Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Anh hùng Lao động dưới chân núi Lang Biang

Thứ Hai 27/01/2020 | 11:24 GMT+7

VHO- Ròng rã suốt mười lăm năm trời, bất kể mưa hay nắng, sớm hay muộn và hiểm nguy luôn rình rập, một mình ông lặng lẽ đi tới hầu khắp các bản làng của huyện Lạc Dương để làm công việc bình dị, đó là đưa thư…

Cil Múp Ha K’riêng chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Đảng và các gương thi đua yêu nước tiêu biểu tại Hà Nội năm 2003

Người đàn ông ấy là Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng ở buôn Bnơr C (thị trấn lạc Dương, Lạc Dương, Lâm Đồng). Đưa thư, thoạt nghe là nghề rất đỗi quen thuộc, bình thường với nhiều người bởi có gì nặng nhọc, gian khó đâu, nhưng liên tục đi bộ, băng rừng với muôn vàn mối nguy hiểm chực chờ để đưa thư suốt 15 năm trời thì đúng thật là chuyện hiếm có.

Hơn 5.000 ngày đi bộ đưa thư

Vào một buổi trưa khá muộn, chúng tôi tìm về buôn Bnơr C để hỏi thăm về Anh hùng Lao động đưa thư nổi tiếng một thời thì hầu như ai ai cũng biết. Một người trong buôn đã rất nhiệt tình đưa chúng tôi đến tận nhà ông. Dù mới 63 tuổi nhưng do ảnh hưởng của bệnh tật nên sức khỏe của ông đã yếu với đôi mắt bị mù lòa và hai chân cũng không còn đi lại được nữa. Nghe tin chúng tôi đến thăm chuyện ông vẫn gọi vợ đỡ dậy để ngồi tiếp khách.

Bên trong ngôi nhà vừa được gia đình xây dựng lại khang trang hơn trước, ông miên man kể về những năm tháng đầy gian truân với nhiều kỷ niệm và sự tự hào của mình... Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, chàng trai K’riêng được bưu điện huyện Lạc Dương nhận vào làm bưu tá, chịu trách nhiệm vận chuyển thư từ, công văn của bưu điện đến các địa bàn trong huyện. “Ngày đó điều kiện đi lại còn nhiều thiếu thốn nên mình chỉ toàn đi bộ để đưa thư từ. Hầu như ngày nào mình cũng phải đi bộ gần cả trăm cây số đường rừng để đến được địa bàn. Con sông Đạ Dâng khi ấy chưa có cầu bắc qua nên muốn sang được bờ bên kia thì phải lội sông. Có những hôm trời mưa lớn, nước sông dâng cao, sợ thư từ, công văn bị chậm trễ mình phải dùng nhiều túi nilong bọc lại thật kỹ rồi cứ thế ôm đống tài liệu bơi qua bên kia sông”, ông kể.

Ông vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” trong thời kỳ đổi mới

Trong những năm tháng gian khó ấy, ông phải ăn cơm nắm, ngủ rừng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Không những thế, nhiều lần còn phải đối mặt với nguy hiểm từ thú rừng bởi thời đó thú hoang ở đây còn rất nhiều. Ông nhớ lại: “Một lần, khi cùng một người bưu tá khác của cơ quan mang bưu phẩm từ bưu điện huyện về xã Đạ Tông. Trong lúc hai anh em đang xăm xăm cắt rừng để đi thì bất ngờ xuất hiện một con gấu to lớn trước mặt. Khi cả hai chưa kịp hoàn hồn thì con gấu đã lao vào tấn công người kia khiến anh ấy bị nhiều vết thương, máu đầm đìa khắp cơ thể. Lúc đó trong tay mình có một cái xà gạt (loại dụng cụ truyền thống của người đồng bào nơi đây, có cán dài, lưỡi bằng sắt, dùng để phát nương rẫy) mà đi đâu mình cũng mang theo. Quên cả sợ hãi mình lao vào con gấu vừa vung xà gạt vừa la lớn để xua đuổi nó đi. Thật không may lúc đó chiếc xà gạt bị văng khỏi tay, mình vội vơ đại khúc gỗ gần đó để đánh tiếp với con thú hung hãn. May mà con gấu rút lui nên chúng tôi mới thoát nạn”.

Sao lúc đó ông không bỏ chạy, K’riêng chỉ cười hiền lành: “Thật ra lúc đó mình cũng không biết có sợ không nữa, nhưng thấy bạn như vậy, cái bụng chỉ nghĩ là phải làm sao cứu cho bằng được anh ấy thôi. Nhưng về sau nghĩ lại cũng thấy rợn người”.

