẹ lại chọn cho con các khóa học đặc biệt như khóa tu thiền tại chùa, khóa học võ. Vài năm trở lại đây, nhiều chùa đã mở các khóa học tu thiền cho học sinh nhân dịp nghỉ hè, nhằm rèn cho các em tính kiên nhẫn, biết lắng nghe, biết chia sẻ.

 Tham gia trò chơi vận động là điều cần thiết cho trẻ

Không chỉ các khóa học trong nước, hiện nay một số trung tâm đã tổ chức các khóa trải nghiệm ở nước ngoài với thời gian từ 2 tuần đến 2-3 tháng. Đối với các khóa học này, ngoài việc được rèn luyện kỹ năng sống, được mở mang kiến thức, các em còn có cơ hội rèn luyện, nâng cao trình độ ngoại ngữ khi được giao tiếp với người nước ngoài ngay tại bản địa. Tuy nhiên, các khóa học này có mức phí không hề rẻ, tùy theo thời gian và chương trình tham gia mà mức phí có thể từ vài chục triệu đến cả trăm triệu. Đối với các khóa học này, chỉ dành cho những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả.

Để không chỉ là “tiêu hết” thời gian

Được bố mẹ đăng ký cho tham gia một khóa du học hè ngắn hạn tại Singapore với mức phí 40 triệu/2 tuần, em Đặng Tuấn Anh ở Hà Đông - Hà Nội tỏ ra không mấy hào hứng. Em cho biết, mùa hè năm nào em cũng phải tham gia những khóa học hè do bố mẹ tìm và đăng ký sẵn. Ví như năm ngoái, em tham gia một khóa tu thiền tại chùa trong thời gian 1 tháng. Năm nay, bố mẹ em đăng ký cho em tham gia một khóa ở nước ngoài với mục đích “để cho con mở mang đầu óc”. Tuy nhiên, Tuấn Anh cho rằng, với em, khóa học nào cũng thế, miễn là tiêu cho hết thời gian nghỉ hè để bố mẹ yên tâm.

Bên cạnh những học sinh được cha mẹ chọn và đăng ký sẵn cho khóa học hoặc chương trình trải nghiệm nào đó, thì một số học sinh lại tự thiết kế chương trình riêng cho mùa hè của mình. Bạn Nguyễn Trí Dũng, đang học lớp 9 tại một trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: Hiện em đang ôn để thi tốt nghiệp THCS. Em dự định thi xong sẽ tự đi xin việc để làm thêm vào mùa hè. Dũng cho biết, sẽ chọn các nhà hàng ăn uống có nhiều khách nước ngoài để có cơ hội trau dồi khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh. “Em sẽ tự đi xin việc làm thêm vì em muốn xem mình có thể làm được những gì. Với độ tuổi học sinh THCS, chưa có tay nghề gì nên việc lựa chọn công việc phục vụ có lẽ là phù hợp hơn cả. Tuy nhiên, việc phục vụ ở nhà hàng, quán ăn không hề đơn giản, em sẽ cố gắng để bố mẹ không phải bỏ tiền ra đền cho nhà hàng”, Dũng chia sẻ.

Còn bạn Dương Quỳnh Anh thì quyết định “không làm thuê” mà làm chủ. Với khoản tiền mừng tuổi dịp Tết, Quỳnh Anh góp với mẹ để mở một tiệm bánh online. Mẹ Quỳnh Anh rất khéo tay và có thể làm nhiều loại bánh như bánh su kem, bánh mì hoa cúc, bánh bao, bánh bông lan, chè bưởi… nên hai mẹ con sẽ tranh thủ làm và rao bán online. Năm ngoái, với tiệm bánh nhỏ này, Quỳnh Anh cũng đã có một mùa hè bận rộn và bổ ích. 

HOÀNG HƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top