Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới
19 Tháng Ba 2024

Phòng chống dịch bệnh do virus corona: Cẩn trọng nhưng không quá hoang mang

Thứ Hai 03/02/2020 | 10:52 GMT+7

VHO- Việt Nam đã có 7 người dương tính với virus corona, và các cơ quan Bộ, ngành đang căng mình với các hoạt động nhằm ngăn chặn, hạn chế dịch bệnh.

 Một bệnh nhân người Trung Quốc hiện đã có kết quả âm tính, và người còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm lần thứ hai

Đến ngày 2.2, Việt Nam đã ghi nhận 7 trường hợp dương tính với virus corona, trong đó có 2 người Trung Quốc và 4 người Việt Nam, 1 người Mỹ; 6 người trong số đó đều từ hoặc quá cảnh qua TP Vũ Hán (Trung Quốc), và 1 trường hợp bị lây nhiễm do tiếp xúc với bệnh nhân Trung Quốc tại Khánh Hòa.

Xây dựng kế hoạch ứng phó với dịch bệnh

Bộ Y tế cho biết, sức khỏe của các bệnh nhân đang ngày càng ổn định, một bệnh nhân người Trung Quốc (người con) đã có kết quả âm tính với virus corona, còn người cha đã xét nghiệm lần một cho kết quả âm tính, tiếp tục phải làm xét nghiệm lần thứ hai.

Nhằm ứng phó với dịch bệnh, ngày 1.2, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch corona tại ba địa phương nơi có các bệnh nhân cư trú là Khánh Hòa, Thanh Hóa, và Vĩnh Phúc. Trước đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh tại Trung Quốc, nhưng Việt Nam mới chỉ dừng ở mức độ lây nhiễm cao. Đại diện WHO cho biết, việc WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với dịch bệnh do virus corona ở Trung Quốc không phải là thông báo tình trạng khủng khiếp, không kiểm soát được mà là nâng tình trạng cảnh báo dịch lên mức độ khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, cần phải có sự phối hợp giữa các quốc gia.

Ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, khái niệm “khẩn cấp” của WHO khác với khái niệm “khẩn cấp” được quy định trong các văn bản quy định pháp luật của Việt Nam. “Tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam là không thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh, muốn công bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam cần có sự đánh giá đầy đủ, và có quyết định của Chính phủ, Quốc hội. Mặc dù Việt Nam không công bố tình trạng khẩn cấp nhưng đến nay đã có nhiều hoạt động cũng mang tính khẩn cấp”, ông Phu nói.

Hiện nay, nhiều địa phương đã xây dựng các kế hoạch ứng phó với dịch bệnh. Hà Nội đã có kế hoạch phòng chống dịch bệnh với 4 kịch bản cho 4 cấp độ dịch bệnh để phòng, chống. Trong đó, cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập; cấp độ 2 là khi có dịch bệnh lây nhiễm thứ phát; cấp độ 3 là khi dịch bệnh lây lan với hơn 20 trường hợp mắc; cấp độ 4 là khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng trong cộng đồng với hơn 1.000 trường hợp mắc. Đối với mỗi kịch bản, UBND thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo các cấp, ngành về công tác giám sát, dự phòng và điều trị người bệnh, công tác truyền thông và công tác hậu cần theo các bước cụ thể. Quảng Ninh cũng thành lập tạm thời bệnh viện cách ly đặc biệt, phòng chống dịch bệnh virus corona gây ra. Bệnh viện tạm thời này được thành lập trên cơ sở khu nhà khám và điều trị bệnh của Trung tâm Y tế TP Móng Cái mới được đầu tư xây dựng và đã đi vào giai đoạn hoàn thiện. Chậm nhất ngày 3.2 phải hoàn thiện lắp đặt thiết bị để đưa vào vận hành, phục vụ hoạt động diễn tập, xử lý các tình huống phát sinh.

Tại tỉnh Phú Thọ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch cụ thể và chuẩn bị khu vực cách ly tập trung khi có dịch bệnh xảy ra. Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương tham mưu UBND huyện, thị, thành thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh nCoV và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể theo từng tình huống; kiện toàn các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh.

Dẹp loạn tăng giá khẩu trang

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập, người dân tự trang bị cho mình bằng cách đi mua khẩu trang, tuy nhiên điều này đã dẫn đến tình trạng khan hiếm và tăng giá khẩu trang. Đỉnh cao nhất là vào cuối ngày 30 và 31.1, các loại khẩu trang y tế đều bị thổi giá lên gấp 2 – 6 lần bình thường, từ 4.000 – 12.000 đồng/chiếc so với 1.000 – 2.000 đồng/chiếc ngày thường. Thậm chí tại chợ thuốc Hapulico còn có hiện tượng tranh giành, xô đẩy nhau để mua khẩu trang, tại chợ thuốc Ngọc Khánh có tình trạng đầu cơ, ém hàng để tăng giá. “Từ giờ phút này trở đi, người dân có bằng chứng, hình ảnh bất kỳ nhà thuốc nào tăng giá bán, không cần thanh tra xuống làm việc, Bộ Y tế rút giấy phép ngay lập tức cửa hiệu đó. Đây là vấn đề kỷ cương và đạo đức”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), trong ngày 1.2, lực lượng QLTT trên toàn quốc đã đồng loạt ra quân tổng kiểm tra, xử lý đồng thời vận động các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế thực hiện việc niêm yết giá bán, ký cam kết không vi phạm về giá, nguồn gốc xuất xứ đối với mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn. Tính đến cuối ngày, đã có 85 cửa hàng bị kiểm tra, xử lý với số tiền vi phạm gần 89 triệu đồng, tịch thu gần 5.000 khẩu trang vi phạm.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng tiếp tục có công văn hoả tốc lần thứ 2 yêu cầu các cơ sở sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch trước 16h ngày 2.2 khẩn trương báo cáo tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch corona. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Sở Y tế xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch không gửi hoặc gửi báo cáo không đúng thời hạn về tình trạng sản xuất, năng lực sản xuất thực tế, tiêu chuẩn sản phẩm, số lượng tồn kho và khả năng đáp ứng phục vụ cho công tác phòng chống dịch nCoV.

Ngày 2.2, Thanh tra Bộ Y tế đã có cuộc họp khẩn nhằm triển khai kế hoạch thanh, kiểm tra công tác phòng chống dịch corona gây ra. Thanh tra Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn thanh tra đến làm việc với Sở Y tế, Thanh tra Sở Y tế, các công ty sản xuất kinh doanh thuốc, trang thiết bị y tế nhằm nắm tình hình công tác phòng, chống dịch gây ra trên địa bàn nói chung và các nội dung liên quan công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các loại thuốc, hóa chất, khẩu trang… phục vụ công tác phòng chống dịch thuộc phạm vi trách nhiệm của ngành y tế và Thanh tra Bộ Y tế. 

 QUỲNH HOA

Print
«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ
Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM
Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top