Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
29 Tháng Ba 2024

Đưa du lịch bứt phá từ tài nguyên văn hóa

Thứ Sáu 22/11/2019 | 10:54 GMT+7

VHO- Không những là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” với 100 năm tuổi của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Bạc Liêu còn là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với hệ thống di tích đa dạng và phong phú… là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa hết sức quý giá làm nên tiềm năng và thế mạnh để Bạc Liêu đưa du lịch bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

 Thứ trưởng Lê Quang Tùng dự khai mạc và tham quan Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019

 Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng tại lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 và Chương trình nghệ thuật “Dạ cổ hoài lang với các miền di sản”.

Cái nôi của bản “Dạ cổ hoài lang”

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quang Tùng, du lịch nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, được Tổ chức Du lịch thế giới xếp hạng thứ 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới. Tại sự kiện trao giải thưởng Du lịch thế giới (WTA) năm 2019 cũng đã bình chọn Việt Nam là điểm đến du lịch, văn hóa và ẩm thực hàng đầu châu Á. Việt Nam còn đứng hàng đầu trong các quốc gia khu vực Đông Nam Á với 20 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Đây thực sự là cơ hội thuận lợi để du lịch Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có du lịch Bạc Liêu bứt phá phát triển.

Thời gian qua, du lịch Bạc Liêu phát triển tương đối tốt so với nhiều địa phương trong vùng, ngoại trừ lượng khách quốc tế mới chỉ đón khoảng 50.000 lượt, thế nhưng lượng khách nội địa năm 2018 đã tăng nhanh, đạt khoảng 1,8 triệu lượt. Đặc biệt, tổng thu từ khách du lịch rất cao và đạt 1.600 tỉ đồng, chỉ thấp hơn Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ. Nói về tiềm năng và lợi thế du lịch của Bạc Liêu, Thứ trưởng Lê Quang Tùng nhấn mạnh, không những là nơi sản sinh ra bản “Dạ cổ hoài lang” với 100 năm tuổi, Bạc Liêu còn là một trong những cái nôi của Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cùng với hệ thống di tích đa dạng và độc đáo như công trình kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu 100 năm tuổi, nơi hội tụ nhiều dòng văn hóa đặc sắc, con người hào hiệp, hiếu khách… thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa vô giá làm nên tiềm năng và thế mạnh để Bạc Liêu đưa du lịch bứt phá, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, Bạc Liêu cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các địa phương trong và ngoài vùng, đặc biệt là với TP.HCM - trung tâm phân phối khách, đồng thời là thị trường nguồn khách nội địa hàng đầu của cả nước.

Đánh giá cao tỉnh Bạc Liêu đã có nhiều chú trọng đến việc nhận diện giá trị, lập danh mục và xếp hạng hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn trong thời gian qua. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn, tổ chức tôn vinh nghệ nhân, xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú… nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh về văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế. Qua đó khai thác và phát huy giá trị của di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, kinh tế và xã hội địa phương. Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết, Bộ VHTTDL sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để triển khai hiệu quả các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa, cảnh quan môi trường, nếp sống văn minh để tạo tiền đề cho du lịch phát triển bền vững.

Bạc Liêu đưa du lịch bứt phá từ tiềm năng và lợi thế về văn hóa

Quảng bá những nét văn hoá đặc sắc

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, Bạc Liêu rất quan tâm gìn giữ, tôn vinh và phát huy các giá trị di sản văn hóa tốt đẹp. Đồng thời tập trung khai thác thế mạnh, tiềm năng văn hóa của tỉnh nhà, kết hợp hài hòa trong phát triển để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nổi bật là việc gìn giữ và lan tỏa giá trị của bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời cách đây đúng 100 năm, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hay như công trình kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu được hình thành cách đây 100 năm.

Diễn ra từ ngày 19 - 22. 11, Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu 2019 lần đầu tiên được tổ chức gắn với sự kiện kỷ niệm 100 năm ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, 100 năm hình thành kiến trúc nghệ thuật Nhà Công tử Bạc Liêu với nhiều hoạt động văn hóa, du lịch đa dạng và phong phú. Thu hút gần 1.000 nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên của 19 tỉnh - thành phố trên cả nước tham gia. Qua đó, giới thiệu và quảng bá các nét đặc sắc về văn hóa, du lịch của tỉnh nhà đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời kết nối, hợp tác xúc tiến đầu tư, tăng cường kết nối tour, tuyến thu hút du khách... Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới, nhất là giữa TP.HCM và 13 tỉnh - thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng tại Tuần Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu, lần đầu tiên có sự hội tụ của nhiều di sản văn hóa phi vật thể khắp cả nước đã được UNESCO vinh danh như: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đến từ tỉnh Đắk Lắk, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ đến từ tỉnh Quảng Nam, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hát Xoan đến từ tỉnh Phú Thọ, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến từ tỉnh Nam Định… hòa điệu cùng với Đờn ca tài tử Nam Bộ do các tỉnh Ninh Thuận, Long An, Bạc Liêu đồng biểu diễn. 

HOÀNG HẢI

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top