Hà Nội​​​​​​​: Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo kịp thời

VHO- Xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc gắn với xây dựng thiết chế văn hóa, phát huy giá trị di sản, tăng cường giao lưu về văn hóa, phát triển thể dục - thể thao...; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội...

Hà Nội​​​​​​​: Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo kịp thời - Anh 1

 Lễ hội Hoa anh đào là một trong những hoạt động giao lưu văn hóa thường niên giữa Hà Nội và Nhật Bản

Đó là những nội dung quan trọng được Thành ủy Hà Nội đưa vào nội dung chương trình “Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2016 - 2020”.

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá, năm năm qua, Chương trình số 04 của Thành ủy đã được chỉ đạo thực hiện một cách tập trung, đồng bộ. Những chủ trương, chính sách của Trung ương và TP về văn hóa và con người đã đi vào thực tiễn cuộc sống với những cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp, tạo động lực quan trọng trong tiến trình xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Trong đó hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm triển khai đến các quận, huyện, thị xã; nâng cao chất lượng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, đồng thời với các mô hình cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Công tác quản lý nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Với 5.922 di tích; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể (toàn bộ đã được cập nhật vào phần mềm hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Trung ương); những vụ việc vi phạm trong quản lý về di sản ngày càng giảm và được xử lý kịp thời. Các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cũng chính là những địa điểm triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng tăng cường hợp tác và giao lưu về văn hóa với các hoạt động, sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn thường niên, đặc trưng tại Thủ đô, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Đã có tổng số gần 400 sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch tổ chức trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 65 sự kiện quốc tế và 21 sự kiện của các tỉnh, thành phố trong nước, như Ngày văn hóa Hà Nội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên thế giới, tổ chức hoạt động văn hóa, giao lưu quốc tế: Các tuần lễ văn hóa Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Toulouse (Pháp)…

Về việc thực hiện nếp sống văn minh trong tổ chức đám cưới, tang, lễ hội đã được sự đồng thuận của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, ông Quý cũng nêu ra những nhược điểm cần khắc phục trong thời gian tới là một số hoạt động trong lĩnh vực văn hóa như hoạt động quảng cáo, kinh doanh dịch vụ văn hóa… vi phạm và tái vi phạm vẫn còn tiềm ẩn. Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời; một số nội dung xây dựng thiết chế văn hóa thực hiện chưa đảm bảo tiến độ, kế hoạch đề ra.

Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhận được sự quan tâm hưởng ứng của cán bộ, công chức và nhân dân Thủ đô, tuy nhiên kết quả triển khai tại các địa phương chưa đồng đều, ứng xử của người dân tại nơi công cộng chuyển biến chưa thực sự rõ nét.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc