Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Đừng “thu mình” vì ngại va chạm

Thứ Hai 20/05/2019 | 09:43 GMT+7

VHO- Mấy ngày qua, dư luận lại một lần nữa xôn xao khi clip hàng loạt học sinh tiểu học trong một lớp học liên tục bị cô giáo tát, vụt trong giờ kiểm tra vì làm bài chậm hoặc làm sai. Vụ việc một lần nữa khiến dư luận thêm phẫn nộ về tình trạng bạo lực học đường.

Hình phạt cô giáo bắt học sinh quỳ gây nhiều tranh cãi

 Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, những vụ việc này lại đang khiến nhiều giáo viên “thu mình lại” vì ngại va chạm.

Tranh cãi xung quanh những hình phạt

Khung cảnh buổi kiểm tra với những tiếng quát mắng, những màn “hạ cẳng tay” của cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang đối với học sinh lớp 2A7, Trường Tiểu học Quán Toan (quận Hồng Bàng - TP. Hải Phòng), ắt hẳn làm nhiều người thấy sợ. Đặc biệt là tiếng vụt, tiếng học sinh la hét, tiếng cô giáo quát mắng, khiến những ai xem clip, không nghĩ đó là một lớp học bình thường. Cùng với vụ việc này là một số vụ việc trước đó như việc cô giáo ở Quảng Bình cho các bạn trong lớp tát một bạn hàng trăm cái, rồi giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng… khiến phụ huynh cảm thấy có sự bất an khi con đến trường.

Những vụ việc liên tiếp xảy ra, cũng gây ra nhiều cuộc tranh cãi với những ý kiến trái chiều. Việc giáo viên bạo hành học sinh, ở mức độ nặng có thể xử lý hình sự, nhẹ hơn thì bị xử lý kỷ luật. Nhưng có những vụ việc, nhiều người phân vân, như vụ cô giáo bắt học sinh quỳ ở trường THCS Tô Hiệu (Thường Tín, Hà Nội). Ý kiến đồng ý với việc phải xử lý nghiêm hành vi bạo lực đối với học sinh thì cho rằng, giáo viên chỉ làm nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, không được đụng đến thân thể, danh dự, nhân phẩm của học sinh. Mọi biện pháp xử phạt học sinh đều phải theo quy định của pháp luật, không được tùy tiện áp dụng các biện pháp mà nhà trường và giáo viên không được phép. Những người khác lại cho rằng, học sinh hiện nay được tự do quá đà nên nếu không nghiêm, các em có thể hư, không thể dạy nổi.

Thầy Phạm Văn Ngát, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Liệt (Thanh Trì - Hà Nội) cho biết, việc kỷ luật giáo viên vì các hình phạt đối với học sinh đã khiến có những giáo viên có tâm lý an phận. Theo thầy Ngát, giáo viên có hành vi bạo lực học sinh thì tất nhiên phải xử lý nghiêm, nhưng đối với những giáo viên áp dụng một số hình thức phạt có phần cứng rắn, thì cũng nên xem xét trong bối cảnh thực tế. Bởi hiện nay có một số học sinh của các trường thường xuyên không chấp hành nội quy, quy định, trốn tiết đi chơi điện tử, tụ tập nhóm trên mạng nói xấu nhau, hẹn đánh nhau… nếu giáo viên không nghiêm, nhiều khi các em sẽ ngày càng hư hỏng. Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc quá, lại có thể bị vượt quá giới hạn.

Cần xử lý linh hoạt

Cô Hoàng Thị Lâm từng là giáo viên một trường THPT tại Cao Bằng chia sẻ: Cách đây vài năm, cô chủ nhiệm một lớp có mấy học sinh cá biệt, trong đó có một bạn cầm đầu. Cứ vào tiết học của các thầy cô bộ môn là học sinh này lại giở trò quậy phá. Có hôm vào tiết, cô yêu cầu đóng cửa sau của lớp, học sinh nào muốn ra ngoài phải lên bàn cô xin phép và đi ra bằng cửa trước. Hôm đó bạn học sinh cá biệt đứng lên xin phép ra ngoài, với lí do “em buồn”. Cô lập tức lái câu chuyện sang hướng khác: Nếu em có chuyện gì buồn, thì hôm nay cô và các bạn sẽ dành cho em một buổi để em giãi bày, vì cô nghĩ vừa ra chơi vào lớp nên em không thể buồn chuyện kia. Cuối cùng bạn ấy đi xuống cuối lớp và học đến cuối tiết học. Sau này, học sinh đó đã trưởng thành, nhờ sự ân cần và kiên trì uốn nắn, kèm cặp của cô.

Cô Dương Lan Hương, giáo viên một trường THPT ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng chia sẻ, vốn dĩ học trò xưa nay được ví là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” nên các em cũng không thiếu gì trò nghịch ngợm, từ buộc tà áo dài của bạn ngồi trước vào thanh bàn phía sau khiến lúc bạn đứng lên áo dài bị rách toạc và ngã dúi dụi, đến việc tụ tập nói xấu nhau, đánh nhau. Thế nên, giáo dục các em như thế nào cần có phương pháp linh hoạt, không thể cứng nhắc. Tuy nhiên, để các em không vi phạm, trước là vi phạm nội quy trường lớp, sau là vi phạm pháp luật thì cha mẹ phải đồng hành cùng nhà trường. Nếu ở nhà, các em là “vua con” thì đến trường thầy cô nào còn dạy dỗ được. Gia đình, phụ huynh học sinh không phối hợp, ủng hộ nhà trường thì giáo viên cũng sẽ không dám đụng đến các em.

Thầy Phạm Văn Ngát cũng cho rằng, để nâng cao đạo đức của cả thầy và trò, trước hết, các giáo viên cần nắm rõ các quy định về đạo đức giáo viên về chuẩn nghề nghiệp theo các quy định của Bộ GD&ĐT, không được áp dụng các hình phạt vi phạm pháp luật. Giáo viên cũng phải gương mẫu trong việc dạy dỗ và trong phong cách sống. Đặc biệt, giáo viên cần hiểu biết về tâm, sinh lí học sinh và các quy định pháp luật liên quan. 

HOÀNG HƯƠNG

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top