Trong những năm sau giải phóng, tình hình an ninh, trật tự khu vực Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng còn nhiều bất ổn do nạn Fulro quấy phá. Chính vì thế, việc đi lại đối với những người của chính quyền như ông là hết sức nguy hiểm nếu bị phát hiện. “Hầu như lúc nào đi làm nhiệm vụ mình cũng phải giả dạng như một người dân bình thường đang lên nương rẫy để chúng nó không nhận ra, nêu không sẽ bị giết hoặt bắt đi lính”, ông cho biết. “Có một chuyện mà đến giờ này mình vẫn còn day dứt không nguôi. Hôm đó đáng ra là phiên làm việc của mình nhưng đêm hôm trước mình bị sốt rét hành hạ dữ dội không thể dậy nổi, nên nhờ vợ đi báo với lãnh đạo của bưu điện. Thế là cơ quan đành phải cử hai người khác đi thay. Và việc đau đớn đã xảy ra khi chuyến đi đó đã khiến họ mãi mãi không bao giờ trở về được nữa. Rocket của bọn Fulro đã giết chết hai người bưu tá ấy. Nếu như ngày đó tôi không bị sốt thì có lẽ họ không gặp phải chuyện đau lòng như vậy...  ”, nói đến đây nước mắt ông giàn giụa vì không kìm nén được cảm xúc.

Ông đã không cầm được nước mắt khi nhớ về những kỷ niệm trong khoảng thời gian công tác trước đây của mình

Nước mắt và vinh quang

Bắt đầu làm việc tại bưu điện từ năm 1980 nhưng phải mãi 15 năm sau Cil Múp Ha K’riêng mới được cơ quan cấp cho chiếc xe máy để đi lại trong lúc làm việc. “Bao nhiêu năm đi bộ tự nhiên một ngày có được chiếc xe máy để chạy mình sướng cái bụng lắm, nhưng nhiều lúc cũng nhớ những khi đi bộ”, người bưu tá già hóm hỉnh. Nhưng một điều không mong muốn đã ập xuống  ông và gia đình: “Năm 2006, trong lúc đang làm việc thì mình bị phát hiện có khối u trong não cần phải mổ gấp nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Thế là gia đình phải khăn gói đưa xuống TP. HCM để mổ”, ông chia sẻ.

Do ảnh hưởng của những di chứng từ ca mổ, đôi mắt của ông cứ mờ dần. Chưa dừng lại ở đó, đôi chân của con người có ý chí và nghị lực kiên cường đó cũng dần bị liệt khiến bản thân ông không thể đi lại được. Vì thế, đến năm 2008 ông được nhà nước giải quyết cho nghỉ hưu sớm. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, rất nhiều lần Cil Múp Ha K’riêng đã được tuyên dương, khen thưởng. Và điều đặc biệt đã đến, năm 2001 ông vinh dự được Chủ tịch nước kí quyết định trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kì đổi mới. Hiện ông và vợ đang sống dựa vào khoản lương hưu và trợ cấp xã hội với gần ba triệu đồng trong hoàn cảnh tương đối khó khăn. Nhắc đến người Anh hùng Lao động thầm lặng ấy không thể không nhắc đến người phụ nữ luôn luôn đứng phía sau âm thầm giúp đỡ để ông có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là bà Rơ Ông K’hai, vợ ông.

Năm 1983 ông kết hôn với K’hai và chuyển về sinh sống ở vị trí hiện tại. Trải qua hơn 35 năm chung sống với nhau, ông bà đã có với nhau được 3 mặt con gồm 2 gái 1 trai, đến nay tất cả đều đã yên bề gia thất. “Bởi vì đặc thù của công việc ngày đó nên hầu như mình đi suốt. Việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cũng như nương rẫy một tay vợ mình lo hết. Nhiều lúc thấy rất thương và áy náy nhưng không biết làm gì được”, ông nói trong niềm cảm kích.

Khi được hỏi có khi nào cảm thấy mệt mỏi hay than phiền gì về công việc của chồng mình không, Bà K’hai chỉ cười: “Lúc đó có một điều mình lo sợ nhất thôi, là sợ ông ấy gặp phải chuyện gì bất trắc trong những lúc đi lại nhiều như vậy. Còn lại mình rất ủng hộ công việc của chồng vì đó là công việc rất đáng tự hào”.

Ngày đó điều kiện đi lại còn nhiều thiếu thốn nên mình chỉ toàn đi bộ để đưa thư từ. Hầu như ngày nào mình cũng phải đi bộ gần cả trăm cây số đường rừng để đến được địa bàn. Con sông Đạ Dâng khi ấy chưa có cầu bắc qua nên muốn sang được bờ bên kia thì phải lội sông. Có những hôm trời mưa lớn, nước sông dâng cao, sợ thư từ, công văn bị chậm trễ mình phải dùng nhiều túi nilong bọc lại thật kỹ rồi cứ thế ôm đống tài liệu bơi qua bên kia sông.

(Anh hùng Lao động Cil Múp Ha K’riêng)

 

THÀNH KHIÊM

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top