Sở Y tế Nghệ An thông tin nguyên nhân gây sự cố bệnh nhân bị sốc khi chạy thận

VHO-Sáng 5.8, Sở Y tế tỉnh Nghệ An tổ chức buổi họp báo công bố nguyên nhân 10 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có biểu hiện sốc, trong đó có 2 bệnh nhân bị nặng phải chuyển ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) điều trị. Theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, nguyên nhân gây ra sự cố y khoa chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Nghệ An là do hệ thống dẫn nước RO.

Theo Sở Y tế, ngày 4.8, Hội đồng chuyên môn do Sở thành lập gồm các nhà khoa học trong tỉnh và hai chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai đã làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học và đi đến kết luận: Hệ thống RO có bộ phận sản xuất và tạo nước RO hoàn toàn bình thường, hệ thống dẫn nước RO đến các máy có những điểm nối và gấp khúc, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Hệ thống dẫn nước RO được lắp đặt trước năm 2016, trước khi Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31.12.2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực. Trên hệ thống dẫn nước RO có nhiều điểm nối và gấp góc, có điểm chết làm ứ đọng nước. Hội đồng kiến nghị việc khắc phục sự cố: Bệnh viện Đa khoa Nghệ An rà soát lại toàn bộ quy trình, hệ thống chạy thận nhân tạo; thay toàn bộ hệ thống dẫn nước R.O theo tiêu chuẩn quy định.

Sở Y tế Nghệ An thông tin nguyên nhân gây sự cố bệnh nhân bị sốc khi chạy thận - ảnh 1

Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An thông tin về sự cố chạy thận ở Bệnh viện hữu nghị Đa khoa Nghệ An.

Trước đó, ngày 30.7, trong quá trình chạy thận, 10 bệnh nhân đang lọc máu có dấu hiệu bất thường. Trong đó, 4 bệnh nhân chỉ có biểu hiện thoáng qua, tự khỏi sau khi kết thúc cuộc lọc, theo dõi tại bệnh viện trong thời gian 30 phút không thấy biểu hiện bất thường nên đã được ra viện. 6 bệnh nhân còn lại có biểu hiện nặng hơn với các triệu chứng rét run, sốt mệt khó thở khi đang lọc mẫu thu được 2 đến 3 giờ.

Các bệnh nhân đã được hạ sốt, ngừng lọc máu, trong đó 3 bệnh nhân hết triệu chứng sau khi ngừng lọc khoảng 20-30 phút theo dõi, không thấy các triệu chứng nặng nên đã được cho về. Còn 3 bệnh nhân gồm: Đặng Thị Trường (SN 1957, trú ở huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An); Nguyễn Thị Hường (SN 1986, trú huyện Nam Đàn, Nghệ An) và Hồ Thị Lộc (SN 1980, trú ở huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có biểu hiện sốt rét run, tụt huyết áp khó thở đã được chuyển khoa hồi sức tích cực chống độc.Trong sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, các bệnh nhân đã được cấp cứu kịp thời, hiện tại những bệnh nhân nặng đã ổn định, không có trường hợp nào tử vong.

PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc