Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Người dân ùn ùn trở lại Thủ đô sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài

Thứ Tư 29/01/2020 | 19:05 GMT+7

VHO- Người dân bắt đầu trở về Thủ đô sau kỳ nghỉ dài Tết Nguyên đán Canh Tý khiến một số tuyến đường ùn tắc, lượng xe khách đổ về bến cuối giờ chiều mỗi lúc một đông.

Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, người dân đã bắt đầu trở về Thủ đô, xe khách ken cứng người

Sau 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, người dân ngoại tỉnh ùn ùn đổ về Hà Nội vào chiều nay (ngày 29.1, tức ngày mùng 5 Tết). Các tuyến xe khách ken cứng người, khu vực xung quanh bến xe tắc nghẽn cục bộ.

Tại bến xe Giáp Bát, các xe khách liên tục vào bến “cõng” theo một lượng lớn hành khách. Ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô để chuẩn bị cho ngày làm việc mới.

Xách theo valy và cả một túi đồ to, chị Nguyễn Thị Diệu Hương (Nam Định) làm kế toán cho một công ty tư nhân vội vã tìm vào ghế nghỉ trong khu vực bến xe.

Chị Hương cho hay ngay sau khi ăn xong bữa cơm trưa, chị liền nhờ bố chở ra ngay trục đường quốc lộ gần nhà để đón xe. Với tâm lý lên sớm đỡ tắc đường và hy vọng có chỗ ngồi, chờ tới 30 phút, chị mới được lên xe.

“Nhiều xe khách chạy qua, thấy đồ đạc nhiều nhà xe không thèm vẫy hay bắt khách. Khi cánh cửa xe mở, rất đông hành khách ngồi ken cứng. Hàng ghế nhựa dọc lối đi cũng được nhà xe tận dụng làm ghế ngồi để ‘nhồi nhét’ khách,” chị Hương chia sẻ.

Theo chị, giá vé xe khách những ngày Tết này cũng cao vọt so với ngày thường nhưng cũng không có đủ chỗ mà ngồi bởi nhiều người có nhu cầu đi lại lên Thủ đô.

“Bình thường giá vé xe về Nam Định chỉ 70.000 đồng, nhưng trong chiều nay, giá xe đều đội thêm 30.000 đồng với lý do ngày lễ, Tết. Nếu không chấp nhận mức giá này, phụ xe liền không nhận và nói thêm còn nhiều người đang không có xe mà đi,” chị Hương ngao ngán nói.

Thậm chí, một số hành khách ở Bình Lục (Hà Nam) khi được phụ xe cho lên cũng phải chấp nhận giá vé đồng hạng giống như đi từ Nam Định.

Ngồi kế bên, bác Phạm Thanh Sơn (thành phố Ninh Bình) đang chờ con trai ra đón. Bác kể, do bà giúp việc gia đình chưa lên kịp nên ông bà phải lên phụ giúp vài ngày nên phải lên ngay trong chiều nay.

Khi ra tới bến xe, chiếc xe khách biển kiểm soát 35B-001.44 với số lượng 29 ghế ngồi chỉ có khoảng 15 người. Đi dọc đường lên tới Hà Nội, tài xế liền tấp vào lề đường để đón thêm khách. Chỉ chừng khoảng 20km, xe đã đông nghịt người, không có chỗ nhích chân. Thậm chí, chỗ lên xuống xe cũng được phía nhà xe tận dụng làm chỗ cho khách đứng.

“Phụ xe còn chọn người không có hành lý và ít đồ mới cho lên xe. Ấy vậy mà cả trục đường, nhiều người vẫn vẫy tay ra hiệu lên xe với hy vọng được lên Thủ đô sớm,” bác Sơn nói.

Theo bác Sơn, khi xe khách qua trạm thu phí Pháp Vân được khoảng 2km, hàng nghìn phương tiện “chôn chân” vì tắc nghẽn. Lượng xe đổ về quá đông và cùng thời điểm khiến cửa ngõ phía Nam của Thủ đô ùn tắc kéo dài.

Dọc trục đường Ngọc Hồi và Giải Phóng ùn tắc cục bộ bởi lượng phương tiện dồn về quá đông vào thời điểm cuối giờ chiều

Tại khu vực bến xe Giáp Bát, rất đông cánh tài xế xe Grab và xe ôm truyền thống đứng chèo kéo khách. Ngay dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe khách không vào bến mà tấp ngay sát lề đường để trả khách. Chỉ khi có lực lượng Thanh tra Giao thông, sự việc này mới không còn tiếp diễn.

Càng về cuối giờ chiều, lượng phương tiện nối đuôi nhau chờ vào cửa ngõ và các bến xe mỗi lúc một đông.

TTXVN

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top